Ưu tiên giữ giá lúa gạo cho nông dân

Lúa Đông Xuân tại ĐBSCL chuẩn bị vào đợt cao điểm thu hoạch nhưng còn bế tắc đầu ra. Ảnh: Hòa Hội
Lúa Đông Xuân tại ĐBSCL chuẩn bị vào đợt cao điểm thu hoạch nhưng còn bế tắc đầu ra. Ảnh: Hòa Hội
TP - Từ chỉ đạo của Chính phủ, trước khi có hội nghị triển khai tại Đồng Tháp vào tuần tới, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang loay hoay tìm lối ra cho lúa gạo vụ Đông Xuân này, khắc phục nguy cơ được mùa mất giá.

Mua rất chậm vì không có đầu ra

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng tình hình thu mua lúa gạo đầu năm nay rất khó khăn do đầu ra xuất khẩu bế tắc. Trong khi năm ngoái, ngay từ đầu vụ lúa gạo đã có hơn 1,1 triệu tấn hợp đồng xuất khẩu thì năm nay Philippines vẫn chưa mua nên không có "lực hút". Đối với thị trường Trung Quốc, theo ông Đôn, vào cuối năm 2017 đầu 2018, doanh nghiệp (DN) ký được hợp đồng xuất khẩu 20.000 tấn, nhưng cuối năm 2018 sang đầu 2019 không ký được hợp đồng nào. “Từ khi khai trương trở lại sau Tết, công ty vẫn mua nhưng rất chậm vì không có đầu ra” - ông Đôn cho biết.

Theo ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, 2 tháng đầu năm 2019, tỉnh Tiền Giang chỉ xuất khẩu được 6.853 tấn gạo với trị giá đạt 3,5 triệu USD, giảm đến 80,56% về lượng và 72,58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân sụt giảm mạnh là do hiện các DN xuất khẩu chưa có đơn hàng mới. Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân nếu có điều kiện thì nên tự tạm trữ lúa gạo chờ giá.

Đối với DN, ông Tuấn yêu cầu vẫn thực hiện mua vào để trữ lại vì đây là mùa vụ có chất lượng gạo tốt nhất trong năm. Dự trữ cũng là điều tốt vì giá hiện nay cũng tốt cho DN mua vào, đây là giải pháp trước mắt trong khi chờ chính sách chung của Chính phủ. Với ngân hàng, theo ông Tuấn, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo chung nhưng chưa đi vào cụ thể để hỗ trợ nông dân, lãi suất cũng rất khó hỗ trợ cho DN dự trữ và giải quyết vấn đề vốn cho DN.

Tại buổi họp bàn giải pháp tiêu thụ lúa Đông Xuân ngày 22/2, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng các giải pháp lúc này cũng chỉ mang tính chất tạm thời và đề nghị các DN vẫn có kế hoạch thu mua bình thường, giữ giá theo hợp đồng bao tiêu ổn định, tạo niềm tin cho người nông dân.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá thu mua lúa đang có xu hướng giảm từ 200-800 đồng/kg so với tuần trước Tết Nguyên đán và giảm 1.000-1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Dự báo thời tiết thuận lợi, đạt năng suất cao, sản lượng cả vụ ước tăng 8.000 tấn so với cùng kỳ, nhưng với giá lúa hiện đang giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2018 và có chiều hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới nên đã tạo tâm lý bất an đối với nông dân.  

Thị trường lớn không còn dễ tính

Theo đại diện Sở Công Thương Tiền Giang, riêng với thị trường Trung Quốc, muốn xuất khẩu gạo sang đây phải đảm bảo các điều kiện về giấy chứng nhận, chất lượng sản phẩm, có vùng trồng và phải đảm bảo an toàn thực phẩm, từ tháng 10/2019 hàng loạt tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng. Tỉnh Tiền Giang hiện chỉ có 2 DN được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, DN nên thay đổi, không nên làm theo cách như trước đây vì Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính.

Ông Phan Lợi - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết theo công bố kiểm tra các DN xuất khẩu gạo sang Trung Quốc của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc thì có 22 DN Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc từ năm 2017. Tuy nhiên đến ngày 11/9/2018 danh sách DN được xuất sang Trung Quốc chỉ còn 19 DN. Theo ông Lợi, sự bất ổn của thị trường cùng với khả năng quản lý điều hành của DN còn hạn chế nên nhiều ngân hàng thương mại cũng ngại khi cấp hạn mức tín dụng cho ngành. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại cổ phần đưa ngành lúa gạo vào danh sách ngành hàng hạn chế quan hệ tín dụng hoặc có cũng ở mức làm các dịch vụ hỗ trợ cho DN…

Về thị trường, chúng ta tiếp tục phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Á (nhất là Trung Quốc và Philippines). Theo thông tin từ đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nguyễn Phú Vinh (An Giang), công ty ký hợp đồng với DN Trung Quốc chiếm 95% nhu cầu gạo của công ty, nhưng với sự thắt chặt từ thị trường nhập khẩu, bên cạnh phải chịu mức thuế cao như đã áp dụng từ ngày 1/7/2018 (thuế suất nhập khẩu các loại gạo nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á là 40-50%, chỉ riêng gạo tấm là 5%), còn phải tuân thủ các quy định khác như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ, mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở kiểm nghiệm quốc gia (còn  gọi là quốc kiểm) của Trung Quốc để kiểm nghiệm.

Bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và có dấu của cơ quan quốc kiểm Trung Quốc. Nếu không hợp lý sẽ bị từ chối cấp chứng thư để nhập khẩu vào thị trường này. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu của DN từ đầu năm đến nay, công ty chưa có giá trị xuất khẩu sang thị trường này đến thời điểm báo cáo. Cũng theo đại diện DN này, thông tin về các chính sách của Trung Quốc được tiếp cận cũng chỉ là thông tin phi chính thức từ các đơn vị nhà nhập khẩu tại nước này.

Ngày 21/2, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã có báo cáo Bộ Tài chính về kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện thu mua lương thực nhập kho dự trữ quốc gia năm 2019 theo Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 11/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Tổng cục DTNN sẽ thu mua 200.000 tấn gạo theo phương thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định; thu mua 80.000 tấn lúa theo phương thức thực hiện mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng (không qua tổ chức đấu thầu) theo quy định, trong đó Tổng cục DTNN đã phê duyệt kế hoạch mua của vùng ĐBSCL 2.800 tấn, thời gian mở kho mua từ ngày 1/3 đến hết 30/4/2019.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.