Thanh Hà, Hải Dương:

Vải mất mùa, được giá

Vải mất mùa, được giá
TP - Ngược với năm ngoái, vải được mùa nhưng rớt giá khiến nhiều người nơi đây thi nhau chặt vải để trồng các loại cây ăn quả khác, năm nay, kịch bản đã đảo chiều.  

Sản lượng vải năm nay tại Thanh Hà chỉ đạt 18-20 nghìn tấn, giảm khoảng 10 nghìn tấn so với năm ngoái. Đi dọc con đường qua các xã Thanh Khê, Thanh Sơn rồi sang khu Hà Đông, Hà Nam, đập vào mắt là những vườn vải xác xơ, quả lèo tèo.

Tần ngần trước những gốc vải chỉ toàn lá, ông Đỗ Văn Điều, chủ nhân của hơn 140 gốc vải ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn) cho biết, năm ngoái, giá vải rẻ quá vì thế năm nay gia đình tôi gần như không chăm sóc vườn vải. Sản lượng theo đó, chỉ đạt khoảng hai tấn, bằng 1/3 năm ngoái. Gia đình ông đã thu hoạch được 1,2 tấn vải.

Theo ông Điều, đầu vụ, các lái buôn về tận vườn thu mua 11.000 đồng/kg. “Biết được giá thế này, năm ngoái tôi đã không chặt đi mấy chục gốc vải vẫn còn cho quả tốt”- ông Điều nói.

Chung cảnh ngộ với ông Điều là gia đình anh Hoàng Văn Tuấn cũng ở thôn Thúy Lâm. Song tổn thất của gia đình anh Tuấn ít hơn vì cả nhà chỉ có hơn 50 gốc vải.

Ông Nguyễn Văn Tuynh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết: “Sản lượng vải năm nay của xã chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái, đạt khoảng một nghìn tấn. Diện tích trồng vải đã giảm 100 ha (năm 2008, có 640 ha nay chỉ còn 540 ha). Năm ngoái, giá vải rẻ như bèo nên khá nhiều hộ thi nhau chặt vải chuyển sang đào ao thả cá hoặc trồng những loại cây ăn quả khác”.

Tại xã Thanh Khê, năm 2009, diện tích trồng vải của xã cũng giảm hơn 31.000 m2 xuống còn 903 m2. Sản lượng vải của Thanh Khê cũng chỉ bằng 1/3 năm ngoái.

Người cười

Trong nỗi buồn của đa số hộ trồng vải năm nay, niềm vui vẫn đến với những hộ biết giữ lại vườn vải, đầu tư công sức chăm bón. Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh vườn vải gần hai mẫu, anh Đinh Văn Mừng (thôn An Lão, xã Thanh Khê) nói: “Năm ngoái, tôi chỉ chặt tỉa một số gốc vải cho năng suất thấp. Nhờ có kỹ thuật và tin vào cây vải nên gia đình vẫn quyết tâm đầu tư, chăm sóc. Vì thế, mùa vải năm nay vẫn đạt bảy đến tám tấn".

Năm nay, tổng sản lượng vải của Thanh Hà ước đạt 18.000 tấn, bằng 60-70 phần trăm so với năm 2008. Giá bán dao động từ 5.500 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg.

Anh Mừng cho biết, hiện, anh đang hãm cho vải chín vào cuối vụ, lúc đó vải sẽ được bán không dưới 12.000đồng/kg. Anh Mừng nhẩm tính, với giá bán như hiện nay (6.000đồng/kg), trừ tiền phân bón, tiền thuốc, công chăm sóc, gia đình anh vẫn bỏ túi được 30 triệu đồng tiền lãi.

Theo lãnh đạo xã Thanh Khê, trong ba thôn của xã, thôn An Lão diện tích trồng vải hầu như còn nguyên vẹn. Ông Đặng Văn Triệu - phó thôn An Lão cho biết: Nhờ được đầu tư, chăm sóc nên vườn vải của thôn năm nay vẫn cho sản lượng khá cao.

Ông Triệu cười: “Riêng nhà tôi có 80 gốc vải, sản lượng ước đạt bốn tấn. Cứ cho giá bán thấp nhất 5.500 đồng/kg, trừ đi ba triệu tiền thuốc cũng cho lãi hơn chục triệu đồng.

Cần lắm một nhà máy

Từ nhiều năm qua, điệp khúc vải được mùa - mất giá, được giá - mất mùa như một đặc trưng của vùng vải Thanh Hà. Ông Nguyễn Văn Tuynh trăn trở, vải chỉ tiêu thụ trong khoảng thời gian rất ngắn nên cần lắm một nhà máy để chế biến vải trên địa bàn. Nếu có nhà máy chế biến vải, chắc chắn khâu sản xuất, bảo quản sẽ tốt hơn và người dân cũng không phải lo đầu ra cho vải.

Theo ông Tuynh, vì chưa có nhà máy, trước tình hình giá vải không ổn định theo các năm, lãnh đạo xã chỉ có thể khuyến cáo bà con tập trung vào khâu kỹ thuật. Đồng thời, chuyển diện tích đất xấu sang trồng các loại cây ăn quả khác phù hợp hơn.

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đỉnh - Phó phòng NN&PTNT Thanh Hà thừa nhận, Huyện đang rất khó khăn để định hướng sản xuất vải cho bà con.

Vải Thanh Hà có thương hiệu từ lâu, nhưng làm thế nào để thương hiệu đó mang lại lợi ích kinh tế cho bà con mới là vấn đề quan trọng. Bài toán được mùa - mất giá hay mất mùa - được giá ở Thanh Hà vẫn chưa có lời giải.  

MỚI - NÓNG