Từ giảng đường đến khu công nghiệp

Từ giảng đường đến khu công nghiệp
Ít ai nghĩ rằng con người mảnh dẻ, khiêm tốn, giản dị, có đôi mắt sáng và nụ cười tươi đang trò chuyện với mình là Tổng giám đốc một khu công nghiệp lớn - khu công nghiệp Amata Đồng Nai.
Từ giảng đường đến khu công nghiệp ảnh 1
Ông Huỳnh Ngọc Phiên. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Cơ duyên nào đã đưa ông - Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phiên - đến với thương trường để trở thành một nhà quản lý kinh doanh được nhiều người nể trọng?

Chiếc cầu nối với quê nhà

Một buổi tối năm 1991, Giáo sư Phiên nhận được một cú điện thoại của một người quen trong đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sang Thái Lan tìm hiểu về các khu chế xuất. Lúc này đang là thời kỳ đầu mở cửa làm ăn với nước ngoài. Vị này nhờ Giáo sư Phiên giới thiệu cho đoàn đến thăm quan một khu chế xuất của Thái Lan.

Hơi bất ngờ nhưng rồi ông cũng sực nhớ ra mình có một người bạn học cũ là Somchet Thinapong đang làm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp ở Thái Lan (IEAT).

Somchet nhiệt tình giúp đỡ, giới thiệu đoàn đến tham quan khu công nghiệp Bang Pakong và chính tại đây ông Phiên đã gặp ông Vikrom Kromadit, một doanh nhân tầm cỡ lớn đang là Tổng giám đốc khu công nghiệp Bang Pakong (sau này là tập đoàn Amata Thái Lan).

Năm sau, ông Vikrom sang Việt Nam tính chuyện đầu tư xây dựng khu công nghiệp. Ông mời giáo sư Phiên đi cùng và từ đó bắt đầu một tình bạn tốt đẹp giữa hai người cũng như mối duyên gắn bó ông Phiên với Amata Việt Nam.

Thực ra, với một người trước nay sống và làm việc trong môi trường đại học như ông, công việc đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp khá là xa lạ.

Tuy nhiên, điều lôi cuốn ông tham gia vào dự án này từ đầu chính là những lợi ích to lớn mà nó có thể mang lại cho người dân, cho địa phương và nền kinh tế đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bà Chu Thị Thư - hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai (Sonadezi), người đã tiếp xúc và làm việc với ông Phiên từ lúc chuẩn bị thành lập liên doanh đến nay, nói về ông: “Bất cứ việc gì mà giáo sư Phiên nghĩ rằng có thể đem lại lợi ích cho đất nước, ông đều làm hết mình, một cách vô tư, trong sáng. Ông là một nhà trí thức nói ít mà làm nhiều. Tôi thật có may mắn khi được làm việc với ông”.

Tháng 12/1994, liên doanh Amata Việt Nam ra đời, trong đó các nhà đầu tư Thái Lan góp 70% vốn (12 triệu đô la Mỹ), Sonadezi góp 30% (5 triệu đô la Mỹ bằng giá trị quyền sử dụng đất).

Chức năng chủ yếu của nó là xây dựng và kinh doanh hạ tầng một khu công nghiệp với quy mô 7 hecta trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn I dự án triển khai trên 129 hecta.

Thời kỳ này, ông Vikrom đã vài lần “rủ rê” ông nghỉ làm việc ở AIT sang Amata, nhưng giáo sư Phiên vẫn còn muốn dành nhiều thời gian cho niềm say mê áp dụng toán học trong việc mô phỏng, giảng dạy và công tác quản lý nhà trường.

Vì thế ông chỉ cộng tác như một cố vấn của Amata Thái Lan. Đến năm 1996, thu xếp công việc tạm ổn, ông nhận lời tham gia phần nào công việc quản lý kinh doanh của tập đoàn này với chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển.

Từ đây ông đi đi về về làm việc với Amata Việt Nam nhiều hơn. Cũng thời gian này, ông đã nhiều lần đưa các vị lãnh đạo tập đoàn đến Quãng Ngãi, quê hương ông để tìm hướng đầu tư vào Dung Quất.

