TTCK thế giới bi quan trước cuộc họp G-20

TTCK thế giới bi quan trước cuộc họp G-20
TPO - Chứng khoán thế giới đã giảm mạnh trong ngày đầu tuần trước cuộc họp các lãnh đạo G-20 do tin xấu của ngành ngân hàng, cũng như tình trạng khó khăn của ngành xe hơi Mỹ.
TTCK thế giới bi quan trước cuộc họp G-20 ảnh 1
Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên đầu tuần. Ảnh: AP

Tính đến 19 giờ hôm qua, tức kết thúc phiên giao dịch sáng tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 mở cửa giảm 86,27 điểm tức 2,2% còn 3.812,58 điểm, trong khi DAX giảm 150,70 điểm tức 3,6% còn 4.052,85 điểm. CAC-40 của Pháp giảm 86 điểm tức 3% còn 2.754,62 điểm.

Trước đó, thị trường châu Á cũng kết thúc phiên đầu tuần giảm điểm mạnh. Cụ thể, tại thị trường lớn nhất khu vực Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 390,89 điểm tức 4,5% còn 8.236,08 điểm.

Tại Hong Kong Hang Seng giảm 663,17 điểm tức 4,7% còn 13.456,33 điểm. Tương tự, Kospi của Hàn Quốc giảm 3,2% trong khi ác thị trường khác như Singapore, Đài Loan và Ấn Độ cũng giảm trên 3%.

Như vậy, diễn biến của phiên mở cửa buổi sáng tại châu Âu và ngày đầu tuần châu Á đã diễn ra tiếp sau phiên giảm điểm tại Wall Street cuối tuần qua, nơi Dow Jones giảm 187 điểm tức 2,4% còn 7.575 điểm và Standard & Poor's 500 giảm 21,9 điểm hay 2,7% còn 794,20 điểm.

Còn trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm 1,84 USD còn 50,54 USD/thùng trên phiên giao dịch điện tử New York Mercantile Exchange.

Sự tập trung của thị trường trong vài ngày tới sẽ hướng tới cuộc họp lãnh đạo các nước G-20 tại London vào thứ năm tới. Trước cuộc họp này, đã có nhiều quan điểm trái ngược nhau về biện pháp để ổn định thị trường.

Trong khi Mỹ bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính, thì lãnh đạo châu Âu muốn thắt chặt các quy định với hệ thống tài chính toàn cầu.

Thêm vào đó, các nhà đầu cũng cũng lo lắng về mảng ngân hàng do CEO của JP Morgan Chase & Co và Bank of America Corp cho biết điều kiện kinh doanh đang khó khăn hơn sau khi đã có lời trong tháng Hai và tháng Ba.

Tại châu Âu, mảng ngân hàng cũng đang bị tổn thương sau thông tin Tây Ban Nha lần đầu tiên phải giải cứu một ngân hàng trong hệ thống tài chính, ngân hàng Caja Castilla-La Mancha. Còn UBS của Thụy Sĩ cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 8.000 nhân viên.

Tương tự, ngành xe hơi cũng đang chịu sức ép nặng nề sau thông tin xấu từ Mỹ khi Nhà Trắng đã từ chối yêu cầu hỗ trợ thêm tiền của General Motors  và Chrysler LLC, làm tăng khả năng phá sản của hai hãng xe hơi này.

Cổ phiếu của hãng xe hơi lớn nhất thế giới Toyota Motor giảm 3,7%, Honda Motor giảm 6,7% còn Nissan Motor giảm 7,7%. Tại châu Âu, thì cổ phiếu hai hãng xe hơi Đức BMW AG và Daimler AG cũng giảm hơn 7%.

MỚI - NÓNG