Trong cái khó, ló lối thoát

Trong cái khó, ló lối thoát
TP - Thất bại bởi dự án đầu tư phát triển hàng vạn hécta cây điều, nhiều khu vực nông thôn tỉnh Đăk Lăk đối mặt nguy cơ nợ đọng. Là một trong số hàng chục doanh nghiệp khốn khổ bởi điều, Cty Cà phê Chư Quynh tự tìm lối thoát theo cách riêng ...

Năm 1998, cả 250 ha cà phê thuộc 3 đội sản xuất của công ty Cà phê Chư Quynh nhiễm bệnh chết sạch. Cty nhổ bỏ, xử lý đất rồi trồng cà phê mới. Ba năm sau, toàn bộ số cà phê này lại chết vì thối rễ do tuyến trùng và nấm gây hại. Thử trồng sắn, mía cũng không hiệu quả.

Những người bỏ tiền ra đầu tư âu lo phờ phạc ngược xuôi “tầm sư học đạo”, được tư vấn nên trồng điều ghép lấy từ cây mẹ tốt đã qua chọn lọc. Cẩn thận đặt mua điều giống ghép qua Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Sở Khoa học Công nghệ, từ năm 2002 nông trường dốc vốn đầu tư gần chục tỷ đồng vào dự án trồng điều.

Vụ 2006-2007, vùng chuyên canh bắt đầu thu hoạch điều năm thứ nhất, năng suất chỉ đạt 1-1,2 tấn/ha, trong khi theo kế hoạch dự kiến thì phải đạt 1,65 tấn hạt tươi/ha. Những năm sau, không tìm ra cách nào che chắn cho hoa khỏi thối vì mưa, nông dân chán nản bỏ bê, vườn điều ngày càng xuống cấp. Nhà máy chế biến hạt điều chỉ hoạt động được 2 vụ, và sau đó đóng cửa. Toàn khối nhà xưởng hoang phế.

Chia sẻ rủi ro cùng Chư Quynh, Viện Khoa học-Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên hoãn đòi Cty 370 triệu đồng tiền cây giống còn thiếu, giải thích cho các chủ vườn đau khổ biết nguyên nhân thất bại của dự án không phải do người, do đất mà là... do trời, vì sự thay đổi thời tiết bất thường dưới tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây.

Dự án trồng điều trở thành cơn ác mộng đối với tất cả những người liên quan. Chủ vườn phải trồng đủ mọi thứ cây dưới tán điều như sắn, ngô, đậu... để cải thiện cuộc sống. Cty khó thu hồi vốn, lại còn oằn lưng trả lãi ngân hàng.

Ánh sáng cuối đường hầm

Không riêng Chư Quynh, những vùng chuyên canh điều trải rộng nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đều sa vào thảm cảnh thua lỗ. Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh vài năm gần đây giảm nhanh, năm 2008 giảm 5.558 ha, năm 2009 giảm 3.725ha, chỉ còn 37, 6 nghìn ha, năng suất bình quân 8 tạ/ha. Hiện một số diện tích đã được chuyển sang trồng cao su hoặc cà phê xen ca cao...

Tại Chư Quynh, một loại cây trồng không xa lạ đang phát huy giá trị kinh tế rất cao: hồ tiêu. Lãnh đạo Cty cho biết bàn bạc nhiều lần, cuối cùng phương án “Trả trước sản phẩm điều cho 25 năm” được thông qua. Theo đó, nếu hộ công nhân nào có khả năng nộp trọn gói 70 triệu đồng/1ha cho Cty thì có thể chuyển sang trồng tiêu.

Cách tính linh hoạt không chỉ “cởi trói”cho công nhân khỏi gốc điều không trái mà còn giúp tạo ra nguồn thu đáng kể để Cty xử lý bớt nợ nần. Thấy rõ hiệu quả đáng kể của phép tính mới, bà con bảo nhau huy động vốn họ hàng, tới nay đã có gần trăm hộ hưởng ứng.

Anh Phan Huy Cường đội 40 có 4 sào tiêu, mỗi vụ thu về gần 2 tấn tiêu khô, thời giá dao động quanh mức 46-47 triệu đồng/ tấn, chỉ 1 vụ đã thu về gần trăm triệu, gấp chục lần nguồn thu của 1 ha điều anh nhận khoán từ Cty. Cạnh nhà anh Cường, anh Nguyễn Viết Lạc vun xới được 1 ha tiêu cao sản, mỗi năm thu về 5 tấn tiêu khô, cuộc sống phất lên trông thấy .

Việc phá điều trồng tiêu ở Chư Quynh, tiến sĩ Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cảnh báo: Đó chưa hẳn là hướng đi thận trọng, đã có nhiều vùng chuyên canh tiêu ở ta điêu tàn vì sâu bệnh. Viện luôn sẵn sàng tư vấn hỗ trợ, cho doanh nghiệp và nông dân.

Trước mắt, cứ trông vào sắc xanh um của xóm tiêu, dân vùng Chư Quynh lại nhen nhóm hy vọng về ngày mai tươi sáng. Nhưng, bài học đắt giá về kiểu làm dự án vội vã thuở nào luôn nóng tính thời sự.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...