Ưu đãi thu hút đầu tư: “Xé rào” hay linh hoạt ?

Ưu đãi thu hút đầu tư: “Xé rào” hay linh hoạt ?
Những năm gần đây, mặc dù nhà nước đã có chính sách đầu tư chung, nhưng 33 tỉnh vì lợi ích cục bộ vẫn tiếp tục “xé rào” đưa ra hàng loạt các chính sách ưu đãi riêng để giành giật các nhà đầu tư.
Ưu đãi thu hút đầu tư: “Xé rào” hay linh hoạt ? ảnh 1
Lao động ở một khu công nghiệp.                             Ảnh Văn Khánh

Theo rà soát của Bộ Tài chính, các tỉnh này đều dùng ngân sách hỗ trợ DN đầu tư vào các KCN địa phương thông qua cấp lại thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), VAT, tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư…

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có 18 tỉnh quy định không phù hợp về ngân sách; 21 tỉnh đưa ra những quy định “vượt khung” về chính sách đất đai; 11 tỉnh quy định không phù hợp về thuế thu nhập DN (nhiều tỉnh có quy định không phù hợp ở cả 2 lĩnh vực-PV). Hầu hết các tỉnh đều ưu đãi về thuế đất ở mức rất cao, tăng thời gian giảm thuế 10-20 năm.

Tỉnh Bến Tre quy định: “Ngoài việc được hưởng các chính sách theo quy định của Chính phủ, các dự án đầu tư dạng BOT, BTO, BT sẽ được tỉnh miễn thuế TNDN thêm 4 năm và được giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo”.

Quảng Nam áp dụng thuế suất thấp hơn quy định của Chính phủ 3-10% trong thời hạn 3 năm. Hà Tĩnh tăng thời gian miễn tiền thuê đất 7-13 năm; tăng thời gian giảm tiền thuê đất 5 năm hoặc cả “đời” dự án. Phú Yên mạnh tay hơn, với quy định: Sau khi hết thời hạn được miễn, giảm theo quy định của Chính phủ, Nhà đầu tư được giảm 50% tiền thuê đất từ 8-20 năm.

Tỉnh Nghệ An tăng thời gian miễn tiền thuê đất 10 năm cho các dự án đầu tư vào TP Vinh, TX Cửa Lò, miễn thêm 20 năm tiền thuê đất cho các dự án đầu tư tại vùng đồng bằng. Vĩnh Phúc miễn 100% thuế đất vùng khó khăn.

Ưu đãi thu hút đầu tư: “Xé rào” hay linh hoạt ? ảnh 2
Lắp ráp xe máy ở KCN Vĩnh Phúc  ảnh: Tuấn Hải

Trong 33 tỉnh “xé rào” trên, không ít tỉnh “chơi trội”. Tỉnh Bình Định quy định: Dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% thuế TNDN những năm đầu thực hiện dự án, hỗ trợ 50% thuế TNDN 3-30 năm. Với dự án đầu tư nước ngoài: hỗ trợ 100% tiền thuê đất 3-30 năm.

Bình Thuận dùng ngân sách hỗ trợ tái đầu tư 50% thuế TNDN mà DN phải nộp trong 2-10 năm. Tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Nghệ An, Thanh Hoá, Lào Cai, UBND tỉnh đều dùng ngân sách hỗ trợ DN thông qua thuế TNDN. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng “tiền trảm hậu tấu” kiểu này đã diễn ra từ những năm 1999, đã được chấn chỉnh, nhưng vài năm gần đây lại tái diễn.

Chưa tính toán được cụ thể, với những quy định trên, ngân sách các tỉnh bị thâm thủng bao nhiêu hiện chưa thống kê được nhưng chính những quy định “xé rào” này đã làm cho nguồn thu của các địa phương bị thất thoát.

“Xé rào” hay linh hoạt?

