USD tự do sốt "ảo"?

USD tự do sốt "ảo"?
Trong 2 ngày giữa tuần, đồng USD trên thị trường tự do bỗng dưng tăng thêm gần 20VND/USD, đạt khoảng 17.790VND/USD trong ngày 14.1. Đồng thời, thị trường còn có dấu hiệu khan hàng.

Các môi giới viên, "cò" ngoại tệ trên thị trường tự do thấy giá USD lên lại xuất hiện tình trạng đầu cơ "găm" hàng, đón giá lên đẩy ra kiếm lời.

Tăng đã hết đà?

Ngày 15.1, tỉ giá liên NH giữa VND và USD được công bố là 16.972 đồng "ăn" 1USD, giảm 3 đồng so với tỉ giá ngày 14.1 và giảm 4 đồng so với mức ngày 13.1.

Tại một số NH như Vietinbank tỉ giá USD được niêm yết ở mức 17.477 đồng/USD mua vào và 17.481 đồng/USD bán ra. Eximbank niêm yết giá 17.481 đồng/USD cho cả ba giao dịch là mua vào, bán ra và chuyển khoản. Tại Vietcombank, tỉ giá giữa mua vào - bán ra là 17.460 đồng/USD và 17.481 đồng/USD, giảm 5 đồng mua vào và 3 đồng bán ra so với phiên giao dịch trước đó.

Trong khi đó, trên thị trường tự do tại Hà Nội thời điểm cuối giờ sáng ngày hôm qua (15.1), tỉ giá USD được giao dịch ở mức 17.650 đồng/USD mua vào và 17.690 đồng/USD bán ra, mặc dù không biến động nhiều so với mức giá chiều ngày 14.1 nhưng vẫn cao hơn 30 đồng/USD (cả mua vào và bán ra) so với thời điểm đầu tuần.

Mức chênh lệch tỉ giá tại nhiều cửa hàng vàng bạc và thu đổi ngoại tệ có thể lên tới 40 đồng/USD cả mua vào và bán ra. Chiều cùng ngày, đồng USD trên thị trường tự do khu vực TPHCM lại nhích lên 17.770 - 17.780VND/USD.

Một điều ghi nhận được trong ngày này là mức chênh lệch giữa mua vào - bán ra đã dần được thu hẹp lại, chỉ ở mức khoảng 40 đồng/USD. Bởi nếu so với một vài ngày trước đó, con số này là từ 50-70 đồng/USD.

Theo nhân viên của một điểm thu đổi ngoại tệ tại HN, giá USD trên thị trường tự do đã có dấu hiệu chững lại từ chiều ngày 14.1. Nhân viên này cũng cho rằng, trong mấy ngày trở lại đây, lượng USD giao dịch tại cửa hàng này cũng chững lại và không có đột biến. Có nhiều khách hàng nhờ tư vấn thời điểm bán ra bởi thấy đã "được giá".

Theo quan sát của anh, hiện giá USD đã "cao ngất trời" và có thể sẽ đứng giá trước khi có dấu hiệu hạ nhiệt. Anh cũng khuyên khách hàng của mình: "Nếu giao dịch thời điểm này thì phải quyết định nhanh, bởi diễn biến sẽ rất bất ngờ và khó đoán".

Thị trường vẫn bình ổn

Theo nhận định của một chuyên gia môi giới ngoại tệ, sở dĩ USD tăng so với VND trong những ngày qua không loại trừ các tin đồn đang xảy ra trên thị trường. Trong đó, có cả tình trạng đầu cơ ngoại tệ, đẩy giá lên.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang còn những khó khăn nhất định và để ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, nhiều khả năng lãi suất (LS) cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, ngăn chặn tình trạng ngừng trệ sản xuất nên nhiều người cảm thấy giữ ngoại tệ có lợi hơn.

Vả lại, LS tiền gửi USD được áp dụng tại các NHTM ở mức khá cao. Cùng với kỳ vọng tỉ giá sẽ còn nhích lên khi chủ trương hỗ trợ XK vẫn duy trì và LS tiền gửi USD cao là lý do để một số nhà đầu cơ "găm" ngoại tệ. Song theo một cán bộ cấp cao trong ngành ngân hàng, tỉ giá hối đoái khó có biến động.

Ông này thừa nhận, có thể trong năm nay nguồn ngoại tệ thu hút từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ giảm. Vì bản thân các NĐT nước ngoài cũng giảm không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thực tế, để triển khai một dự án FDI vốn tự có của NĐT nước ngoài chỉ có 30%. Phần còn lại phải huy động từ thị trường quốc tế. Do đó, giải ngân vốn FDI trong năm nay sẽ giảm.

Bên cạnh đó, nguồn thu ngoại tệ từ du lịch và kiều hối cũng khó giữ được như năm 2008. Kết thúc năm 2008, kiều hối chảy về VN đạt 8 tỉ USD. Riêng khu vực TPHCM đạt 5,5 tỉ USD, tăng 53% so với năm 2007. Nhưng năm nay, nguồn kiều hối dự báo sẽ khó khăn.

Phát biểu tại buổi tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm 2009, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Thống đốc NHNN cho biết, bản lề của năm 2009 là quản lý cán cân thanh toán.

Theo ông Bình, nếu không quản lý được cán cân thanh toán trong năm 2009 thì không thể kiểm soát được lạm phát và đà suy giảm của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, nếu có xảy ra thâm hụt, khó khăn thì NHNN cũng đủ ngoại tệ để can thiệp thị trường.

Cũng theo ông Bình, tỉ giá biến động phức tạp trong thời gian qua một phần do ngân hàng trong nước vẫn duy trì LS tiền gửi ngoại tệ ở mức khá cao so với các nước trên thế giới hiện nay. LS tiền gửi ngoại tệ cao cùng với kỳ vọng nhiều người cho rằng, tỉ giá sẽ biến động nên xu hướng nắm giữ ngoại tệ vẫn còn.

Thực tế, theo báo cáo của NHNN, tiền gửi bằng ngoại tệ trong năm qua đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tiền gửi bằng VND. Mặc dù tỉ trọng giữa tiền gửi bằng VND và ngoại tệ vẫn duy trì mức 70 - 72% đối với tiền gửi VND và 28 - 30% là tiền gửi ngoại tệ so với tổng huy động vốn.

Song NHNN TPHCM cũng cho biết, trong năm 2008, một số tháng đã xuất hiện xu hướng dịch chuyển tiền gửi từ VND sang USD. Diễn biến chủ yếu do tâm lý người dân trước những biến động của thị trường tài chính.

Phó Thống đốc NHNN cho rằng, các NHTM phải có sự đồng thuận trong việc cắt giảm chi phí đầu vào đối với tiền gửi bằng ngoại tệ. Vì so với LS của khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ hiện còn 0,5%/năm thì huy động vào với mức cao nhất được các NH áp dụng hiện nay 4%/năm là quá cao. Song NHNN không thể giữ LS cho khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ của các NH, do LS gửi ngoại tệ ở nước ngoài hiện chỉ còn 0 - 0,1%/năm.

Theo Vi Nguyễn - Lưu Thuỷ
Lao Động

MỚI - NÓNG