'Vạch áo' cổ phiếu LBM

'Vạch áo' cổ phiếu LBM
TP - Mặc cho “cơn sốt” BMC đã hạ nhiệt, cổ phiếu của Cty Cổ phần Khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng (mã chứng khoán LBM) vẫn tiếp tục tăng kịch trần mấy tuần nay.
'Vạch áo' cổ phiếu LBM ảnh 1

Từ dưới 20.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 1/2007, LBM đã lên đến 67.000đồng/cổ phiếu vào sáng 12/6/2007 với lượng dư mua lên đến 368.000 cổ phiếu! Nhưng khác hẳn với hai đàn anh BMC và TCT, LBM không có lợi nhuận nhiều và triển vọng cũng chưa sáng sủa như nhiều người tưởng.

Theo báo cáo của HĐQT LBM thì tổng doanh thu năm 2006 của LBM chỉ có 69,597 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 1,04% so với năm 2005. Lợi nhuận thực hiện cũng chỉ ở mức 3,654 tỷ đồng (vốn điều lệ 20 tỷ đồng), trong đó từ sản xuất kinh doanh là 2,755 tỷ và từ đầu tư tài chính 0,899 tỷ (năm 2006 LBM được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp–PV).

Năm 2006, LBM có các khoản nợ phải thu là 14,611 tỷ, giảm 37,19% trong khi các khoản nợ phải trả lên đến 50,169 tỷ!? Chính HĐQT LBM thừa nhận: “Năm 2006 Cty hoạt động trong tình trạng thiếu vốn, phụ thuộc nguồn vay nợ là chủ yếu do đó tình hình tài chính gặp rất nhiều khó khăn và bị động. Các tỷ số nợ trên tổng tài sản, trên vốn chủ sở hữu đều rất cao, khả năng phát sinh rủi ro là rất lớn”.

Chúng tôi có những tài liệu cho thấy hai xí nghiệp của LBM lỗ trong năm 2006 gần 2,8 tỷ đồng, gần bằng số lợi nhuận mà LBM thu được trong năm 2006. Đó là  Xí nghiệp Xây lắp lỗ 1,42 tỷ đồng, Xí nghiệp cao lanh Hiệp Tiến lỗ 1,253 tỷ đồng.

Trong quý 1/2007, LBM có lợi nhuận chưa đến 200 triệu đồng, một con số quá thấp so với những kỳ vọng về LBM và tốc độ tăng giá cổ phiếu LBM trên sàn.

Nếu so sánh LBM với TCT, BMC thì lợi nhuận của LBM như “chàng lùn so với hai anh khổng lồ”, trong khi hai mã chứng khoán trên có lợi nhuận chóng mặt trong quý 1/ 2007 lần lượt là 11,5 tỷ (BMC) và 10,3 tỷ (TCT)! Cổ tức năm 2006 của LBM cũng không cao bởi chỉ đạt 13% bằng tiền mặt, một trong những Cty có mức cổ tức thấp nhất trên sàn TPHCM.

Người nhà đem bán, người ngoài đi “săn”

Có lẽ “người trong nhà” đã quá rõ LBM làm ăn ra sao nên từ giữa tháng 5/2007 đến nay, một số thành viên HĐQT, và người nhà liên tục bán ra cổ phiếu này. Bán nhiều nhất là ông Lê Đình Hiến - thành viên HĐQT, từ chỗ sở hữu hơn 100.000 cổ phiếu đến nay chỉ còn hơn 60.000 cổ phiếu LBM.

Từ ngày 12/6/2007, ông Hiến đăng ký bán tiếp 20.000 cổ phiếu. Việc LBM luôn có khối lượng dư mua cực lớn ( phiên 28/5 dư mua lên đến gần 1 triệu cổ phiếu) chủ yếu do lượng cổ phần LBM giao dịch quá ít, chỉ 1,6 triệu cổ phiếu nhưng luôn bị “găm” lại và có hiện tượng “làm giá”.

Phiên 12/6 chỉ có hơn 17.000 cổ phiếu LBM bán ra. Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam lắc đầu: “Chẳng thị trường chứng khoán nào  mà nhà đầu tư đổ xô, tranh mua loại cổ phiếu của Cty làm ăn như LBM”.

