Truyền tải điện quốc gia: Những nhịp đường dây nối liền đất nước

EVNNPT đặt mục tiêu lọt top 4 đơn vị truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2020
EVNNPT đặt mục tiêu lọt top 4 đơn vị truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2020
Ngày 4/7/2018, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia ( EVNNPT) sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ với những thành tích xuất sắc đạt được thời gian qua. Nhiều thế hệ cán bộ công nhân ngành điện, truyền tải điện đã ngày đêm đổ mồ hôi công sức để làm nên những tuyến đường dây, hệ thống nối liền hệ thống điện toàn quốc.

Bước ngoặt lịch sử của ngành điện Việt Nam

Có thể nói, một trong những dấu ấn lớn với ngành truyền tải điện là việc ngày 5/4/1992 đã đi vào trang sử vàng của ngành điện lực Việt Nam, thời điểm khởi công hệ thống tải điện 500 kV Bắc-Nam. Sự kiện này đã mở đầu cho việc hình thành một công trình truyền tải điện mang tầm vóc thế kỷ của đất nước, mở đầu cho tư duy và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng những việc làm phi thường của toàn thể cán bộ, chuyên gia kỹ thuật và công nhân viên ngành điện lực Việt Nam. Đến nay, hệ thống truyền tải điện 500 kV được vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Đầu năm 1990, tình trạng thiếu điện tại các vùng miền, nhất là miền Trung và miền Nam ngày càng bộc lộ rõ hơn, căng thẳng hơn, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Khái niệm 2 “đỏ”, 1 “tắt” (cứ 2 ngày có điện sẽ có 1 ngày không có điện) trở thành quen thuộc trong những tháng năm ấy. Trong khi đó, do nguyên nhân khách quan là chủ yếu nên nguồn sản xuất cung cấp điện lại phân bổ không đều. Hầu hết các nhà máy điện lớn tập trung ở miền Bắc: Nhà máy Điện Hòa Bình, Thác Bà, Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình... Nhất là từ khi Nhà máy Điện Hòa Bình liên tiếp đưa các tổ máy vào vận hành khai thác, thì miền Bắc lại dư thừa điện khá lớn trong khi đó, miền Trung và miền Nam đang thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Đầu năm 1992, sau khi trực tiếp và gián tiếp nhận được các thông tin về tình hình thiếu điện trầm trọng ở miền Trung và miền Nam, cùng các văn bản báo cáo và ý kiến tham mưu, đề xuất của Bộ Năng lượng các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã thận trọng lắng nghe, xem xét kỹ càng từng phương án.

Dưới góc độ khoa học, một số nhà khoa học cũng phản đối. Không ít nhà khoa học có học hàm, học vị cao đang sống và làm việc ở nước ngoài và cả người nước ngoài cũng tham gia đóng góp ý kiến vào vấn đề lớn và nóng hổi này.

Ngày 5/4/1992, Lễ khởi công trọng thể Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam đã được tổ chức đồng thời tại các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng, Đắc Lăc và Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình là một đường tải điện lớn nhất nước ta từ trước tới nay, có kỹ thuật xây lắp, quản lý và vận hành hiện đại, có quy mô khối lượng xây lắp lớn với tổng chiều dài 1.462,5km chạy dài qua 17 tỉnh và 16 con sông từ Bắc vào Nam. Việc đầu tư xây dựng công trình có tầm quan trọng và ý nghĩa rất to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước..

Lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành sau đúng hai năm thi công, chấm dứt tình trạng thiếu điện triền miên tại khu vực miền Trung và miền Nam. Công trình đã đi vào lịch sử khi trở thành công trình thu hồi vốn nhanh nhất của ngành điện: Sau 3 năm vận hành đã khấu hao hết toàn bộ vốn của công trình.

Công trình cũng đã góp phần đặt nền móng và tỏa ánh sáng dẫn đường cho các công trình truyền tải điện mạch II, III ra đời tiếp sau của ngành Điện lực Việt Nam, góp phần hết sức quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước ta đi tới thành công .

Truyền tải điện quốc gia: Những nhịp đường dây nối liền đất nước ảnh 1
 
Truyền tải điện quốc gia: Những nhịp đường dây nối liền đất nước ảnh 2

Ông  Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT (mũ trắng, thứ 3 từ trái qua) kiểm tra vận hành trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ

Phấn đấu lọt top 4 khu vực Đông Nam Á đến năm 2020

Theo ông  Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT, EVNNPT quản lý vận hành 24.368 km đường dây 500 kV, 220 kV, 141 trạm biến áp (TBA) 500 kV, 220 kV với tổng dung lượng MBA là 81.288 MVA, tăng 120% về số TBA và tăng 217% về tổng dung lượng so với thời điểm thành lập. Đặc biệt trong 10 năm qua, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã phát triển mạnh về quy mô, ngày càng được nâng cao về chất lượng, công nghệ. Đó là niềm vinh dự và tự hào chung của hơn 7.651 cán bộ, công nhân viên EVNNPT sau một chặng đường nhiều thử thách, cam go.

Theo ông Đặng Phan Tường, về công tác quản lý vận hành, trong những năm qua, EVNNPT đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình vận hành để xử lý kịp thời các khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ và nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. 10 năm hoạt động, EVNNPT đã vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia với sản lượng điện truyền tải là 1.184,7 tỉ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95%/năm. EVNNPT đã góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cũng theo Chủ tịch EVNNPT, để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo trong bối cảnh các dự án nguồn điện miền Nam bị chậm tiến độ, EVNNPT đang khẩn trương triển khai các dự án đầu tư lưới truyền tải điện để giải tỏa công suất các nguồn điện phía Nam và nâng cao năng lực lưới truyền tải điện Bắc-Nam. Đó là các dự án đồng bộ Trung tâm điện lực Long Phú, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Sông Hậu…

Đối với các dự án nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc-Nam, EVNNPT đang triển khai rất khẩn trương các dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) để tăng cường khả năng truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Đây là các dự án rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo trong bối cảnh các dự án nguồn điện miền Nam bị chậm tiến độ. Các dự án dự kiến khởi công trong quý III-2018.

“Đến nay EVNNPT là một trong những đơn vị có tiếng trong việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực truyền tải điện. Tổng công ty cũng đặt mục tiêu lọt top 4 đơn vị truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2020”,Chủ tịch EVNNPT Đặng Phan Tường nói.

Việc đưa hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho phát triển kinh tế, xã hội của miền Trung và miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở miền Bắc và các mỏ cung cấp than thời bấy giờ. Đồng thời, đây còn là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.