Từ tầng hầm để xe “đến con chip tiền tỷ“

 Các kỹ sư ICDREC chế tạo chip sinh học tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: ICDREC cung cấp
Các kỹ sư ICDREC chế tạo chip sinh học tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: ICDREC cung cấp
TP - Trong buổi nói chuyện với cánh phóng viên cách đây ít hôm, khi được đề nghị nêu tên vài gương mặt nhà khoa học Việt Nam tiêu biểu năm qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhắc đến ThS Ngô Đức Hoàng và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch thành phố Hồ Chí Minh - nơi ThS Hoàng làm giám đốc với những thành tựu đáng nể.

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (ICDREC) hiện nay được biết như một mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ thành công với việc đưa Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất chip điện tử, sánh ngang với nhiều quốc gia trên thế giới. Thành công của họ ngày hôm nay, như lời nói vui của ThS Ngô Đức Hoàng “bắt đầu từ tầng hầm để xe”.

Số là những ngày đầu thành lập trung tâm năm 2007, nhân sự chỉ có vẻn vẹn mươi người. Đại học Quốc gia TPHCM khi ấy không đủ chỗ đã ngăn tầng hầm để xe thành phòng làm việc cho số nhân sự này. ThS Hoàng nhớ lại, mười nhân sự làm việc dưới tầng hầm, trong khoảng 80 m2 với điều kiện nóng, hôi, ẩm thấp để bắt tay vào một lĩnh vực công nghệ mới toanh nhưng vô cùng tiềm năng trên thế giới: công nghệ vi mạch.

Từ mười nhân sự ban đầu, số lượng nhân viên của IDCREC là 200 người vào 2014 và sẽ tăng lên khoảng 250 người vào năm 2015. ThS Hoàng chia vui: “Từ tầng hầm bọn tôi đã lên được tầng bảy, nhưng giờ diện tích ấy cũng không đủ. Bọn tôi đang đề xuất quy hoạch một vị trí ở khu công nghệ cao TPHCM”. 

Mơ ước của ThS Hoàng và đội ngũ cán bộ của ICDREC là đưa trung tâm này lên con số 1.000 người vào năm 2020 với hệ thống toà nhà làm việc có cả phòng gym, phòng ăn, phòng giải trí giống như các công ty tại thung lũng Silicon Valley bên Hoa Kỳ.

Sự lớn mạnh về nhân sự của ICDREC gắn liền với sự phát triển không ngừng của trung tâm này. Năm 2010, việc thiết kế thành công Chip VN1632 của ICDREC đã được các nhà báo bình chọn là một trong 10 sự kiện KHCN tiêu biểu của năm. Đây là sản phẩm chip điện tử đầu tiên hoàn toàn do kỹ sư người Việt thiết kế. Năm 2014, ICDREC tiếp tục thiết kế thành công chip vi mạch SG8V1.

TSMC - tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới đánh giá sản phẩm này ngang hàng với sản phẩm của các quốc gia Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, vượt mặt một số quốc gia lân cận. Khoảng 30 thiết bị đã sử dụng chip SG8V1 như điện kế, công tơ điện, thiết bị giám sát hành trình trong giao thông vận tải, thiết bị chống trộm xe máy, thiết bị khoá container, mang về cho ICDREC doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Từ tầng hầm để xe “đến con chip tiền tỷ“ ảnh 1

ThS Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC

Mới đây nhất là sản phẩm mode truyền dữ liệu từ xa trong ngành điện lực bán cho EVN thành phố Hồ Chí Minh. Với sản phẩm này, công nhân điện lực sẽ không phải đến từng nhà ghi số điện, tránh được sai số giữa lượng điện tiêu thụ và lượng điện ghi trên công tơ, giúp thành phố mỗi năm tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng. Giá của sản phẩm này chỉ bằng 60% sản phẩm cùng loại mua từ Trung Quốc, lại thêm lợi thế làm chủ công nghệ. Có đơn hàng đã lên đến triệu đô. 


Ngoài thiết kế chip SG8V1, ICDREC còn đang sở hữu nhiều thiết kế IP (dùng để chế tạo ra chip). Các sản phẩm này được mang lên giao dịch tại hai sàn giao dịch hàng đầu thế giới là chipestimate.com và design-reuse.com và được định giá khoảng 50 triệu USD.