Tuy nhiên các chuyên gia chứng khoán cho rằng LBM tăng giá còn do nhà đầu tư nghĩ LBM sẽ là BMC thứ hai vì cùng hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Sự thật ra sao?

Ngày 27/4/2007, Chính phủ đồng ý cho LBM tiếp tục khai thác bentonit tại xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng với diện tích khai thác 15,1 ha, trữ lượng khai thác bentonit là 454.000 tấn.

Bentonit là một loại đất sét đặc chủng, được dùng trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng giá trị không thể so sánh với Titan như BMC đang khai thác, hơn nữa với trữ lượng trên thì hàng năm LBM chỉ được khai thác một khối lượng khoảng 30.000 tấn, con số không thể thu về lợi nhuận cực lớn như nhiều nhà đầu tư mong đợi. Có nhà đầu tư đã nhầm bentonit với boxit cũng có trữ lượng khá lớn tại Lâm Đồng.

TS địa chất Bùi Đình Thắng cho biết: “Đừng nhầm bentonit với boxit, giá trị của bentonit thấp hơn nhiều so với boxit”.

Nhận rõ điều này nên HĐQT cũng chỉ dám đề ra mức cổ tức của năm 2007 là 15% và 17%. Sắp tới LBM sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ mức 20 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã yêu cầu Cty phải xây dựng lộ trình tăng vốn phù hợp với yêu cầu về quy mô phát triển sản xuất.

Với tốc độ kinh doanh, mức lợi nhuận như vừa qua và triển vọng sắp tới thì yêu cầu trên hoàn toàn có cơ sở khi LBM làm ăn vẫn còn “đì đẹt”.

Từ những phân tích trên có thể trả lời giá cổ phần của LBM tăng như vừa qua thực hay “ảo”, có bị làm giá, đẩy giá hay không? Giờ đây nhà đầu tư cần câu trả lời là ai làm điều đó và sắp tới sẽ đến lượt loại cổ phiếu nào?

LBM cũng đang trong “tầm ngắm” của UBCKNN

Lãnh đạo TTGDCK TPHCM (HoSTC) cho biết cùng với BMC,TCT,SGH thì LBM đang bị UBCKNN làm rõ nguyên nhân tăng giá bất thường trong thời gian qua.

Sau khi HoSTC gửi báo cáo về tình hình giao dịch của BMC,TCT ngày 11/6, HoSTC sẽ tiếp tục báo cáo về SGH và LBM cho UBCKNN. Hiện thời Trung tâm lưu ký chứng khoán TPHCM , nơi nắm rõ ai giao dịch loại cổ phần nào, bao nhiêu và trong thời gian nào... cũng đang tập hợp số liệu để báo cáo lên UBCKNN về 4 loại cổ phần trên.

Theo một số chuyên gia chứng khoán, nếu các số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán TPHCM được làm rõ và nghiên cứu, phân tích kỹ thì sẽ dễ dàng nhận ra tác giả và động cơ của việc có hay không việc “làm giá” các loại chứng khoán trên.

Nhắn tin để biết thị trường chứng khoán

Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ Hà Thành và báo Tiền phong phối hợp thực hiện dịch vụ nhắn tin qua đầu số 8209 để biết 9 thông tin cơ bản trên thị trường chứng khoán.

9 thông tin đó gồm: 1. Kết quả giao dịch; 2. Chỉ số thị trường TP HCM; 3. Chỉ số thị trường Hà Nội; 4. 5 chứng khoán tăng giá mạnh nhất;5.  5 chứng khoán giảm giá mạnh nhất; 6. 5 chứng khoán giao dịch nhiều nhất; 7. Thống kê giao dịch theo tuần; 8. Thống kê giao dịch theo tháng; 9. Thống kê giao dịch theo năm.

Bạn đọc soạn tin theo cú pháp như hướng dẫn của bảng dưới đây rồi gửi đến số 8209. Mức cước phải trả là 2.000 đồng/bản tin.

'Vạch áo' cổ phiếu LBM ảnh 2

Báo Tiền phong – Cty CPPTCN Hà Thành

MỚI - NÓNG