Tỷ giá và dự trữ ngoại hối: Đối mặt những nỗi lo gì?

Sau khi tỷ giá được điều chỉnh, điều gì sẽ xảy đến với lãi suất tiền đồng, dự trữ ngoại hối và cán cân thương mại? Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sau khi tỷ giá được điều chỉnh, điều gì sẽ xảy đến với lãi suất tiền đồng, dự trữ ngoại hối và cán cân thương mại? Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Theo giới chuyên gia, quyết định điều chỉnh nốt dư địa 1% tỷ giá VND/USD ngày 7/5 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có thể khiến điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm đối mặt nhiều thách thức. Nếu cặp tỷ giá này giữ nguyên hay biến động, điều gì sẽ xảy đến với lãi suất tiền đồng, dự trữ ngoại hối và cán cân thương mại?

Lạm phát, lãi suất sẽ bị tác động

Cty chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) vừa phát đi báo cáo, trong đó có phân tích kỹ lưỡng về việc điều chỉnh tỷ giá ngày 7/5. Đơn vị này nhận xét: Thâm hụt thương mại gia tăng là nguyên nhân chính của việc điều chỉnh tỷ giá.  Cụ thể hơn, HSC dẫn chứng, theo Tổng cục hải quan, từ đầu năm đến cuối tháng 4, cán cân thương mại thâm hụt 2,3 tỷ USD (cùng kỳ năm trước thặng dư 2,22 tỷ USD); do vậy nhiều người rõ ràng đã lo ngại về sức cạnh tranh của Việt Nam. “Hiện thực đáng lo là, cán cân thương mại đã chuyển từ thặng dư lớn tính chung cho cả năm 2014 sang thâm hụt gần 3 tỷ USD trong mấy tháng đầu năm nay. Bởi vậy, theo quy luật thị trường, NHNN sẽ bị áp lực phá giá VND để lập lại cân bằng thương mại”- TS kinh tế Nguyễn Minh Ngọc cũng cho biết.

Điều chỉnh lần này liệu có tác động đến lạm phát trong bối cảnh đang bất lợi là giá xăng dầu, giá điện đang cùng tăng? Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lưu ý sẽ tác động đến chỉ số lạm phát do độ mở của kinh tế Việt Nam. “Nhưng với mức điều chỉnh 1%, tác động quá mạnh đến lạm phát sẽ không xảy ra. Thực tế diễn biến lạm phát (CPI) đến tháng 4 chỉ tăng bình quân 0,8%; so với cuối năm 2014 vừa qua gần như không tăng (chỉ khoảng 0,01%). Khả năng vẫn duy trì được lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu ra cho cả năm”- ông Ánh dự đoán.

“Trước mắt chúng tôi giữ nguyên dự báo tỷ giá sẽ được điều chỉnh 3-4% trong năm 2015 (gấp đôi năm ngoái)”.

HSC khẳng định

Đối với lãi suất VND, ghi nhận trên thị trường tính đến 10/5 cho thấy, hầu hết ngân hàng vẫn duy trì lãi suất huy động đã ban hành từ tháng 4. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn từ 4 tháng trở xuống dao động 4,2-4,8%/năm, 6 tháng và 12 tháng lãi suất dao động 5,1-5,8%/năm. Các kỳ hạn trên 15 tháng lãi suất hơn 6%/năm. 

Trao đổi với Tiền Phong cuối chiều ngày 8/5, lãnh đạo ngân hàng LienVietPostBank khẳng định không có giao dịch rút tiền đồng nào lớn. “Hầu hết tiền gửi khối dân cư vẫn giữ nguyên. Trong lần điều chỉnh này, có vẻ như người dân vẫn giữ nguyên niềm tin vào VND nên không có gì xáo trộn. Còn với doanh nghiệp, nhờ thanh khoản đang dồi dào, chúng tôi luôn rộng cửa cho vay và chưa hề tính đến tăng lãi suất”- vị này lạc quan nói.

