Tỷ giá - Điều gì đang chờ đợi?

TP - Chỉ trong 2 phiên giao dịch ngày 18 và 19/6, chỉ số VnIndex đã mất đi 54,35 điểm, tương ứng 5,35% so với tuần trước đó. Tương tự, các chỉ số Hnx-Index, Upcom-Index cũng mất đi lần lượt 4,6% và 2,6%.

Với mức giảm kể trên, vốn hóa TTCK Việt Nam chỉ còn 3,88 triệu tỷ đồng (168 tỷ USD), giảm 198 nghìn tỷ đồng (8,6 tỷ USD) chỉ sau 2 phiên giao dịch.

Chứng khoán là vậy. Còn tỷ giá VND/USD sau những ngày yên ả, nay bắt đầu… “gợn sóng”. Thậm chí, trước việc giá đô la trong nước biến động tăng, thông tin dòng vốn ngoại đang chạy khỏi thị trường mới nổi, tâm lý thị trường ngoại tệ đôi lúc còn …“xao xác”.

Một bà mẹ già tiết kiệm chắt chiu được ít vốn dưỡng già chợt gọi con gái hỏi: “mẹ có nên đổi từ tiền Việt sang tiền đô la không con nhỉ?”. Một doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu đều đặn đang vay ngân hàng ngoại tệ để chuyển sang tiền đồng kinh doanh cũng tâm tư: “Liệu giá USD từ nay đến cuối năm có tăng mạnh không để tôi thu xếp mua vào trả ngân hàng”. Đã lâu lắm, thị trường mới lại có những câu hỏi và sự quan tâm đến vậy (?!).

Sóng tỷ giá mới chỉ bắt đầu nổi và không quá lớn. Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm chục đồng tỷ giá trung tâm được nhận định là theo đà tăng giá chung của đồng bạc xanh trên thế giới; và cũng để tranh thủ hỗ trợ cho xuất khẩu nhiều. Tuy nhiên, cộng hưởng những yếu tố khách quan và chủ quan, có thể thấy đà tăng đang dễ… hiển hiện.

Phân tích, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra rằng: Chỉ số đồng đô la (USD-Index) mạnh lên. FED tăng lãi suất, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo tiềm ẩn rủi ro với nhiều nước nhỏ; những quan ngại về lạm phát trong nước có khả năng “bùng” lên trên ngưỡng 4% dự kiến, sức ép nhập khẩu hàng hóa khiến nhập siêu bắt đầu quay trở lại…Theo ông, đó là phần nào những “cơn cớ” tạo hiệu ứng tâm lý khiến cả ngân hàng và thị trường tự do đều đồng loạt điều chỉnh.

Dòng vốn ngoại đã chảy vào Việt Nam mạnh mẽ từ đầu năm tới nay, các dự án thu hút vốn FDI và vốn ngắn hạn FII qua thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng. Dự trữ ngoại hối lên tới kỷ lục gần 64 tỷ USD. Và dẫu khối ngoại bán ròng nhưng dòng vốn ngoại vẫn đang lưu lại Việt Nam và trú ẩn” trong “hầm” trái phiếu hoặc trên tài khoản nhà đầu tư. Chưa kể, nền kinh tế Việt Nam đang được đánh giá tiếp tục tăng trưởng tốt. Đó là những “tin tốt” mà chúng ta đang kỳ vọng.

Nhưng tin tốt dẫu đến đâu, vẫn khó bề “át” được những quan ngại đến từ căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp tục lan rộng và sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu.  Trong cơn lốc xoáy và sự mạnh lên từng ngày của đồng bạc xanh, liệu tỷ giá VND/USD có bề đứng yên(?!).

MỚI - NÓNG