Sự ưu ái đó gây hại thế nào cho nền kinh tế? Theo ông Trần Ngọc Ái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, linh hoạt trong ưu đãi thì mới thu hút được đầu tư vào những vùng khó khăn. Còn những nơi có điều kiện tốt, ví như KCN Quang Minh thì thu thêm phí, DN vẫn đầu tư nhiều.

Từ thực tế đầu tư ở Vĩnh Phúc cho thấy, nếu kéo được DN đầu tư rồi thì ngân sách hỗ trợ sẽ trở nên quá bé, dễ giải quyết, bởi theo ông Ái, nông nghiệp dù được đầu tư, thúc đẩy mãi vẫn khó thu được 50 triệu đồng/ha, trong khi chỉ 10 ha đất cấp cho tập đoàn Honda đã thu về 600 tỷ đồng/năm. Vậy “thu” lớn hơn gấp nhiều lần “chi”, hoàn toàn bù đắp được khoản thâm thủng. Đấy là chưa tính đến dự án công nghiệp bao giờ cũng kéo các loại hình dịch vụ khác cùng phát triển, tạo giá trị gia tăng.

33  tỉnh “xé rào”:

Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Nghệ An, Kon Tum, Lào Cai, Nam Định,  Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hoà, Long An, Ninh thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Vĩnh Long, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hoà Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hoá, Vĩnh Phú.

Tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, một phần nhờ chính sách ưu đãi thu hút đầu tư mà năm 2004, tổng thu ngân sách của tỉnh (cả XNK) đã lên đến 2.400 tỷ đồng, trong khi năm đầu tiên tái lập tỉnh, chỉ thu được 89 tỷ đồng. Còn ông Nguyễn Văn Hành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh cũng muốn “nâng đỡ” vùng cát trắng, gió Lào thoát khỏi lạc hậu nên mới miễn thuế đất vượt quy định của Chính phủ là 20 năm. Theo ông Ái, cần phải có quy định khung có biên độ giao động lớn thì miền Trung mới có nhà đầu tư “ghé mắt” đến.

Theo ông Vũ Xuân Thuyên-chuyên gia cao cấp (Bộ KH&ĐT), 5 năm qua, thực hiện Luật khuyến khích đầu tư trong nước, cả nước đã thu hút 14.094 dự án với tổng vốn 178.673 tỷ đồng. Luật và chính sách như vậy được nước ngoài đánh giá là cởi mở. Trong khi đó, các tỉnh đưa ra ưu đãi khác nhau (thực ra đều lấy tiền từ ngân sách) là tạo tiền đề xấu, biểu hiện không chấp hành pháp luật chung.

Làm như thế hoá ra chính sách khuyến khích của ta không thống nhất, nếu thế sẽ gây cản trở quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, cứ kéo dài thời gian giảm thuế thì ngân sách sẽ thâm thủng lấy đâu ra để bù. Điều chỉnh là quy luật tất yếu. Một số chuyên gia khác cho rằng, các tỉnh Bình Dương, Hải Phòng…ưu đãi trong khung quy định của Luật vẫn thu hút được đầu tư. Do đó, không thể cứ xé rào, xé luật mãi được.

Khi bàn biện pháp chấn chỉnh tình trạng ưu đãi không tuân thủ pháp luật trên, các chuyên gia của Bộ KH&ĐT, TC đã đưa ra 2 phương án: 1. Bãi bỏ văn bản quy định ưu đãi ban hành trái pháp luật, truy thu khoản thâm hụt do các tỉnh bày đặt ưu đãi; 2. Giữ nguyên những gì các tỉnh đã hứa với nhà đầu tư, tránh xáo trộn.

Dù Chính phủ chưa quyết định phương án cụ thể nào, song cả 2 phương án đều kiến nghị Chính phủ yêu cầu các tỉnh chấm dứt cấp giấy phép đầu tư, chứng nhận ưu đãi không đúng quy định hiện hành trước ngày 1/6/2005.

MỚI - NÓNG