Từ tội phạm trở thành ông chủ

Từ tội phạm trở thành ông chủ
TP - Nhìn vào hoàn cảnh gia đình hiện tại không ai có thể ngờ họ từng là những tội phạm. Tuổi 17 vào tù, cuộc đời Trần Văn Dương (Đức Long-Đức Thọ-Hà Tĩnh) và Lê Năng Lượng (Hương Đại-Vũ Quang-Hà Tĩnh) tưởng chừng chấm hết.
Từ tội phạm trở thành ông chủ ảnh 1
Anh Dương đang chăm sóc đàn lợn

Nhưng họ đã vươn lên và đến nay trở thành những người  làm kinh tế giỏi.

 Quá khứ lỗi lầm

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở một vùng quê nghèo, Trần Văn Dương là học sinh giỏi nhiều năm liền, được thầy cô, bạn bè yêu mến.

Hoàn cảnh gia đình đã thôi thúc Trần Văn Dương học tập với mong ước được vào đại học, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.

Nhưng rồi năm 1983 (khi đang học lớp 11) cuộc đời của Lê Năng Lượng và Trần Văn Dương ngoặt sang một hướng khác, khi cả hai tham gia vào vụ trộm cắp tài sản công dân.

Tất cả sụp đổ đối với hai cậu học trò nghèo hiếu học này và 5 năm tù là kết quả của hành vi phạm pháp trên.

Vào tù, tại ngoại rồi lại vào tù. Vòng luẩn quẩn đó tưởng chừng đã biến Trần Văn Dương thành kẻ “đầu trộm đuôi cướp”. Có những lúc Dương muốn từ bỏ tất cả sống buông thả ngoài vòng pháp luật, nhưng bản chất lương thiện trong con người Dương đã thôi thúc anh cải tạo và hoàn thành thời gian thụ án.

Trong thời gian ở trại giam, tình cảm gia đình là điểm tựa, là niềm tin giúp Dương hoàn lương. Năm 1987 Trần Văn Dương ra trại.

“Thời gian đầu mới quay trở về, mặc cảm với tội lỗi, với xóm làng, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, lúc đó tôi mới thấy nuối tiếc cho thời gian!” - Dương tâm sự. Từ đó Dương quyết tâm khăn gói lên đường vào Nam lập nghiệp.

Sau nhiều năm phiêu bạt từ Bình Định, Đồng Nai, Lâm Đồng… nhờ học hỏi được kinh nghiệm làm ăn, lại được người bạn đời yêu thương tin tưởng, năm 1997 Dương trở lại quê nhà mang theo cô vợ đã cưới nơi đất khách quê người.

Mọi sự ngỡ ngàng, rồi quá khứ tội lỗi vẫn còn ám ảnh trong tâm trí anh, nhưng nhờ sự động viên của gia đình và chính quyền địa phương Trần Văn Dương đã dần xoá bỏ mặc cảm và đứng vững.

Bố Dương đã trao sổ lương cho anh mang đi thế chấp ngân hàng để vay lãi, anh quyết tâm làm lại từ đầu ngay trên quê hương mình. Anh nghĩ: “Đồng đất quê anh không thua kém đất người, vậy vì sao mình không làm giàu được?”.

Còn Lê Năng Lượng cũng vậy. Ra tù từng là “đại ca khét tiếng” của vùng “phố núi Vũ Quang”, anh tự cảm thấy chán dần với cuộc sống buông thả của mình và quyết định vào Nam lập nghiệp và cưới vợ trong đó.

Đến năm 1997 anh trở lại quê nhà và quyết định gây dựng vườn tược, mở rộng mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả ngay trên mảnh đất sinh ra mình. Cuộc đời Dương và Lượng sang trang từ đó.

Cuộc đời sang trang

Những năm tháng làm ăn xa đã tích luỹ cho Dương- Lượng không ít kinh nghiệm làm ăn. Năm 2000 vợ chồng anh Dương bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế VAC.

Trồng cam chanh trên vườn đồi, đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại nuôi lợn, thêm vào đó là việc mở rộng dịch vụ máy xay xát phục vụ bà con nông dân. Mô hình dần mang lại hiệu quả và nhận được bằng khen của tỉnh. Mô hình sản xuất này mỗi năm đem lại cho gia đình anh gần 100 triệu đồng.

Kết quả không dừng lại ở đó khi anh Dương sắp thực hiện thành công dự án: Xây dựng trại chăn nuôi gia súc gia cầm; nhà máy chế biến nông sản; Dịch vụ kinh doanh thức ăn cho gia súc gia cầm HTX Đức Long,  với hồ cá rộng 4.000m2, thả 12.000 con cá giống, trang trại rộng 10.000m2 trồng cam chanh và xây dựng chuồng nuôi lợn, trên 200 con lợn thịt và 20 con lợn nái ngoại, tổng số vốn lên đến 850 triệu đồng.

Đây là dự án phát triển mô hình kinh tế VAC có thể giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng.

Với nguồn kinh tế khá giả, hai con của anh học hành chăm chỉ luôn là học sinh giỏi huyện, gia đình ấm áp, hạnh phúc. Bên cạnh đó anh còn hết lòng giúp đỡ bà con xóm làng trong việc phát triển kinh tế. Với thành tích đó Trần Văn Dương được bầu làm xóm phó, là đại biểu HĐND xã.

MỚI - NÓNG