Tùy tiện đầu tư công

TP - Dù chủ trương siết đầu tư dàn trải đã được đưa ra từ lâu, nhưng nhiều công trình, dự án công vẫn triển khai dàn trải ở các địa phương. Không ít bộ ngành, địa phương đang sử dụng vốn ngân sách một cách lãng phí, thậm chí tùy tiện, có dấu hiệu mất kiểm soát.

Bài 1: Lỏng lẻo quản tiền ngân sách

Dự án công đội vốn, chậm tiến độ, chi sai mục đích đang là vấn đề nóng. Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, việc quản lý tiền ngân sách ở nhiều địa phương rất lỏng lẻo.

Tùy tiện đầu tư công ảnh 1

Minh họa: Khều

Không cần thiết vẫn bố trí vốn

Báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước về tình hình đầu tư, sử dụng vốn ngân sách tại địa phương cho thấy: Nhiều nơi “chủ động” ưu tiên bố trí vốn cho các dự án khởi công mới không phải công trình cấp bách; thậm chí chưa đủ điều kiện bố trí vốn. Như tỉnh Gia Lai duyệt chi 37,02 tỷ đồng cho 93 dự án, trong khi Đắk Lắk quyết chi 11,95 tỷ đồng cho 15 dự án khác nhau.

Sự tùy tiện trong quản lý thu chi ngân sách cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ ở nhiều địa phương: Tại Hòa Bình, cơ quan chức năng nơi này vẫn dùng ngân sách cấp 11,5 tỷ đồng cho hai dự án đã được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ trước đó (dự án nạo vét, gia cố chỉnh trị sông Bôi và dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Khả, huyện Lạc Sơn).

Tình trạng nơi ăn không hết, chỗ lần chẳng ra cũng xuất hiện khi chính quyền tỉnh vẫn quyết bố trí hơn 13 tỷ đồng cho một số dự án khởi công mới, nhưng trong năm không sử dụng. Cụ thể là các dự án kè chống sạt lở bờ sông Bùi, đoạn qua sông thị trấn Lương Sơn, dự án kè bảo vệ khu dân cư thuộc công trình công cộng xã Vầy Nưa, dự án đê ngăn lũ kết hợp đường giao thông Pheo Chẹ, dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 433.

Cùng đó, việc quản lý lỏng lẻo cũng dẫn tới tình trạng bố trí vốn không sát với thực tế tại nhiều địa phương khiến nhiều công trình, dự án không quyết toán được. Như tại tỉnh Đồng Tháp, huyện Tam Nông không giải ngân được 9 dự án; thị xã Sa Đéc không giải ngân được 45 dự án trong khi An Giang có 71 dự án; Thanh Hóa có 5 dự án không giải ngân được cũng vì lý do trên. Thậm chí tỉnh Lạng Sơn còn bố trí vốn “thừa” cho dự án công viên bờ sông Kỳ Cùng giai đoạn I dù dự án này đã được quyết toán 3,87 tỷ đồng trước đó.

Tùy tiện đầu tư công ảnh 2

Trụ sở UBND quận Hoàng Mai (HN) vừa đầu tư gần 90 tỷ đồng chưa lâu đã phải chi tiếp hơn 7 tỷ đồng sửa chữa. Ảnh: L.H.Việt

Dùng ảo thuật với tiền ngân sách

Một trong những nguyên nhân của tình trạng “moi” ngân sách là do công tác lập và giao dự toán của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa có nhiều chuyển biến. Hầu hết những tồn tại, hạn chế do cơ quan này phát hiện, kiến nghị từ những năm trước chưa khắc phục được nhiều.

Nhiều việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng vẫn lặp đi lặp lại ở các bộ ngành địa phương. Ví dụ năm 2013, Bộ Công Thương, Kho bạc Nhà nước, Tòa án Nhân dân Tối cao phải hủy dự toán 23,53 tỷ đồng với lý do… không có nhiệm vụ chi.

Còn tại địa phương, tình trạng chi ngân sách vô tội vạ luôn là vấn đề hiện hữu. Đáng báo động, nhiều địa phương dù luôn trong tình trạng hụt thu, nhưng vẫn không hoặc thực hiện chưa triệt để việc rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định.

Số dự án đầu tư công tăng trong khi tình trạng các dự án chậm tiến độ vẫn phổ biến dẫn đến ngân sách phải chật vật “co kéo”, nhưng hiệu quả chưa thấy đâu. Tính chung năm 2013, toàn quốc có tới 4.063 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,7% dự án thực hiện trong kỳ.

Chỉ riêng khoản mục kinh phí phục vụ nhiệm vụ chia tách, thành lập mới một số xã, phường, thị trấn theo chế độ, chi tinh giảm biên chế năm 2012 ngân sách ở một số địa phương tiêu tốn gần 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không thấm tháp gì so với tiền chi phụ cấp cán bộ các hội hoạt động có tính chất đặc thù được các địa phương chi ra với tổng số 2.930 tỷ đồng. Cùng đó là khoản phụ cấp cán bộ không chuyên trách ở xã với số tiền 2.350 tỷ đồng lấy từ dự phòng ngân sách địa phương và bổ sung có mục tiêu theo chế độ từ ngân sách trung ương.

Trong khi Trung ương nhiều lần kêu gọi phải triệt để tiết kiệm chi, nhưng dường như thông điệp vẫn chưa tới được các địa phương. Tại An Giang, năm 2012, tỉnh này còn bổ sung ngoài dự toán một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách, chưa phù hợp khả năng cân đối ngân sách (như chi đi công tác nước ngoài, mua xe ô tô với số tiền nhiều tỷ đồng).

Còn Tiền Giang bị “nhắc” với các khoản chi công tác nước ngoài 700 triệu đồng, chi đi học tập kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới 1,28 tỷ đồng; trang bị máy vi tính cho các đại biểu HĐND tỉnh 1,08 tỷ đồng…

Tình trạng sử dụng ngân sách không đúng mục đích, kém hiệu quả cũng thể hiện khá rõ. Đà Nẵng phải vay, phát hành trái phiếu Chính quyền địa phương với lãi suất 11%/năm, nhưng còn để dư tạm ứng chưa thu hồi 114,86 tỷ đồng (chỉ chuyển số phải thu hồi về ngân sách Trung ương 21,54 tỷ đồng).

Tương tự tại Lâm Đồng, trong khi ngân sách còn phải đi vay nhưng địa phương còn để số dư tạm ứng của các dự án đầu tư chưa được ghi kế hoạch vốn. Một số nhiệm vụ khác kéo dài nhiều năm chưa thu hồi với số tiền 465,17 tỷ đồng. Thậm chí cơ quan chức năng tỉnh này còn ứng trước dự toán ngân sách năm sau cho 17 công trình (chưa được HĐND tỉnh bố trí kế hoạch vốn 120,78 tỷ đồng).

Còn nữa

MỚI - NÓNG