USD tăng giá: Nên mua hay chưa?

USD tăng giá: Nên mua hay chưa?
Không gây sốc như đợt tăng giá hồi đầu tháng 5 năm nay, nhưng gần đây do liên tục nhích lên nên giá USD đã bỏ xa mức 16.000 đồng/USD. Và dự đoán giá sẽ lên mức 16.100 đồng/USD trong thời gian tới. Phải chăng mua USD lúc này sẽ có lợi?

Đến ngày 29-9, trước khi đóng cửa nghỉ cuối tuần, tỉ giá USD tại Vietcombank TPHCM đã đạt mức 16.046 đồng/USD (mua vào tiền mặt), 16.056 đồng/USD (bán ra).

Đặc biệt, giá USD chợ đen còn cao hơn nhiều. Đến ngày 1-10, giá mua vào của các cửa hàng vàng bạc khu vực chợ Bến Thành lên tới 16.060 đồng/USD, bán ra 16.080 đồng/USD.

Nguyên nhân giá USD liên tục nhích lên là do gần đây nhu cầu ngoại tệ nhập vàng tăng cao, nhất là thời điểm trung tuần tháng 9, khi giá vàng thế giới có ngày chỉ khoảng trên dưới 580 USD/ounce.

Ngoài ra, theo một số ngân hàng, thông lệ hàng năm quý IV vẫn là thời điểm nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp thường tăng cao do nhiều đơn vị có nhu cầu nhập hàng bán tết, cũng như thanh toán các khoản tồn đọng... đã đẩy giá USD nhích lên.

Vàng giảm thêm 40.000 đồng/lượng

Ngày 1-10, giá vàng trong nước tiếp tục xu hướng giảm nhẹ. Tại TPHCM, giá vàng SJC, mua vào còn 12 triệu đồng/lượng, bán ra 12,1 triệu đồng/lượng, giảm 40.000 đồng/lượng.

Riêng giá vàng miếng nhãn hiệu AAA ổn định ở mức mua vào 11,8 triệu đồng/lượng, bán ra 12 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, theo ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng (NH) Xuất nhập khẩu VN, dù giá nhích lên nhưng sẽ không có đột biến vì cung – cầu hiện nay vẫn chưa căng thẳng.

Hơn nữa, hiện nay công tác kiểm soát tỉ giá của NH Nhà nước khá hiệu quả. Tùy thời điểm tỉ giá có thể có biến động ít nhiều nhưng tính chung cả năm mức tăng giá của đồng USD chỉ 1% - 2%.

Và năm nay khả năng cũng chỉ tăng 1,5% - 2%/năm.

Gửi tiết kiệm VNĐ hay USD?

Cũng chính vì giá USD liên tục nhích lên nên gần đây khách hàng gửi tiết kiệm bằng USD đang tăng.

Theo thống kê mới nhất của NH Nhà nước chi nhánh TPHCM, tính đến cuối tháng 9, tổng vốn huy động bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) của các NH thương mại trên địa bàn quy ra VNĐ đạt khoảng 82.100 tỉ đồng, tăng 37% so với đầu năm, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2005.

Thế nhưng nếu so sánh với tiền gửi VNĐ, tuy tỉ lệ tăng trưởng tiền gửi USD cao hơn, nhưng tổng vốn huy động cũng chỉ bằng hơn 50% so với VNĐ (82.100 tỉ đồng so với 159.200 tỉ đồng). Điều này cho thấy nhiều người vẫn thích gửi tiền VNĐ hơn.

Giải thích hiện tượng này, lãnh đạo các NH cho rằng, đơn giản chỉ vì gửi VNĐ vẫn có lợi hơn.

Chẳng hạn, lãi suất VNĐ loại kỳ hạn 12 tháng hiện từ 8,4% - 9%/năm (tùy NH), trong khi dù thời gian qua lãi suất USD nhiều lần được điều chỉnh tăng nhưng hiện cũng chỉ từ 4,5% - 5,2%/năm. Nếu cộng cả khoản chênh lệch do tỉ giá tăng (tính mức tối đa theo dự đoán khoảng 2%/năm) thì lợi nhuận gửi USD cũng chỉ khoảng 7,2%/năm, vẫn còn thấp hơn gửi VNĐ không ít.

Nhiều người kỳ vọng lãi suất USD sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo ông Đào Hồng Châu là rất khó xảy ra. Thời gian qua lãi suất trong nước tăng mạnh là do tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất cơ bản đồng USD.

Nhưng hiện nay khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất cơ bản là khó xảy ra. Thậm chí các nhà phân tích đã nói nhiều đến khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới như một biện pháp nhằm hạn chế lạm phát.

Tóm lại, nếu không vì mục tiêu nào khác, thì việc mua trữ USD, kể cả gửi tiết kiệm vẫn không lợi bằng gửi VNĐ.

Theo Thúy Anh
Người Lao Động

MỚI - NÓNG