Vẫn mạch nói chuyện về tỷ giá, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại e ngại về lâu dài tác động từ điều chỉnh này sẽ làm mất đi cơ hội giảm lãi suất tiền đồng trung dài hạn từ 1-1.5%/năm mà Thống đốc NHNN từng tuyên bố. “Lãi suất huy động có thể tăng khiến lãi suất cho vay bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tất cả mới là dự đoán và tại thời điểm này chưa thấy dấu hiệu cho thấy việc tăng tỷ giá có ảnh hưởng đến lãi suất”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Tỷ giá và dự trữ ngoại hối: Đối mặt những nỗi lo gì? ảnh 1

Tỷ giá VND/USD từ nay đến hết năm có còn biến động. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vì sao phải lấy dự trữ ngoại hối để tiêu?


Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam được cho là đã đạt mức kỷ lục, trên 35 tỷ USD vào tháng 9 năm ngoái theo công bố của Thống đốc NHNN và hiện khoảng 36,7 tỷ USD theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Với mức dự trữ ngoại hối 35 tỷ USD, tính toán của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cho rằng tương đương 3,1 tháng nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước, con số dự trữ tiếng là kỷ lục của riêng Việt Nam vẫn được IMF xếp vào mức khiêm tốn nhất khu vực.

Về hành động không bán ra ngoại tệ can thiệp khi thị trường có dấu hiệu sốt tâm lý mà cho điều chỉnh 1% tỷ giá VND/USD của NHNN, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học (Học viện Ngân hàng) Hoàng Anh nhìn nhận: NHNN muốn bảo toàn “khối dự trữ ngoại hối bấy lâu nay kỳ công mới có được”. Tương tự, các chuyên gia khác đều cho rằng, NHNN muốn dập tắt kỳ vọng găm giữ của thị trường và trên cả muốn “đóng” kho thóc để lo công việc thời gian tới. Cụ thể là trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 4, Chính phủ giao NHNN cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhằm bổ sung vốn đầu tư phát triển, đảm bảo an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia. Ý tưởng này có thể xuất phát từ áp lực lên nguồn thu ngân sách do giá dầu thô giảm và việc cắt giảm thuế theo lộ trình thực hiện các hiệp định tự do thương mại. “Tôi thực sự không hoan nghênh ý tưởng này lắm, bởi một khi đã phải dùng đến nguồn dự trữ để dành, chứng tỏ chi tiêu ngân sách đang rất có vấn đề”- một chuyên gia (xin giấu tên) nêu quan điểm.

Tại bản phân tích (nhắc đến ở trên), công ty chứng khoán HSC cho biết, có xu hướng nâng dự báo thâm hụt thương mại năm nay lên 5-6 tỷ USD. “Trước mắt chúng tôi giữ nguyên dự báo tỷ giá sẽ được điều chỉnh 3-4% trong năm 2015 (gấp đôi năm ngoái)”- HSC khẳng định. Nếu áp lực phá giá VND vẫn còn mạnh như HSC và nhiều chuyên gia dự đoán, e rằng bài toán điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm (với các mục tiêu lãi suất, lạm phát hay dự trữ ngoại hối) của NHNN sẽ không hề nhẹ gánh.

Theo ngân hàng HSBC, dù nợ công ở Việt Nam tính đến cuối năm 2013 rơi vào quãng 70 tỷ USD, nhưng do có đến quá nửa trong số đó là nợ dài hạn hoặc ưu đãi vay nên việc phá giá VND sẽ không gây ảnh hưởng tức thì đến trả nợ. TS Vũ Đình Ánh lưu ý, về nguyên tắc khi điều chỉnh tỷ giá hối đoái, phần tiền Việt phải chi trả cho nợ công cả gốc lẫn lãi sẽ tăng lên. “Tuy nhiên, việc điều chỉnh chỉ 1%, nếu tính sang tiền Việt chỉ tương đương 1%, là không quá lớn”- ông Ánh nói. 

MỚI - NÓNG