Tỷ giá vẫn khó lường

Mua vào hay bán ra USD lúc này, là câu hỏi không dễ trả lời. Ảnh: Như Ý.
Mua vào hay bán ra USD lúc này, là câu hỏi không dễ trả lời. Ảnh: Như Ý.
TP - Sau cú “đột phá” gây biến động tăng tới 2% chỉ trong vòng 1 tháng trên thị trường, tuần này tỷ giá VND/ USD đã hạ nhiệt đảo chiều. Nhưng sẽ là quá sớm để thở phào bởi vẫn tiềm ẩn nhiều sức ép “đè” lên tỷ giá.

Đảo chiều

Tỷ giá VND/USD đã có 10 tháng bình yên. Khác với những năm trước, thay vì hạn ngạch “cứng” năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm, điều chỉnh từng ngày. Tuy nhiên, với yếu tố  mùa vụ cuối năm...,  tỷ giá vẫn biến động.

Tuần trước, bất chấp lãnh đạo NHNN lên tiếng trấn an những diễn biến tăng của thị trường là bình thường và NHNN sẵn sàng bán ra USD để can thiệp, tỷ giá VND/USD vẫn lập đỉnh cao nhất từ đầu năm tới nay. Cuối tuần, các ngân hàng đồng loạt đẩy giá mua vào USD vọt lên ngưỡng 22.800 đồng/USD; thị trường tự do chỉ còn thiếu vài chục đồng nữa là chạm mốc 23.000 đồng/USD - mức tăng lên tới  2%.

Sang đầu tuần mới, ngay sau thông điệp sẵn sàng bán ra ngoại tệ can thiệp, cùng cảnh báo tỷ giá có thể đảo chiều, ngày 28/11, Sở Giao dịch NHNN phát đi tín hiệu sẵn sàng bán ra USD nếu thị trường cần với mức giá thậm chí còn thấp hơn trần biên độ. Ngày 29/11, đơn vị này vẫn tiếp tục cho hay, sẵn sàng bán USD với giá thấp hơn 50 VND so với trần. Trước thông điệp đó, liên tục trong 3 ngày qua, tỷ giá trên thị trường dịu lại.

Trên thị trường ngoại tệ, NHNN công bố tỷ giá trung tâm áp dụng cho ngày 30/11/2016 là 22,118 đồng/USD, giảm 3 đồng so với chốt phiên giao dịch ngày hôm trước. Cùng với tỷ giá trung tâm công bố xuống, các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh giá bán USD. Thị trường tự do, qua điện thoại lúc 12 giờ trưa, nhân viên một công ty thu đổi ngoại tệ có tiếng trên phố Hà Trung xác nhận giá mua vào - bán ra USD đạt  22.780 đồng- 22.840 đồng/USD.

Tỷ giá hạ nhiệt do NHNN trấn an kịp thời và tác động lớn đến từ thế giới. Phân tích của các công ty chứng khoán cho thấy, chỉ số U.S dollar index giảm do nhà đầu tư thực hiện việc chốt lời khi đầu tư đồng USD sau khi đồng tiền này đã tăng mạnh kể từ khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngã ngũ.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, bà Nguyễn Ánh Vân chỉ ra trên thị trường sức ép tỷ giá những ngày qua đến từ việc đồng USD tăng giá trên toàn thế giới so với những đồng tiền chủ chốt khác.

Mua vào hay bán ra?

Thống kê trên thị trường chứng khoán đến ngày 30/11, khối ngoại tiếp tục bán khá mạnh trong tuần qua, nâng tổng số bán ròng trong 3 tuần liên tiếp lên tới trên 6.000 tỷ đồng. Cùng lúc, một nhà đầu tư lớn trên thị trường bật mí: “Hết ngày 29/11, khối ngoại đã  rút vốn khoảng 350 triệu USD ra khỏi thị trường”.

Theo PGS-TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, câu chuyện tỷ giá với đồng USD tăng cao hiện được thị trường đánh giá như một yếu tố quy luật vào cuối năm. Tuy nhiên, về dài hạn, ngoài biến động tỷ giá, thị trường vẫn đang chờ các câu trả lời rõ ràng về tác động từ chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump khi đi vào thực thi.

Giám đốc một ngân hàng lớn cho biết, giới nhà băng đều e ngại nếu USD tiếp tục tăng thì dòng tiền có thể đảo chiều, chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang USD. Hiện, những doanh nghiệp nào vay mượn USD thì đã mua trả. Còn với người dân, nhiều khả năng họ sẽ dịch chuyển sang cầm giữ một chút USD.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia ngân hàng TS Lê Xuân Nghĩa nhận định, thị trường đang  đứng trước những “ẩn số” khó lường của tác động thế giới, ví như chu kỳ 10 năm của nền kinh tế; hậu bầu cử tổng thống Mỹ và cú sốc với chính trị thế giới. Nhận xét riêng về tỷ giá, ông Nghĩa cho rằng, hiện cung - cầu thị trường ngoại tệ không có vấn đề gì. “Vừa rồi, giá USD tăng như thế, nhất cử lưỡng tiện, tôi thấy việc tăng giá USD lên một vài trăm đồng là rất thuận lợi”, ông Nghĩa lưu ý.

Thu ngân sách 6,2 tỷ đồng phải trả nợ, viện trợ 1 tỷ

Tổng thu Ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/11/2016 ước tính đạt 852,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,1% dự toán năm. Đáng lưu ý, trong cơ cấu chi ngân sách, số tiền chi trả nợ và viện trợ đạt tới 136 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bình quân cứ thu được 6,2 tỷ đồng, Ngân sách Nhà nước phải mang 1 tỷ đồng đi trả nợ, viện trợ. Theo tính toán, việc giảm giá đồng Việt Nam sẽ khiến số tiền chi cho trả nợ nước ngoài tăng lên (năm 2015 đã là hơn 3 tỷ USD, năm nay có thể lên đến trên 4 tỷ USD). Chẳng hạn, nếu tiền đồng Việt Nam giảm giá 2% thì tiền trả nợ nước ngoài sẽ tăng lên 2%, gây áp lực cho ngân sách.

MỚI - NÓNG