Ưu tiên nông, lâm sản, chế biến

Ưu tiên nông, lâm sản, chế biến
TP - Bộ Công Thương vừa có quyết định phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia giai đoạn hai với kinh phí gần 66 tỷ đồng, trong đó tập trung cho những ngành xuất khẩu (XK) chủ lực có nhiều lao động.
Ưu tiên nông, lâm sản, chế biến ảnh 1

Nông sản sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại ngay thị trường trong nước. Ảnh: Hồng Vĩnh

Phóng viên Tiền Phong trao đổi với ông Tạ Hoàng Linh - Cục phó XTTM (Bộ CT) về vấn đề này.

Giai đoạn hai, sẽ tập trung chủ yếu vào nhóm hàng Nông - lâm - thủy sản và công nghiệp, chế biến (nhóm hàng XK chính của nước ta), sử dụng nhiều lao động và đang bị ảnh hưởng lớn của suy giảm kinh tế.

Thưa ông, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến thị trường XK Việt Nam bị co hẹp. Sắp tới ta sẽ tập trung khai thác những thị trường nào?

Nguyên tắc là tiếp tục duy trì hỗ trợ XTTM các mặt hàng XK chủ lực thâm nhập sâu hơn vào thị trường truyền thống, đồng thời đầu tư đa dạng hóa thị trường.

Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp duy trì thị phần tại Mỹ, EU, Nhật, Chương trình XTTM 2009 sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường ngách, chịu tác động của đợt suy giảm kinh tế toàn cầu ít hơn ở châu Á, châu Phi..., và đặc biệt quan tâm XTTM tại chỗ, ngay từ thị trường nội địa.

Vậy, thị trường nội địa sẽ được quan tâm thế nào?

Giai đoạn hai của chương trình tập trung lớn vào thị trường nội địa. Bộ được Thủ tướng giao xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình xúc tiến thị trường thương mại nội địa” nhằm khuyến khích tiêu dùng; đưa hàng về nông thôn; kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam...

Gần 66 tỷ đồng sẽ được sử dụng vào những việc chính nào, thưa ông?

Sẽ dành hỗ trợ các đơn vị chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phổ biến, cung cấp thông tin thương mại quốc tế chuyên ngành giúp DN có quyết định phù hợp.

Năm nay Chính phủ dành 172 tỷ đồng cho XTTM (gấp đôi so năm 2008). Năm 2009, Bộ CT phê duyệt Chương trình XTTM quốc gia làm nhiều đợt để có thể phản ứng linh hoạt với các biến động thị trường, ngành hàng. Bộ đã phê duyệt hai đợt, gồm 97 đề án, tổng kinh phí 128,6 tỷ đồng.

Cùng với đó, tuyên truyền XK cho hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam; duy trì các chương trình đào tạo kỹ năng, kiến thức xúc tiến thương mại, kinh doanh quốc tế; phát triển các hội chợ chuyên ngành trong nước.

Đồng thời, các hội chợ, triển lãm tại nước ngoài tạo cơ hội cho DN tại các sự kiện quốc tế lớn của ngành hàng. Các đoàn giao thương nước ngoài cũng được tăng cường theo hướng chuyên ngành, tìm kiếm đầu ra cho các ngành đang gặp khó.

Bộ Công Thương đang bổ sung một số nội dung hỗ trợ XTTM, trong đó có những gì đáng lưu ý nhất?

Trong dự thảo sửa đổi Quyết định 279/2005/QĐ-TTg có bổ sung ba loại hình hỗ trợ mới: hỗ trợ DN Việt Nam tiếp xúc các nhà NK nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng; tổ chức hội nghị ngành hàng XK Việt Nam và hỗ trợ XTTM tại nước ngoài để tiêu thụ hàng hoá cho DN Việt Nam.

Dự thảo cũng đề xuất hỗ trợ thêm 100 phần trăm chi phí quảng bá các gian hàng Việt Nam tại hội chợ nước ngoài, chi phí quảng bá đoàn giao thương Việt Nam tại nước ngoài.

Bộ cũng trình Thủ tướng việc các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có thể trực tiếp xây dựng và thực hiện đề án, hoặc phối hợp với các DN, các tổ chức XTTM trong nước kêu gọi thương nhân nước ngoài vào Việt Nam mua hàng...

Ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác, giao thương giữa DN nước ngoài và Việt Nam qua Chương trình XTTM quốc gia?

Ba năm qua, Chương trình XTTM quốc gia đem lại kết quả thiết thực cho DN cả về số và chất lượng. Năm 2006, hỗ trợ 4.515 lượt DN; có 1.174 hợp đồng và thỏa thuận được ký với tổng trị giá hơn 86 triệu USD. Năm 2007, 2008 cũng ký được các hợp đồng có tổng trị giá hơn 905 và hơn 1.328 triệu USD.

Ngoài ra, sau các sự kiện XTTM còn có nhiều giao dịch tiềm năng, thiết lập quan hệ kinh doanh, tiến tới ký hợp đồng dài hạn. Chương trình góp phần duy trì tăng trưởng XK cao trong các năm 2006 - 2008.

Cảm ơn ông.

Phạm Anh
Thực hiện

MỚI - NÓNG