Từ “Những ngày hội nghề nghiệp...”

Từ “Những ngày hội nghề nghiệp...”
TPO- Ngày 28/3, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, hơn 500 sinh viên xuất sắc các trường đại học phía Bắc và du học sinh đã tham gia “Ngày hội nghề nghiệp” do Cty Unilever Việt Nam tổ chức.

Trước đó, ngày 14/3/2008, một ngày hội tương tự đã diễn ra tại TPHCM, có mặt gần 1.000 sinh viên xuất sắc.

Từ “Những ngày hội nghề nghiệp...” ảnh 1
Từng nhóm sinh viên giao lưu với nhân viên Unilever Việt Nam trong “Ngày hội nghề nghiệp”

Ngày hội này là một trong những hoạt động của chương trình tuyển dụng Quản trị viên tập sự (Management Trainee program) dành cho sinh viên năm cuối. Đây cũng là dịp các sinh viên xuất sắc được tìm hiểu về văn hoá doanh nghiệp, được giao lưu hướng nghiệp cùng hàng trăm giảng viên đại học và cán bộ quản lý của Unilever Việt Nam.

Tại “Ngày hội nghề nghiệp” do Unilever tổ chức hằng năm, sinh viên được tiếp nhận những thông tin về tiêu chí tuyển chọn, các vòng thi và quá trình đào tạo, phát triển của quản trị viên tập sự tại Unilever; tham dự hướng nghiệp với phòng ban mình quan tâm nhất, thông qua giao lưu với cán bộ chủ chốt Công ty.

“Ngày hội nghề nghiệp” là hoạt động khởi đầu chương trình Quản trị viên tập sự - Mô hình tuyển dụng, đào tạo, phát triển sinh viên mới tốt nghiệp thành những nhà lãnh đạo của Tập đoàn Unilever trên toàn cầu. Chương trình được thực hiện từ năm 1998.

Từ “Những ngày hội nghề nghiệp...” ảnh 2
Sinh viên nghe thuyết trình về các vị trí làm việc trong công ty Unilever Việt Nam

Sau khi vượt qua các vòng tuyển chọn khá gắt gao, các quản trị viên tập sự sẽ trở thành nhân viên chính thức của Công ty, bắt đầu một quá trình làm việc, học hỏi hướng đến mục tiêu trở thành những nhà quản lý cấp cao của Tập đoàn trong thời gian ngắn nhất.

Chương trình được thiết kế thành hai giai đoạn. Trong 3 năm đầu, quản trị viên tập sự được luân chuyển qua các phòng ban khác nhau, để hiểu công việc phòng ban mình chọn và phòng ban liên quan. Ngoài đào tạo chuyên môn và quản lý, các quản trị viên còn được làm việc tại nước ngoài; được tham gia các dự án hỗ trợ cộng đồng của Công ty.

Sau 3 năm đó, các quản trị viên xuất sắc sẽ trở thành cán bộ quản lý của Công ty. Giai đoạn hai (2 năm), vào thử thách cấp cao hơn, các quản trị viên được tham gia các dự án, chương trình đào tạo để có thể lãnh đạo một tập thể lớn.

Ở Việt Nam, Unilever Việt Nam là công ty nước ngoài đầu tiên tuyển quản trị viên tập sự. Theo thống kê của Unilever Việt Nam, hằng năm, công ty này tuyển dụng nhiều quản trị viên tập sự nhất tại Việt Nam; tỷ lệ quản trị viên tập sự thành công sau chương trình đào tạo của Công ty là 90%; tỷ lệ thành viên ban lãnh đạo xuất thân quản trị viên tập sự là 40%.

Chị Nguyễn Phượng Loan - Phó chủ tịch phụ trách nhân sự Unilever Việt Nam - kể với phóng viên TPO: “Mỗi năm, chương trình “Quản trị viên tập sự” thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia. Các sinh viên này có cơ hội phát huy tối đa năng lực của mình trong môi trường làm việc quốc tế để phát triển nghề nghiệp và đóng góp cho cộng đồng Việt Nam. Nhiều sinh viên từng là quản trị viên tập sự đang nắm giữ những vị trí chủ chốt của Công ty. Hơn nửa thành viên Ban quản trị Công ty hiện nay là người Việt”.

Cách đào tạo, rèn luyện như thế đã góp phần quan trọng giúp Unilever nhanh chóng trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Ở Việt Nam, công ty thuộc Unilever đang là một trong những nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất. Theo nhiều giảng viên đại học và chủ doanh nghiệp “có máu mặt”, phương thức tuyển và đào tạo lao động trẻ của Unilever đang cung cấp cho sinh viên và doanh nghiệp Việt Nam nhiều kinh nghiệm bổ ích.

MỚI - NÓNG