Truy thu tiền chênh từ tăng giá bất hợp lý

Truy thu tiền chênh từ tăng giá bất hợp lý
TP - Theo Nghị định 84 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá (có hiệu lực từ ngày 15-11), doanh nghiệp sẽ bị truy thu toàn bộ phần tiền do tăng giá bất hợp lý mà có.

Từ 15-11:

Truy thu tiền chênh từ tăng giá bất hợp lý

Ông Nguyễn Anh Tuấn (ảnh), Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nói rằng, việc xử lý vi phạm về giá sẽ mạnh hơn.

Ngoài việc kiểm tra giá mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng khẳng định sẽ kiểm soát giá những mặt hàng khác chặt hơn. Việc kiểm tra đã tiến hành chưa, thưa ông?

Trên thực tế, việc kiểm tra vẫn được duy trì thời gian qua. Như đợt thanh tra về thuốc bảo vệ thực vật mới kết thúc và đã công khai kết quả. Trước đây, khi chưa có chế tài xử phạt thì phát hiện vi phạm cũng khó xử lý nhưng nay với Nghị định 84, việc xử lý những vi phạm về giá thời gian tới chắc chắn sẽ nghiêm và mạnh hơn. Đặc biệt, trong đó có những chế tài rất mạnh như xử lý khoản chênh bất hợp lý. Đơn cử như trường hợp đăng ký giá với nguyên tắc kiểm tra sau, cơ quan quản lý sẽ phải kiểm tra và rà soát. Nếu như với luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì phần lệch khi phát hiện, trước đây doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế, thì nay với Nghị định 84, có thể truy thu toàn bộ phần giá chênh lệch bất hợp lý...

Sau một thời gian 15 mặt hàng (phân bón, sữa, gas, đường, thức ăn gia súc...) được đưa vào diện bình ổn giá, thuộc diện phải đăng ký giá, ông thấy việc chấp hành của doanh nghiệp thế nào?

Nhìn chung, sau khi thực hiện việc đăng ký giá, doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn. Ví như về giá sữa, theo quy định cũ, nếu doanh nghiệp tăng thêm bằng 20% giá thành, cách 15 ngày mới phải báo cáo, thì đa số tránh bằng việc chỉ tăng 10-15%. Tuy nhiên, hiện giờ nếu muốn tăng giá, họ phải báo cáo, thuyết trình những biến động tăng, như yếu tố đầu vào, chi phí hợp lý. Năm nay mới có một doanh nghiệp sữa đăng ký tăng giá do biến động tăng tỷ giá euro (tại tờ khai hải quan). Năm ngoái có tới gần chục lần điều chỉnh giá sữa.

Một trong những yếu tố đẩy giá lên cao là khâu phân phối trung gian, nên muốn quản lý được giá phải làm đồng bộ. Vấn đề này sẽ được xử lý thế nào?

Nghị định về giá chỉ quản lý giá gốc, tức là gốc sản xuất và các đại lý chính thức. Phần phân phối do Bộ Công Thương làm. Vấn đề ở chỗ, rất khó quản lý các đại lý không chính thức cấp 4, cấp 5. Việc đăng ký giá và kiểm tra những vi phạm về giá đã được chuyển về cho Sở Tài chính địa phương quản lý. Cách tốt nhất để hạn chế việc tăng giá ở khâu trung gian là người tiêu dùng nên chọn mua ở những đại lý lớn, có niêm yết theo giá bán của doanh nghiệp.

Cảm ơn ông.

Theo Nghị định 84, mức phạt cao nhất 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi bán hàng hóa thấp hơn giá sàn, mức giá tối thiểu hoặc cao hơn giá tối đa do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc quy định. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi bịa đặt, loan tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ, gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.