Trung Quốc tư nhân hoá lĩnh vực ngân hàng

Theo thông báo của giới chức Trung Quốc, 10 công ty, trong đó có hai đại gia Internet - Alibaba và Tencent đã được chọn rót vốn vào 5 ngân hàng tư nhân đầu tiên của nước này.

Ông Shang Fulin – Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc cho biết việc thành lập các ngân hàng nằm trong kế hoạch cải tổ được công bố năm ngoái. 5 nhà băng mới dự kiến hoạt động độc lập theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời gian và quy mô cụ thể các ngân hàng này.

Trung Quốc tư nhân hoá lĩnh vực ngân hàng ảnh 1 Trung Quốc sắp có thêm 5 ngân hàng tư nhân. Ảnh: The Bric Spot
Năm ngoái, giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép thành lập các ngân hàng do tư nhân góp vốn. Việc này nhằm tăng vai trò của yếu tố thị trường, giúp nền kinh tế nước này hoạt động hiệu quả hơn. Theo AP, hệ thống tài chính Trung Quốc hiện chủ yếu do nhà nước quản lý. Vì thế, thay đổi hệ thống này được kỳ vọng là trọng tâm kế hoạch cải tổ tham vọng nhất của Trung Quốc kể từ năm 1979.

Những người ủng hộ cho rằng các ngân hàng quốc doanh đang kìm hãm nền kinh tế khi chủ yếu cho vay các lĩnh vực Chính phủ quản lý, hơn là các doanh nghiệp tư nhân. Lãi suất tiết kiệm tại đây cũng được đánh giá là thấp.

Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường đầu tuần này cam kết sẽ để thị trường “vai trò quyết định” trong việc phân phối tín dụng và các nguồn lực khác, nhằm tạo ra tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Theo ông Shang, mỗi ngân hàng mới sẽ có ít nhất hai nhà đầu tư tư nhân. Công việc chuẩn bị vẫn đang được tiến hành.

Alibaba - Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới và Tencent Holdings – hãng cung cấp game online phổ biến nhất Trung Quốc đều đã tung ra dịch vụ tài chính, thu hút tiền gửi bằng cách trả lãi suất cao hơn. Nhiều người chỉ trích họ làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường lại ủng hộ và cam kết sẽ có bài phát biểu khuyến khích dịch vụ tài chính trực tuyến.

Ngoài Alibaba và Tencent, People’s Daily – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nêu tên 8 công ty khác được chọn đầu tư vào các ngân hàng tư nhân mới. Những nhà băng này dự kiến tập trung cho vay các công ty tư nhân. Họ sẽ được yêu cầu lên kế hoạch thanh lý tài sản trong trường hợp sụp đổ, để giảm gánh nặng cho người dân, ông Shang cho biết.

Các ngân hàng đầu tiên sẽ được mở tại Thượng Hải, Thiên Tân, Chiết Giang và Quảng Đông. Alibaba đang lên kế hoạch hợp tác với Tập đoàn sản xuất phụ tùng ôtô - Wanxiang để lập ngân hàng cho vay các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, người phát ngôn của hãng cho biết.

Để đánh giá người vay, Alibaba có thể sử dụng kho dữ liệu về hơn 300 triệu người dùng hiện tại. Theo họ, tỷ lệ vỡ nợ của Alibaba thấp hơn các ngân hàng truyền thống.

Khó vay vốn từ các ngân hàng quốc doanh đã khiến các nhà khởi nghiệp Trung Quốc phải tìm đến thị trường ngân hàng ngầm với lãi suất cắt cổ. Các nhà điều tiết cho phép thị trường này phát triển nhằm hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân. Nhưng gần đây, họ lại thắt chặt kiểm soát sau khi phát hiện nhiều công ty, ngân hàng nhà nước cũng tham gia thị trường này và có nguy cơ thua lỗ.

Tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã bỏ sàn lãi suất cho vay. Việc này cho phép người vay có điểm tín dụng tốt có thể đàm phán lấy lãi suất thấp hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đầu tuần này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng cho biết có thể nới lỏng kiểm soát lãi suất các khoản tiền gửi kỳ hạn trong vòng 2 năm. Việc này sẽ cho phép các ngân hàng cạnh tranh lãi suất tiết kiệm và người gửi được hưởng lợi.

 “Tự do hóa lãi suất tiết kiệm sẽ là bước cuối trong quá trình thị trường hóa lãi suất. Tôi cho rằng việc này có thể hiện thực hóa trong 1-2 năm tới”, Thống đốc PBOC - Zhou Xiaochuan cho biết.

Theo Hà Thu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG