TTCK toàn cầu sụt giảm mạnh: Liệu có cùng "chìm"?

TTCK toàn cầu sụt giảm mạnh: Liệu có cùng "chìm"?
Ngày 2/3, TTCK Mỹ đón nhận nhiều tin tức trái chiều. Đáng lẽ khi các dự báo quá bi quan thì chỉ cần con số "không xấu như mong đợi" cũng đủ gây nên một tác động tích cực. Tuy nhiên, phản ứng của giới đầu tư lại cho thấy những lo ngại lớn hơn.

Những số liệu kinh tế vĩ mô được đánh giá là khá tích cực: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lên một cách bất ngờ từ mức 35,6 điểm hồi tháng 1/2009 lên 35,8 điểm trong tháng 2 vừa qua. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với các dự báo của giới phân tích rằng sản xuất công nghiệp sẽ sụt giảm mạnh trong tháng 2, xuống khoảng 33,8 điểm.

Các chỉ số quan trọng khác như chi tiêu cá nhân tháng 1/2009 cũng gây bất ngờ khi tăng 0,6% so với tháng 12/2008. Con số ước tính trước đó chỉ là tăng 0,4%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2008.

Mức thu nhập cá nhân cũng tăng 0,4% trong khi giới phân tích lại cho rằng sẽ giảm 0,2%. Mức tiết kiệm cá nhân cũng tăng từ 128,7 tỉ USD trong tháng 1 lên 545,5 tỉ USD tháng 2/2009.

Tuy nhiên, phản ứng của TTCK trước những tin tức vĩ mô như vậy lại khác. Ngay báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ mức thu nhập cá nhân tăng là do sự tăng chi trả đối với ngạch công chức và quân đội. Còn lại mức lương đối với khu vực tư nhân thực tế đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Riêng trong tháng 1 vừa qua, con số thất nghiệp ròng là 598.000 người, mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ gần đây. Cả các nhà kinh tế lẫn Chính phủ đều dự đoán con số thất nghiệp sẽ còn tăng.

Theo bình luận của các nhà phân tích, những yếu tố đó cho thấy sự gia tăng tiêu dùng của tháng 1 không mang tính bền vững. Mặt khác, chỉ số chi tiêu cho xây dựng tháng 1 đã giảm 3,3% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004. Mức chi tiêu xây dựng cho cá nhân giảm 2,9% và chi tiêu xây dựng công nghiệp giảm 4,3%.

Cùng với những nghi ngờ về khả năng phục hồi của nền kinh tế, TTCK còn đón nhận thông tin kinh hoàng về mức lỗ của Tập đoàn bảo hiểm AIG với con số 61,7 tỉ USD chỉ trong quý IV/2008, nâng tổng số lỗ năm 2008 lên 99,29 tỉ USD. Đây là mức lỗ lớn chưa từng có trong một quý của tập đoàn này.

Điều mà thị trường tài chính lo ngại hơn là mức độ ổn định của hệ thống sẽ bị ảnh hưởng trước sự lung lay của AIG. Cả Bộ Tài chính lẫn FED đều ra sức trấn an thị trường rằng sẽ tiếp tục bơm tiền lần thứ 3 với gói cứu trợ 30 tỉ USD cho tập đoàn này sau khi đã bơm tổng cộng 150 tỉ USD. Mức kiểm soát của Chính phủ với AIG có thể lên tới 80% vốn.

TTCK Mỹ ngày 2/3 đã có một phiên sụt giảm mạnh: Dow Jones sụt 4,2%, phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mong manh 7.000 điểm. Nasdaq cũng giảm 4%. Đặc biệt chỉ số S&P 500 - chỉ số quan trọng nhất phản ánh sự kỳ vọng đối với những đại Cty của Mỹ - đã giảm tới 4,7%, xuống sát mức 700 điểm. Như vậy tất cả các chỉ số chính của TTCK Mỹ đều phá vỡ các mức tưởng như là đáy kể từ khi các gói cứu trợ trăm tỉ USD được tung ra.

"Chỉ mất 14 phiên Dow Jones đã rơi trên 1.000 điểm - tốc độ rơi nhanh chưa từng có. Như vậy kể từ đầu năm, Dow Jones đã mất trên 25% giá trị. Theo phân tích của Cty Bell Curve Trading, khi mọi thứ trở nên tồi tệ thì nó sẽ có thể tồi tệ hơn nữa và tin rằng Dow Jones có thể xuống 5.000 điểm và S&P xuống 500 điểm.

Chứng khoán trong nước quay đầu

Chịu ảnh hướng lớn từ sự bi quan của TTCK toàn cầu, ngày 3.3, TTCK đã chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng điểm mạnh gần như liên tục: VN-Index giảm 2,5% xuống mức 241,46 điểm, HaSTC-Index giảm 2,2%, xuống 81,76 điểm.

Điều đáng lo ngại là khối lượng khớp lệnh trên cả hai sàn đều tăng mạnh trong khi giá CK duy trì đà giảm gần như toàn bộ thời gian giao dịch cho thấy áp lực bán đang gia tăng và chấp nhận bán giá thấp.

Nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh 6,2 điểm là nhóm CP lớn quay đầu, trong đó FPT, SSI, STB, PVD giảm sàn. Lĩnh vực tài chính NH có mức giảm mạnh nhất: Bình quân 3,5% trong khi VN-Index giảm 2,5%.

Hai CP quan trọng trong lĩnh vực này là SSI và STB xuất hiện hoạt động xả hàng mạnh mẽ. Mặc dù khối lượng mua vào của cả hai mã này vẫn cao hơn lượng bán ra nhưng chủ yếu đặt mua lân cận giá sàn một cách thụ động khiến giá không thể tăng.

Trong khi thiếu vắng các các thông tin hỗ trợ trong nước, phản ứng quá tiêu cực từ thị trường thế giới khiến NĐT lo ngại rủi ro cao của một cái bẫy phục hồi.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ khía cạnh cung - cầu, chuỗi phiên tăng điểm vừa qua xuất hiện khối lượng giao dịch lớn nhưng đa số CP chỉ tăng rất khiêm tốn mang dáng dấp của một đợt phân phối làm suy yếu sức mua.

Hiện cả hai chỉ số giá đang đứng trước ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn vừa đạt được tuần trước. Nếu NĐT mạnh tay mua vào khi giá giảm trở lại đáy cũ thì cơ hội phục hồi mới được nhen nhóm.

Theo Nguyễn Hoàng
Lao động

MỚI - NÓNG