Trồng dưa lưới công nghệ cao

Ông Nguyễn Minh Bửu bên cạnh dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: Hòa Hội.
Ông Nguyễn Minh Bửu bên cạnh dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: Hòa Hội.
TP - Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao An Phú (huyện An Phú, An Giang) là đơn vị tiên phong ở ĐBSCL áp dụng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Cty đang trồng thử nghiệm 1.000 m2, vụ đầu  sau 75 ngày thu hoạch được trên 3,6 tấn. 

Sản phẩm được Cty Vuông Tròn ở TPHCM bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg loại trên 2 kg/trái và 25.000 đồng loại dưới 2 kg/trái, thu trên 98 triệu đồng, trừ chi phí, lãi gần 60 triệu đồng. Vụ thứ 2 đang ra trái chuẩn bị thu hoạch.

Ông Nguyễn Minh Bửu, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện An Phú, cho biết, dưa lưới có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon. Quy trình kỹ thuật rất khắt khe, không trồng ngoài đất được vì gặp mưa sẽ bị thối trái và không sử dụng thuốc trừ sâu nên phải trồng trong nhà lưới để cách ly sâu bệnh. 

Ngoài ra, dưa lưới trồng trong chậu nên điều tiết dinh dưỡng theo từng giai đoạn khác nhau thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Chi phí đầu tư 1.000 m2 là 550 triệu đồng. Dự kiến, lãi hơn 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Theo ông Bửu, hiện nay, nhu cầu nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn, doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn để cung cấp cho siêu thị và xuất khẩu, nhưng nguồn cung không đủ. Sắp tới, Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao An Phú mở rộng diện tích và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân có nhu cầu.

Ông Bửu nói: “Nông dân ở đây chủ yếu trồng cây màu và lúa trong khi hiện nay giá cả bấp bênh, khó thoát nghèo. Từ đó, lãnh đạo huyện quyết tâm thay đổi bằng cách đi học tập mô hình mới bằng công nghệ sạch về áp dụng để nhân rộng”. Cụ thể, năm 2014, huyện cử đoàn tham quan, học tập gồm lãnh đạo các ban, ngành đến Tây Ninh tìm hiểu nhiều mô hình, thấy trồng dưa lưới công nghệ cao có thể áp dụng được tại địa phương nên về làm ngay.

Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, đánh giá, mô hình nông nghiệp công nghệ cao bước đầu mang lại hiệu quả. Tỉnh đang chủ trương nhân rộng, đồng thời tập huấn kỹ thuật để nông dân tiếp cận trình độ canh tác mới.

MỚI - NÓNG