USD đang bị "dồn cục"

USD đang bị "dồn cục"
Hôm qua 11/3, giá USD tại thị trường tự do tiếp tục giảm thêm, giá mua vào chỉ còn 15.500 đồng/USD. Điều này đồng nghĩa với việc càng đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu vào thế điêu đứng.

Và mọi chuyện còn diễn biến xấu hơn nếu Ngân hàng Nhà nước không mua vào USD...

USD đang bị "dồn cục" ảnh 1

Diễn biến giá USD của Ngân hàng Eximbank trong những ngày gần đây - Ảnh TT

Mặc dù Ngân hàng (NH) Nhà nước đã nới rộng biên độ để USD mất giá thêm nhưng thị trường ngoại tệ vẫn chưa được khai thông, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vẫn chật vật khi bán USD và giá bán luôn nằm sâu dưới giá sàn do NH Nhà nước qui định.

Trong khi các DN kêu NH thương mại làm khó thì NH thương mại chỉ về NH Nhà nước. Còn NH Nhà nước tuyên bố sẽ mua vào USD nhưng thị trường vẫn ê hề USD do không có người mua.

Rẻ nhưng vẫn khó bán

Nhiều DN xuất khẩu (XK) gạo đang đứng ngồi không yên vì giá USD liên tục giảm, khiến những lô hàng XK gạo đã ký hợp đồng trước đó bị lỗ nặng.

Giám đốc một DN cho biết vào đầu tháng 1/2008 đơn vị có ký hợp đồng XK gạo sang Philippines với mức giá trúng thầu khoảng 365 USD/tấn loại gạo 25%. Khi đó giá lúa chỉ 3.600 đồng/kg, giá USD được NH mua vào 15.890 đồng.

Tuy nhiên vào thời điểm giao hàng hiện nay, giá lúa tăng vọt lên 4.500-4.600 đồng/kg, còn NH chỉ mua USD với giá 15.580 đồng. "Với lô hàng 10.000 tấn gạo, DN đã mất đứt hơn... 11 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do USD mất giá là hơn 1 tỉ và do giá đầu vào tăng là 10 tỉ đồng", vị giám đốc này nói.

Ông Hồ Quốc Lực - tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sao Ta - cho biết từ ngày 10-3 NH chỉ mua USD với giá chỉ còn... 15.490 đồng, giảm đến 210 đồng/USD so với tuần trước đó. Các DN chế biến nhân điều XK cho biết chỉ riêng thiệt hại do USD mất giá cũng lên đến 2,5-2,7 triệu đồng/tấn nhân điều XK, chưa kể chi phí sản xuất của ngành điều đã tăng đến 40% so với trước.

Ông Trần Thiện Hải - giám đốc Công ty CP thủy sản Minh Hải - than thở hầu hết DN thủy sản hiện đang rất khó khăn. Trong khi nguyên liệu và vật tư đầu vào đều mua trong nước và thanh toán bằng VND. Thế nhưng, lượng USD thu về từ hoạt động XK lại rất khó bán cho NH. Nhiều DN rơi vào tình cảnh "rủng rỉnh USD nhưng cháy túi tiền đồng". Vay VND lãi suất lên tới 1,3-1,6%/tháng, còn bán USD để lấy tiền đồng thì NH mua với giá rất thấp, rồi còn bị thu thêm phí lên tới 2%...

Tắc ở đâu?

Một quan chức NH Nhà nước khẳng định hiện nay các DN XK là đối tượng đứng đầu trong danh sách ưu tiên mua ngoại tệ, kế đến là các tổ chức quốc tế... Không chỉ thế, các DN hoạt động lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông thôn, kinh doanh nông sản XK đều được ưu tiên về vốn thông qua NH Nông nghiệp - phát triển nông thôn. NH Nhà nước cũng hỗ trợ NH này mua vào ngoại tệ của DN.

Thế nhưng nhiều NH thừa nhận dù biên độ tỉ giá đã mở ra, nhưng NH Nhà nước vẫn chưa mạnh tay mua vào nên NH thương mại phải nghe ngóng, nếu không mua vào sẽ bị lỗ.

Một chuyên gia NH cho rằng để thực hiện mục tiêu chống lạm phát, NH Nhà nước đã cho VND tăng giá thêm so với USD. Tuy nhiên, do biên độ tăng thêm vẫn chưa phản ánh đúng tỉ giá thực tế, buộc NH thương mại phải đối phó bằng biện pháp tiêu cực là ngừng mua vào USD hoặc mua với giá thấp hơn biên độ cho phép.

Theo vị chuyên gia này, một khi cho VND tăng giá so với USD, các DN XK sẽ gặp nhiều khó khăn, lẽ ra NH Nhà nước phải đi kèm biện pháp để khai thông dòng vốn ngoại tệ, đó là mua vào USD.

Theo Đình Khôi
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.