Trung Quốc chấp nhận hạ mức tăng trưởng?

 Cuộc chiến thương mại đặt ra thách thức rất lớn trong điều hành kinh tế ở Trung Quốc Ảnh: bunkerist.com
Cuộc chiến thương mại đặt ra thách thức rất lớn trong điều hành kinh tế ở Trung Quốc Ảnh: bunkerist.com
TP - Sau 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu về kinh tế. Nhưng đúng vào dịp kỷ niệm này, Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều bài toán về kinh tế, thương mại, trong lúc căng thẳng với Mỹ chưa có dấu hiệu được giải quyết.

Trung Quốc nên hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng về mức 6-6,5% trong tình hình khó khăn hiện nay bởi các tranh chấp thương mại với Mỹ làm gia tăng nguy cơ đối với nền kinh tế, các cố vấn kinh tế của chính phủ đề xuất trước khi ban lãnh đạo Trung Quốc bước vào kỳ họp nhằm đề ra phương hướng cho năm 2019.

Hội nghị chuyên về chủ đề kinh tế thường niên với sự tham dự của các lãnh đạo cao cấp nhất, các nhà lập pháp hàng đầu, được giới đầu tư theo dõi chặt chẽ. Theo dự kiến, hội nghị này sẽ diễn ra vào 19/12, một ngày sau khi Trung Quốc kỷ niệm 40 năm đổi mới và mở cửa, Reuters trích một nguồn tin cho hay. Hãng tin Tân Hoa Xã nói nhân dịp kỷ niệm này, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có  bài phát biểu quan trọng.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã khiến một số doanh nghiệp lớn, các cố vấn của chính phủ và học giả kêu gọi cải cách kinh tế nhanh hơn, tiếp tục giải phóng khối kinh tế tư nhân khỏi các cơ chế quản lý lỗi thời.

Một số cố vấn của chính phủ, cơ sở nghiên cứu đã đề nghị đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2019 (năm 2018, chỉ tiêu đề ra là 6,5%). “Năm tới, tăng trưởng nhiều khả năng sẽ chậm lại so với năm nay” một chuyên gia kinh tế không nêu tên nói với Reuters.

Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc  đã dự báo tăng trưởng trong năm 2019 chỉ đạt 6,3%, mức thấp nhất kể từ năm 1990, trong khi tăng trưởng của năm 2018 được dự báo ở mức 6,6%.
Một số cố vấn cho rằng chính phủ Trung Quốc nên chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn, đẩy mạnh cải cách và tránh thực thi các chính sách kích thích kinh tế có thể làm trầm trọng hơn vấn đề nợ quốc gia.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 6% trong năm tới được xem là mức đáy, trong lúc đang có những lo ngại về công ăn việc làm trước sức ép từ cả trong và ngoài nước đối với nền kinh tế.

“Nền kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại vào năm tới nhưng tình hình có thể sẽ không nghiêm trọng nếu chúng ta điều hành tốt, bởi dư địa cho việc mở rộng thị trường trong nước còn tương đối lớn”, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói.

Tất nhiên vẫn còn đó một vấn đề rất lớn và cũng rất khó để chính phủ Trung Quốc kiểm soát: căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Việc này gây sức ép rất lớn lên công tác điều hành kinh tế. Tuần trước, thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương nói  hệ thống tiền tệ của nước này cần được vận hành tương đối linh hoạt để hỗ trợ thúc đẩy một nền kinh tế đang chậm lại nhưng chính sách không thể quá lỏng lẻo bởi hạ lãi suất trong nước có thể tác động xấu đến đồng nội tệ.

Một số chuyên gia kinh tế nói ngân hàng trung ương có thể cho phép các ngân hàng thương mại hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư trong năm nay, nhưng sẽ không vội vàng cắt giảm lãi suất vì việc này có thể làm đồng Nhân dân tệ mất giá.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết cắt giảm thuế mạnh mẽ hơn nữa trong năm tới. Việc này đã làm dấy lên tranh luận trong giới chuyên gia kinh tế về vấn đề liệu Bắc Kinh có nên mở rộng tỷ lệ thâm hụt tài chính vượt quá 3% vào năm tới hay không.

Hôm qua, Mỹ nói những “hành vi cạnh tranh không công bằng” của Trung Quốc đang gây ra tổn thất đối với các công ty nước ngoài và người lao động, vi phạm các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mỹ cũng nói sẽ dẫn đầu trong các nỗ lực cải tổ WTO, theo tường thuật của Reuters.

Đại sứ thương mại Mỹ Dennis Shea, nhận xét trước phiên họp điểm lại chính sách thương mại của Mỹ trong WTO, diễn ra hai năm/lần, nói: “WTO không có đủ công cụ để xử lý các thách thức chủ chốt do Trung Quốc tạo ra: đó là (nền kinh tế) do nhà nước chỉ đạo, tăng quyền lực nhà nước thông qua việc làm suy giảm sức mạnh của các nước đối địch”.

MỚI - NÓNG