Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội : Hứa hẹn nhiều sôi động

Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội : Hứa hẹn nhiều sôi động
Sau nhiều năm thai nghén, cuối cùng, Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội đã chính thức chào đời vào ngày 8/3 vừa qua. 

Khác với TTGDCK TP.HCM (vốn là nơi niêm yết và giao dịch chứng khoán của các công ty lớn), TTGDCK Hà Nội sẽ là “sân chơi” cho các DN nhỏ và vừa (với vốn điều lệ từ 5 đến 30 tỷ đồng).

Giới chuyên môn cho rằng, nếu được tổ chức tốt, “sân chơi” này thậm chí có thể còn sôi động hơn cả TTGDCK TP.HCM với lý do là cơ chế đăng ký giao dịch tại đây không quá khắt khe như việc niêm yết tại TTGDCK TP.HCM. Trong khi đó, cổ phiếu của các DN nhỏ và vừa thường có tính đột biến rất cao, mang nhiều yếu tố bất ngờ hơn các DN lớn, nên đó cũng cơ sở hứa hẹn sự sôi động của thị trường sau này.

Theo chiến lược phát triển, tiến trình phát triển của TTGDCK Hà Nội được phân làm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu (từ năm 2005 đến năm 2007) sẽ thực hiện đấu giá cổ phiếu của các DN cổ phần hoá và phục vụ cho nhu cầu giao dịch chứng khoán của các DN nhỏ và vừa.

Giai đoạn 2 (từ năm 2007 trở về sau) sẽ đầu tư xây dựng thành thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC).

Ngay trong ngày khai trương, phiên đấu giá cổ phần đầu tiên của Nhà máy Thiết bị bưu điện đã được thực hiện thành công với 151.800 cổ phiếu được phát hành với giá đấu thầu cao nhất lên tới 350.000 đồng/cổ phiếu và thấp nhất là 147.500 đồng/cổ phiếu. Sau đó, các đợt đấu giá tiếp theo sẽ được thực hiện với việc đấu giá cổ phần của Nhà máy Thuỷ điện Sông Hinh - Vĩnh Sơn vào ngày 10/3 và Điện lực Khánh Hoà vào ngày 17/3 tới.

Về tương lai phát triển nguồn hàng của TTGDCK Hà Nội, riêng ở Hà Nội đã có khoảng 3.600 công ty cổ phần, trong đó chủ yếu là các DN có quy mô dưới 30 tỷ đồng. Chính vì vậy, theo ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, nếu các cơ quan quản lý có những chính sách thông thoáng thì lượng hàng cho thị trường chứng khoán sẽ rất dồi dào.

Ông Phạm Công Bình - Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN Hà Nội - cho biết: TP. Hà Nội sẽ có chính sách khuyến khích những DN đấu giá cổ phần phát hành lần đầu ra bên ngoài tại TTGDCK Hà Nội và có thể đưa vào giao dịch luôn sau khi cổ phần hoá.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Dũng - Giám đốc TTGDCK Hà Nội, trong những tháng đầu, TTGDCK Hà Nội sẽ chỉ tập trung vào hoạt động đấu giá. Đối với hoạt động giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết, theo ông Dũng, dự kiến của TTGDCK Hà Nội là vào khoảng giữa năm 2005 sẽ thực hiện.

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA TTGDCK HÀ NỘI

1. Tổ chức đấu giá cổ phần:

Đối tượng: * Các DN cổ phần hóa có khối lượng cổ phần bán ra từ 10 tỷ đồng trở lên hoặc các DN có khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng, nhưng có nhu cầu được đấu giá qua TTGDCK Hà Nội.

* Các DN khác có nhu cầu phát hành cổ phần thông qua đấu giá tại Trung tâm.

Trình tự, thủ tục đấu giá:

* Thông báo công khai các thông tin liên quan đến việc bán đấu giá cổ phần của DN trước khi tổ chức đấu giá tối thiểu 20 ngày.

* Làm thủ tục đăng ký đấu giá và nhận tiền đặt cọc.

* Vậnhành hệ thống đấu giá cổ phần.

* Công bố kết quả đấu giá.

2. Tổ chức đấu thầu trái phiếu

Loại trái phiếu: Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.

Đối tượng tham gia: Các thành viên đấu thầu là các tổ chức  tín dụng, các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, DN, tổ chức kinh tế.

Điều kiện tham gia: Là pháp nhân có vốn tối thiểu là 22 tỷ đồng và được cấp giấy chứng nhận thành viên.

3. Tổ chức giao dịch trên thị trường thứ cấp:

Hàng hóa: Là cổ phiếu của các DN có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên, có ít nhất 50 cổ đông, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm liền trước có lãi; các loại trái phiếu chưa thực hiện niêm yết.

Nguyên tắc giao dịch: Tất cả giao dịch được thực hiện thông qua công ty chứng khoán thành viên.

Phương thức giao dịch: Giao dịch thỏa thuận và giao dịch báo giá.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.