Tương lai nào cho 6 'đại gia' trên sàn TPHCM?

Tương lai nào cho 6 'đại gia' trên sàn TPHCM?
TP - Với hơn 1,184 tỷ cổ phiếu đang niêm yết có tổng giá trị vốn hoá lên đến gần 120 ngàn tỷ đồng (tương đương 7,5 tỷ USD), 6 loại cổ phiếu SJS, STB, FPT, VNM, PPC, PVD đang chiếm gần 1/3 lượng vốn hóa của thị trường niêm yết!
Tương lai nào cho 6 'đại gia' trên sàn TPHCM? ảnh 1
Các cổ phiếu đại gia luôn giành được sự quan tâm nơi nhà đầu tư. Ảnh: Phạm Yên

Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cũng luôn xem 6 loại cổ phiếu trên là “hàn thử biểu” của TTCK.

Sau nhiều ngày bất ngờ được “tặng” hơn 1 triệu cổ phiếu STB do Trung tâm lưu ký chứng khoán nhầm room dành cho mình, nhà ĐTNN vẫn chưa chịu bán ra để đưa room về 30% như quy định. Điều đó chứng tỏ STB có sức hút khá mạnh.

Trong những phiên gần đây, khối lượng khớp lệnh của STB luôn dẫn đầu sàn TPHCM và có phiên lên đến 1,2 triệu cổ phiếu dù chỉ có nhà đầu tư nội mua bán với nhau. Nhưng trớ trêu thay giá STB không tăng, trong phiên ngày 28/8 chỉ còn 53.000 đồng/ cổ phiếu.

Chuyên gia chứng khoán Bùi Ngọc Tước lý giải “dù có tính thanh khoản tốt, chỉ số P/E thấp... nhưng STB có không ít “khiếm khuyết” khiến nhiều nhà đầu tư chưa yên tâm lắm.

Thứ nhất là STB niêm yết với số lượng lớn nhất thị trường niêm yết với hơn 442 triệu cổ phiếu mà phần lớn bổ sung đúng thời điểm thị trường cung lớn hơn cầu.

Thứ hai, vừa qua nhân sự của STB thay đổi liên tục, HĐQT và thân nhân liên tục bán ra cổ phiếu STB.

Thứ ba là nhà đầu tư đang chờ xem STB sẽ đứng ra sao khi các ngân hàng ngoại quốc vào nhiều và ngân hàng mới ra đời trong thời gian tới”.

Ông Tước cho rằng nếu khắc phục được những điều trên thì cổ phiếu STB vẫn đáng ghi tên trong danh mục của các nhà đầu tư.

Từng là cổ phiếu có giá cao và “hot” nhất trên TTCK Việt Nam nhưng giờ đây SJS đã bị soán ngôi dù vẫn còn là một thế lực lớn. Vừa qua việc Tổng Cty Sông Đà (“mẹ” của SJS) quyết định bán 6 triệu cổ phiếu SJS đã để lại nỗi hoài nghi khá lớn trong đầu các nhà đầu tư.

Ông Vũ Chí Tùng (sàn SSI TPHCM) nhìn nhận: “Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tôi và bạn bè không giữ SJS nữa. Nếu cổ phiếu này có triển vọng tôi không tin Sông Đà lại bán nhiều như vậy”.

Giám đốc một CTCK còn cho rằng SJS khó có thể trở lại vị thế cũ vì thời mà bất động sản bùng nổ đã qua, nhiều Cty bất động sản lớn có sức cạnh tranh không kém SJS cũng sắp IPO hoặc niêm yết, chưa kể ngành này vẫn tiềm ẩn rủi ro mà các nhà đầu tư lo ngại.

Ông này cũng đánh giá rằng giá trong khoảng 200.000-250.000 đồng/cổ phiếu hiện nay của SJS chính là giá trị thực của cổ phiếu này. Nếu không có những cơn sốt địa ốc mới, kế hoạch làm ăn với lợi nhuận đột biến thì việc SJS quay lại mốc trên 300.000đ/cổ phiếu xem ra quá xa.

Mới đây VNM lại “lộ” ý định sẽ niêm yết tại TTCK nước ngoài, tin không mới nhưng  phần nào cho thấy VNM muốn đi xa hơn TTCK Việt Nam. Cùng với STB, VNM là 2 cổ phiếu trong nhóm 6 “ông lớn” được nhà ĐTNN ưa chuộng nhất (room đã đạt gần 44%) nên nhà đầu tư nội nếu được mở “room” hay niêm yết ở TTCK nước ngoài thì VNM sẽ tăng giá.

Tuy nhiên giữa kỳ vọng và thực tế còn khoảng cách khá xa. Nếu VNM lại gặp những “sự cố” hay tin đồn như vừa qua thì cổ phiếu này khó nhảy vọt trong bối cảnh thị trường này ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Trong khi đó, VNM đã phát triển khá nhanh và mạnh trong 3,4 năm qua kéo theo giá cổ phiếu, mà thời gian tới khó hy vọng lập lại những “kỷ lục” cũ. Bởi lẽ đó ít nhà đầu tư hy vọng VNM sẽ tăng giá mạnh nếu VNM chưa vươn ra TTCK như đã “rậm rịch” hơn năm nay.

FPT đã được nói đến quá nhiều và giá cổ phiếu này trong tương lai sẽ phụ thuộc vào “ruột” của FPT “đặc” hay “rỗng”, HĐQT FPT có lấy lại được niềm tin nơi nhà đầu tư hay không. PPC dù có chỉ số P/E thấp nhất trong nhóm này (dưới 17) nhưng giá lại thấp nhất (52.500 đồng/cổ phiếu).

Nghịch lý này đã được một chuyên gia trong ngành điện, kỹ sư Trần Vĩnh Nghị nhìn dưới góc độ kỹ thuật: “Hệ thống máy móc lạc hậu, hay xảy ra sự cố, khó nâng cấp mở rộng và trình độ quản lý chưa cao khiến PPC không được đánh giá cao trong ngành điện”.

Thực tế cũng chứng minh, cổ phiếu của PPC “lượng nhiều chất ít” và không phải là cổ phiếu được ưa chuộng. Còn PVD thì chỉ số P/E lại quá cao (trên 74) trong khi các dự án mới chưa khẳng định được hiệu quả, ngành dầu khí sắp cổ phần hóa nhiều Cty lớn... khiến nhiều nhà đầu tư chưa dám đổ vốn mạnh vào đây và đang đợi kết quả từ các dự án mới của PVD.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...