Khách hàng là bạn lâu dài

Sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á năm 1997, Amata Việt Nam bắt đầu vươn dậy và ngày càng phát triển mạnh. Giai đoạn I với 129ha đã kín chỗ, giai đoạn IIA với 100ha đã cho thuê khoảng 80%. Tổng cộng đến nay đã có 80 công ty nước ngoài thuê ở đây, trong đó có 58 công ty đang hoạt động với khoảng 12.000 cán bộ, công nhân.

Ông Phiên cho biết, nhờ rút kinh nghiệm từ thực tế, chi phí đầu tư xây dựng dần dần giảm xuống đáng kể so với trước, từ 25 USD/m2 (giai đoạn 1) nay chỉ còn 20 USD/m2, do vậy hoạt động kinh doanh của Amata Việt Nam ngày càng có lãi.

Cuối năm 2004, khi Amata Việt Nam chuẩn bị triển khai giai đoạn IIB với 75 ha cũng là lúc giáo sư Phiên nghỉ hưu ở AIT và đưa gia đình về nước sinh sống. Lúc này, Amata Thái Lan nêu lại đề nghị cũ và ông nhận lời.

Trong cương vị mới, ông chủ trương cắt giảm các chi phí không cần thiết, chú trọng đến các mặt hoạt động khác của khu công nghiệp chứ không chỉ tập trung vào xây dựng, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án, lắng nghe và đáp ứng thoả đáng nhu cầu của khách hàng, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên phát huy năng lực, sáng kiến.

Từ các nỗ lực đó và cả nhờ ở kết quả của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Nhà nước, số doanh nghiệp vào khu công nghiệp Amata ngày càng đông, lợi nhuận của đơn vị năm 2005 tăng hơn gấp đôi năm trước (khoảng 30% so với 12%).

Mức thưởng cho cán bộ công nhân cũng tăng gấp đôi và lần đầu tiên, Amata Việt Nam tổ chức ngày hội cho toàn đơn vị. Giáo sư Phiên tâm sự về công việc của mình: “Làm tổng giám đốc, nhiệm vụ của anh là phải bảo đảm mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, tuy nhiên khi lợi nhuận cao thì anh phải đại diện cho nhân viên để đòi hỏi nhà đầu tư quan tâm chia sẻ với nhân viên”.

Theo ông Phiên, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đòi hỏi phải xử lý tốt các mối quan hệ với đối tác, khách hàng, với các cơ quan quản lý Nhà nước.

"Chúng tôi quan niệm họ chính là những là những người bạn làm ăn lâu dài, do vậy phải luôn gần gũi, thân thiện, và tìm cách hỗ trợ họ. Hơn nữa, khi họ kinh doanh thành công thì khu công nghiệp cũng được tiếng tốt và chính họ lại trở thành quảng cáo hiệu quả nhất cho mình”, giáo sư Phiên nói.

Không ít người hỏi ông: “Có gì khác giữa việc quản lý một trường đại học và quản lý một đơn vị kinh doanh?”. Ông trả lời: “Quản lý ở trường đại học rắc rối và phức tạp hơn nhiều bởi vì đó là một tập thể các nhà khoa học tài giỏi, rất độc lập và không dễ chịu nghe người khác.

Ở vị trí tổng giám đốc một công ty, anh có toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Dù đồng ý hay chưa đồng ý, mọi người trong công ty phải chấp hành trước đã. Nói chung, trật tự thứ bậc rất rõ, và điều đó thuận lợi cho việc quản lý, điều hành kinh doanh”.

Tuy nhiên, với vị Giáo sư - Tổng giám đốc này thì "sướng nhất trên đời vẫn là làm một giáo sư đại học chỉ chuyên tâm dạy học và nghiên cứu, hoàn toàn tự do suy nghĩ, khám phá, tự do phát biểu trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Không có ai, kể cả hiệu trưởng, có thể can thiệp vào".

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.