Trung Quốc phá giá đồng tiền, doanh nghiệp Việt 'đứng ngồi' không yên

Những doanh nghiệp xuất khẩu (như thủy sản) sẽ gặp khó khi Trung Quốc phá giá NDT. Ảnh: Phạm Tuyên.
Những doanh nghiệp xuất khẩu (như thủy sản) sẽ gặp khó khi Trung Quốc phá giá NDT. Ảnh: Phạm Tuyên.
TP - Việc Trung Quốc phá giá đồng tiền chắc chắn sẽ làm gia tăng hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào mặt hàng, khối lượng nhập. Bộ Công Thương cho hay, đang theo dõi sát diễn biến tình hình để có đánh giá cụ thể thời gian tới.

Nông sản nhấp nhổm

Bà Nguyễn Thị Bích Vượng, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hưng Thịnh - một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo qua tiểu ngạch sang Trung Quốc ở Lào Cai cho biết, xuất khẩu tiểu ngạch, chính sách Trung Quốc đã “cắc bụp”, nay đồng tiền của họ phá giá mạnh nữa, lại càng khó cho DN xuất khẩu Việt Nam. Theo bà Vượng, xuất tiểu ngạch, nên DN bán theo lô, hợp đồng bằng miệng, và khách hàng cũng không đặt cọc. Do vậy, khi đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá, khách hàng phải chịu. Hiện bà Vượng đang tạm dừng xuất gạo để điều chỉnh giá bán. “Với giá NDT trên 3.500 đồng/NDT, chúng tôi bán hàng không vấn đề gì, nhưng nay đồng NDT mất giá khá sâu, nên không thể bán được” - bà Vượng nói.

Trong khi đó, là DN xuất khẩu chính ngạch gạo sang Trung Quốc nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng, cho biết với những hợp đồng đã ký trước đó, khách chưa nhận hàng, một số đơn hàng đề nghị giảm giá. Các hợp đồng mới khó ký, vì giá USD cao quá.

Theo ông Đôn, năm ngoái DN của ông xuất khẩu 70% lượng gạo đi Trung Quốc, 30% đi nước khác, nhưng từ đầu năm tới nay, Trung Quốc chỉ cấp quota nhập khẩu gạo 1 triệu tấn. “Đến nay, chúng tôi mới xuất được 55.000 tấn gạo sang Trung Quốc, trong khi năm ngoái, đến giờ này phải tới 80.000 tấn. Cả năm, may chăng xuất được khoảng 70.000 tấn đi Trung Quốc là ngon rồi” - ông Đôn nói.

Ông Trần Ngọc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) thì cho biết, hơn một năm nay, giá thanh long xuất sang Trung Quốc rất thấp. Nhiều DN xuất trái cây đang khó khăn. Hiện, giá thanh long xuất sang Trung Quốc chỉ ở mức 0,7-1 USD/kg.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), việc Trung Quốc phá giá mạnh NDT, sẽ bất lợi cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo ông, lâu nay nông nghiệp chúng ta đã thua họ rồi. Nay họ phá giá khoảng 5%, còn ta chỉ 1%, như vậy họ đã hơn mình 4% rồi.

Dệt may, hóa chất lo sức ép dài hơi

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Vật tư và Xuất nhập khẩu hóa chất (Vinachimex) cho biết, với các DN ngành hóa chất, về cơ bản, việc nhập khẩu không bị ảnh hưởng nhiều do doanh nghiệp trong nước giờ cũng hạn chế hóa chất nhập từ Trung Quốc.  “Việc Trung Quốc phá giá đồng tiền sẽ làm những mặt hàng hóa chất cùng chủng loại của họ có thêm sức cạnh tranh mạnh hơn với hàng của doanh nghiệp Việt. Thị trường hàng tiêu dùng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh”, ông Thắng cho biết.

Theo đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, phân bón ở khu vực phía Nam, trước mắt chưa thể tính hết tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng tiền đối với các doanh nghiệp trong ngành. Theo vị này, với lĩnh vực hóa chất và nguyên phụ liệu sản xuất công nghiệp, Trung Quốc vẫn thường phá giá thị trường để gây sức ép với các đối thủ cạnh tranh. “Chắc chắn về lâu dài, ngành hóa chất sẽ bị ảnh hưởng từ việc thay đổi tỷ giá của Trung Quốc cũng như cạnh tranh trên thị trường với các doanh nghiệp khác”, vị này khẳng định.

Đại diện một doanh nghiệp dệt may cho rằng, Trung Quốc mạnh tay phá giá đồng tiền khiến hàng hóa xuất khẩu của họ càng có lợi thế. Nếu Việt Nam không mạnh tay phá giá như họ thì đương nhiên sẽ bị thua khi xuất khẩu. 

MỚI - NÓNG