Trung Quốc hướng đến thị trường chứng khoán nước ngoài

Trung Quốc hướng đến thị trường chứng khoán nước ngoài
Với mức dự trữ ngoại hối kỷ lục, khoảng 1.330 tỷ USD (tính đến cuối tháng 6/2007), Trung Quốc đang đối mặt với sức ép phải thả lỏng đồng Nhân dân tệ.

Một giải pháp hữu hiệu của Chính phủ Trung Quốc là cố gắng trích bớt tiền từ quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ để đầu tư vào các thị trường chứng khoán nước ngoài.

Theo ông Xie Wei Hong, Giám đốc Phòng đối ngoại của Công ty quỹ Nam Trung cho biết: “Vì giá chứng khoán trên thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng, nên việc đa dạng hóa đầu tư trên các thị trường chứng khoán khác là cách duy nhất để giảm rủi ro, ngoài ra, việc trải rộng đầu tư toàn cầu cũng sẽ giúp các nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ sự tăng trưởng kinh tế thế giới.”

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 31/7 bất chấp động thái mới nhất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhằm “hạ nhiệt” nền kinh tế.

Kết thúc phiên 31/7 tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite (gồm cả cổ phiếu hạng A và hạng B) đã tăng thêm 30,26 điểm lên mức cao kỷ lục mới 4.471,03 điểm, đưa giá trị của thị trường này lên 150,41 tỷ Nhân dân tệ (19,79 tỷ USD).

Để được phép đầu tư ra nước ngoài trong những ngành này, các công ty phải đạt được tiêu chuẩn Nhà đầu tư đủ năng lực (QDII).

Theo đó, Ủy ban Kiểm soát chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho phép các công ty quản lý quỹ với tài sản ròng hơn 200 triệu Nhân dân tệ (tương đương 26 triệu USD) và hơn hai năm kinh nghiệm hoạt động; các công ty chứng khoán có tài sản ròng hơn 800 triệu Nhân dân tệ và hơn một năm kinh nghiệm hoạt động, được phép nộp hồ sơ xin cấp QDII.

Ước tính, sẽ có khoản 20 công ty quản lý quỹ đáp ứng được các tiêu chuẩn, ông Li Zhengqiang, một quan chức của CSRC nói.

Trong khi các ngân hàng thương mại tập trung đầu tư vào các thị trường tiền tệ quốc tế, thị trường trái phiếu, thì chiến lược đầu tư của các công ty quản lý quỹ là các thị trường chứng khoán nước ngoài có tiềm năng.

Công ty đầu tiên được phép đầu tư theo hình thức này là Công ty đầu tư quốc gia Trung Quốc, với 3 tỷ USD được cấp từ Quỹ Ngoại hối quốc gia (SAFE), công ty này đã đầu tư vào quỹ đầu tư Blackstone của Mỹ.

Theo thỏa thuận này, Công ty Đầu tư quốc gia Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng dưới 10% cổ phần của Blackstone khi đại gia Mỹ này tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời gian sắp tới.

Một hạn mức đầu tư 500 triệu Đôla Mỹ cũng được cấp phép cho Công ty quản lý quỹ Hua An, có trụ sở đặt tại Thượng Hải.

Tiếp theo đó, ngày 30/7, Công ty quản lý quỹ Nam Trung và Công ty quản lý tài sản Trung Quốc (China AMC) đã công bố kế hoạch tập trung các khoản đầu tư nước ngoài của họ vào thị trường chứng khoán, ngay sau khi được Ủy ban kiểm soát chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cấp phép.

Công ty quản lý quỹ Nam Trung vừa ký một thỏa thuận với Tập đoàn tài chính Mellon có trụ sở ở Mỹ để cùng phát triển hình thức đầu tư QDII đầu tiên. Cùng lúc, China AMC chọn công ty T.Rowe Price có trụ sở ở Mỹ làm nhà tư vấn cho họ trong các hạng mục đầu tư nước ngoài.

Nam Trung sẽ chọn 48 nước và vùng lãnh thổ cho các hạng mục đầu tư của mình, với mục tiêu đầu tư đầu tiên là những cổ phiếu được niêm yết ở Hồng Kông và các quỹ toàn cầu. Theo Tổng giám đốc Gao Liang Yu, doanh số ước tính của công ty này từ hạng mục đầu tư đầu tiên là 1 tỷ Đôla Mỹ.

Công ty quản lý tài sản Trung Quốc cũng sẽ thực hiện thương vụ đầu tư ra nước ngoài đầu tiên trên thị trường chứng khoán, gồm các thị trường đã phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông và một số thị trường mới nổi.

Tối đa khoảng 30% định mức đầu tư của công ty sẽ được đầu tư vào thị trường chứng khoán Hồng Kông, một phần nhỏ hơn sẽ được dùng để mua các trái phiếu nước ngoài.

Các nhà phân tích cũng nhận xét rằng, việc đầu tư vào những nước với đồng tiền có xu hướng tăng giá so với đồng Nhân dân tệ sẽ giúp các nhà đầu tư tránh các khoản lỗ từ chuyển đổi ngoại tệ và sự dịch chuyển đầu tư này sẽ giúp các công ty quản lý quỹ đầu tư có kinh nghiệm trong đầu tư quốc tế và giảm áp lực về luồng dự trữ ngoại hối tăng nhanh. 

  Theo Lê Hường
Vneconomy

MỚI - NÓNG