TTCK Việt Nam dần đi theo quy luật?

TTCK Việt Nam dần đi theo quy luật?
TP - Hiếm khi nào giới đầu tư chứng khoán lại trải qua đủ “hỉ, nộ, ái, ố” như tuần này. Hả hê đầu tuần, hoang mang giữa tuần và vui sướng cuối tuần...
TTCK Việt Nam dần đi theo quy luật? ảnh 1
Buồn, lo, sung sướng theo giá cổ phiếu

Nhiều người cho rằng “chẳng biết đâu mà lần” và quá bất ngờ nhưng có khá nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bắt đầu “hoà nhập” vào TTCK toàn cầu và dần dà đi theo quy luật ...

Mới đây, đã có lúc TTCK thế giới lên thì TTCK Việt Nam xuống hoặc ngược lại, tình trạng này có khi xảy ra cả với sàn Hà Nội và TPHCM.

Nhưng từ đầu năm 2007 đến nay, tình cảnh “ngược đời” này đã đảo chiều và TTCK Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ TTCK thế giới dù đi sau 1- 2 ngày. Thứ ba (13/3) các trung tâm lớn từ Mỹ sang Âu, Á lặp lại “ngày thứ 3 đen tối”, thứ 4 TTCK Việt Nam rớt thê thảm chưa từng thấy và hết phiên ngày thứ năm (15/3), VN-Index đã rơi hơn 100 điểm so với thứ hai cùng tuần.

Tuy nhiên sau 2 phiên hốt hoảng bán tháo cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư đã bình tĩnh chờ đợi cộng với thông tin tích cực từ nhiều phía đã khiến đại đa số có một cuối tuần vui vẻ và nhẹ nhõm.

Việc nhiều chuyên gia lên tiếng “thị trường điều chỉnh giảm chưa phải là tín hiệu xấu, lên xuống thường xuyên và vừa phải, ngắn ngày sẽ có lợi cho TTCK phát triển ổn định và lâu dài” cũng đã góp phần làm VN-Index đã lấy lại phong độ ngay phiên cuối tuần.

Lý giải cho tình hình trên, TS Ngô Quang Ân (Việt kiều Mỹ- ĐH Nam California) phân tích: “Kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái đã tác động mạnh đến tất cả TTCK trên thế giới. Nhưng nhiều nhà đầu tư đã nhận ra đó chỉ là suy thoái tạm thời và chưa thể kéo theo suy thoái toàn cầu. Hơn nữa TTCK sụt giảm mạnh hơn mức cần thiết. Riêng kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, các Cty niêm yết đều có lợi nhuận, cổ tức rất khả quan”.

Cũng theo ông Ân, quan trọng hơn cả, dù là nước ngoài hay Việt Nam đều không muốn TTCK Việt Nam mới phát triển bị đổ vỡ nên họ không bán tháo bằng mọi giá như trước đây.

Còn với giới đầu tư như anh Đặng Quang Long (sàn SSI TPHCM) thì “chúng tôi chấp nhận cuộc chơi và xem lên xuống là chuyện bình thường, giờ đây nhà đầu tư dù nhỏ lẻ cũng đã khôn hơn nhiều”.

Ngay sau phiên ngày 15/3, trong lúc nhiều nhà đầu tư mới còn hoang mang vì không bán được thì tin tức về việc phục hồi vào sáng 16/3 đã được lan truyền.

Giới thạo tin nhìn vào số lượng cổ phiếu, các loại cổ phiếu blue chip như: VNM, VHS, PPC... được các nhà đầu tư nước ngoài tăng mua trở lại để đoán chắc VN - Index sẽ không  tiếp tục rơi tự do.

Các tổ chức, nhà đầu tư lớn cả nội lẫn ngoại cũng hiểu ra rằng tăng hay giảm 2-3 phiên liên tục giúp TTCK “sống lâu, ổn định” hơn nên họ cùng ngầm “chung sức” không để xảy ra khủng hoảng như giữa năm 2006.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì nhiều tổ chức, cá nhân đã từng bán ra với số lượng lớn sau 3 phiên sụt giảm mạnh chính họ đã mua vào với số lượng không nhỏ cùng một loại cổ phiếu. Sắp tới trò này sẽ còn diễn ra thường xuyên, dân đầu tư sẽ quen dần, bớt hốt hoảng và nhận rõ mục đích của kiểu giao dịch trên thì TTCK VN sẽ ổn định hơn.

Vẫn nhiều tín hiệu khả quan

Từ vài ngộ nhận của dư luận về dự thảo Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Cty quản lý quỹ, Quỹ đầu tư chứng khoán và Cty đầu tư chứng khoán, các chuyên gia đã chỉ ra rằng Quy chế này không có nhiều tác động xấu đến TTCK như người ta lầm tưởng.

Khả năng 80% tổ chức đầu tư nước ngoài sẽ “tháo chạy” nếu áp dụng quy chế này như lo ngại của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) gần như đã được trút bỏ.

Tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s của Mỹ vừa nâng hạng mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ Việt Nam lên mức tích cực từ mức ổn định. Đây là một “chứng nhận quốc tế” cho thấy tình hình tài chính Việt Nam phát triển tốt.

Kết quả kinh doanh tháng 2 của nhiều Cty mà cổ phiếu của họ là hàng blue chip như: SAM, REE, ACB, STB, SSI, VF1, ITA, AGF... vừa công bố đều khá tốt. TTCK thế giới sau 2 - 3 phiên sa sút cũng đã phục hồi trở lại.

Các tổ chức đầu tư nước ngoài sau khi “quyết toán” năm tài chính vào tháng 3 đã tăng mua vào, bớt bán ra. Nhiều nhà đầu tư trong nước do có lợi nhuận khá cao thời gian qua cũng không quá lo âu để phải bán bằng mọi giá... Những yếu tố không phải “từ trên trời rơi xuống” và quá bất ngờ trên là nguyên nhân chính của việc TTCK Việt Nam thăng, trầm mạnh trong tuần này.

Trong  “cơn bão” vừa qua, nhà đầu tư đã tỉnh táo, hiểu dần quy luật và xem việc lên xuống là bình thường vì “chẳng có gì lên hay xuống mãi được” nên hậu quả hay di chứng không kéo dài, nặng nề và TTCK Việt Nam đã phục hồi khá nhanh. Đó là một tín hiệu đáng mừng dù chưa rõ ràng và minh bạch lắm...

MỚI - NÓNG