Mơ ước vươn tầm thế giới với đội ngũ 8x, 9x

Đội ngũ kỹ sư, nhân viên của ICDREC hầu hết là những người còn rất trẻ. Ngoài GS.TS Đặng Lương Mô đã gần 80, ThS Ngô Đức Hoàng gần 50, còn lại đều thuộc thế hệ 8x, 9x, nhiều người du học về.

Hiện nay, nhiều công ty thiết kế chip đã nhảy vào thị trường Việt Nam với mức đãi ngộ khá cao cho những người làm trong lĩnh vực này. ICDREC là đơn vị duy nhất của Việt Nam thiết kế chip thương mại hoá và gặp phải sự cạnh tranh không nhỏ của các ông lớn ngoại quốc trong việc thu hút nhân lực.

“Không thể trả lương thấp”, ThS Hoàng nhiều lần nhấn mạnh. Ông cho biết, những nhân viên mới vào ICDREC được trả 7-8 triệu đồng một tháng, thạc sỹ từ 12 triệu trở lên, TS khoảng 20 triệu. Ngoài ra, nhân viên còn được tạo điều kiện đi học, được tham gia cả quy trình sản xuất thay vì chuyên môn hoá rất sâu như công ty nước ngoài. “Còn có cả tinh thần dân tộc ở đây. Chúng tôi động viên các em chúng ta phải có những sản phẩm do chính người Việt làm ra.

Từ tầng hầm để xe “đến con chip tiền tỷ“ ảnh 2
Sự tự hào dân tộc cũng là điều quan trọng”, ThS Hoàng nói. Vì thế, gần 100% các nhân viên của ICDREC khi đã vào làm là gắn bó lâu dài. Nhiều người từ bỏ tập đoàn nước ngoài để về đây đầu quân. “Sức trẻ tạo ra sức bật của một ngành công nghiệp còn vô cùng mới mẻ ở Việt Nam”, ThS Hoàng nói. Với 200 nhân viên, ICDREC đang trở thành trung tâm có số lượng người lớn nhất ở Đại học Quốc gia TPHCM. Điều đáng quý là họ hoạt động hoàn toàn tự chủ, không những đủ chi phí mà còn rất dư dả.

Nói về thành công ấy, ThS Hoàng kể “bọn tôi luôn tâm niệm trung tâm phải hoạt động như một doanh nghiệp. Khẩu hiệu của chúng tôi “sản phẩm hay là chết”, tức là mình nghiên cứu không phải để đấy mà nghiên cứu phải nghĩ đến thị trường, phục vụ thị trường. Ngay cả khi Bộ Khoa học & Công nghệ đặt hàng thì bản thân Bộ cũng là một khách hàng. Đề tài, nghiên cứu của Nhà nước mà trung tâm được giao cũng là một hợp đồng kinh tế, chữ tín phải là đầu.

Sau SG8V1, năm 2015 ICDREC sẽ cho ra thị trường sản phẩm chip vi xử lý 32 bit VN1632 với tốc độ xử lý nhanh hơn SG8V1, dự kiến sẽ được ứng dụng trong sản xuất nhiều thiết bị điện, điện tử. ThS Hoàng tâm sự, mơ ước của cán bộ, nhân viên ICDREC là những con chip của người Việt Nam chế tạo sẽ không chỉ sử dụng ở Việt Nam mà còn vươn ra cả thị trường quốc tế trong một thời gian không xa và điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Doanh thu 120 triệu USD vào năm 2020

Thị trường bán dẫn thế giới trong những năm qua luôn tăng trưởng cao, theo thống kê của 2 công ty nghiên cứu thị trường là IHS Inc và Gartner thì năm 2013, tổng doanh thu thị trường bán dẫn thế giới đạt 315 tỷ USD.

Riêng thị trường của dòng chip 8 bit (dòng chip mà Việt Nam đã thương mại hóa và đang tiếp tục phát triển) vẫn còn nhu cầu rất lớn và đang tăng trưởng rất mạnh. 

Từ năm 2010 đến 2013 doanh thu của dòng chip 8 bit là 15 tỷ USD/năm. Dự đoán doanh thu này sẽ là trên 16 tỷ USD vào năm 2014 và trên 19 tỷ USD vào năm 2017 (theo số liệu của IC Insights).

Tại Việt Nam, UBND TPHCM đã phê duyệt chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM 2013- 2020, đặt mục tiêu doanh thu của ngành thiết kế vi mạch đạt doanh số 120 triệu USD vào năm 2020

MỚI - NÓNG