Vải thiều Bắc Giang vẫn lúng túng tìm đầu ra

Vải thiều Bắc Giang vẫn lúng túng tìm đầu ra
Còn khoảng 2 tháng nữa mới tới mùa thu hoạch vải thế nhưng được mùa liệu có được giá vẫn là câu hỏi lớn không chỉ đối với hàng ngàn hộ nông dân trồng vải tỉnh Bắc Giang…
Vải thiều Bắc Giang vẫn lúng túng tìm đầu ra ảnh 1
Một góc vườn vải xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn

Tại hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều vừa qua, Báo cáo của Sở Thương mại&Du lịch Bắc Giang cho biết: Do thời tiết thuận lợi sản lượng vải thiều năm 2005 dự kiến sẽ đạt từ 150-170 nghìn tấn, tăng so với năm 2004 từ 20-40 tấn. Trong đó huyện Lục Ngạn 60-70 nghìn tấn, Lục Nam 30 nghìn tấn, Yên Thế 20 nghìn tấn…và con số này sẽ là một thách thức không nhỏ cho công tác tiêu thụ vải thiều.

Chỉ riêng xã Quý Sơn của huyện Lục Ngạn sản lượng vải thiều tươi toàn xã đã là 12.000 tấn, trong khi Cty thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang-một DN được coi là mạnh trong lĩnh vực chế biến nông sản nói chung và vải thiều đóng hộp nói riêng làm cật lực mới chỉ giải quyết được khoảng 700 tấn! Như vậy mới chỉ tiêu thụ được sản lượng vải của…một làng!

Cộng tất cả các doanh nghiệp chế biến lớn nhỏ toàn tỉnh cũng lo được vải cho khoảng một vài làng nữa, số còn lại đều do tư thương cáng đáng. Những tư thương mang vải thiều đi bán ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hay các cửa khẩu của Lào Cai, Hà Giang đều than chung một câu: Chi phí quá lớn do bị dừng xe quá nhiều. Việc mua bán cũng rất khó khăn vì phải qua nhiều khâu trung gian chặng và luôn bị động, lép vế trước thương nhân của Trung Quốc!

Một thương nhân ở huyện Yên Thế cho biết: “Nếu thấy ta mang nhiều hàng, thương nhân Trung Quốc sẽ thống nhất ép giá. Hôm qua mua 2 đồng thì hôm nay chỉ mua 1 đồng rưỡi, và còn nói nhiều sẽ hạ xuống… 1 đồng. Với họ, mười người như một, không ai mua hơn. Trong khi đó nếu mang vải tươi bằng xe lạnh hay ướp đá mà phải nằm đó một ngày thì ít ai chịu nổi vì chi phí quá tốn kém. Vải khô cũng vậy, không thể thi gan với họ được.Thế là mạnh ai nấy chạy… Một người phá giá cả làng chịu thiệt.

Chính ngạch-đường còn xa?

Mới đây, lần đầu tiên một đoàn công tác của huyện Hà Khẩu-tỉnh Vân Nam (TQ) đã đến thăm Bắc Giang và bàn về vấn đề tiêu thụ vải thiều, do ông Hầu Khai Hoa, Phó bí thư thường trực Huyện uỷ dẫn đầu cùng ông Diêu Nhạn Hoa-Phó Chủ tịch UBND huyện và đại diện một số ngành như thương mại, hải quan, kiểm dịch… của huyện Hà Khẩu.

Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và đi thăm vùng vải thiều Lục Ngạn. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hầu Khai Hoa cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh để ngay sau chuyến đi này chúng tôi sẽ tuyên truyền quảng bá về vùng vải thiều của Bắc Giang đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, thương nhân hai bên gặp gỡ trao đổi làm ăn…

Có thể nói 2 bên đã đi đến nhất trí, về phía huyện Hà Khẩu chúng tôi rất hoan nghênh việc xuất khẩu vải thiều của các bạn và mong được thường xuyên phối hợp trao đổi”.

Tuy nhiên, ông Hầu Khai Hoa cũng nói rằng chỉ có thể hỗ trợ, tạo điều kiện thông thoáng trong quá trình kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện về bến bãi… nhưng “không thể tác động tới từng thương nhân được”.

Vậy thì mùa vải năm nay việc tiêu thụ vải thiều sẽ thuận lợi hơn? Ông Dương Trọng Tài -  Giám đốc Sở Thương mại & Du lịch Bắc Giang nhận định: “Về cơ bản sẽ thuận lợi hơn, nhất là trong khâu vận chuyển, tiếp cận thị trường nhưng giá cả thế nào có bị ép không thì khó có thể nói trước…”. 

“Nhà” nào trong “4 nhà” sẽ đứng ra đầu tư tìm hiểu một cách đầy đủ và tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại để ký kết hợp đồng tiêu thụ? Làm thể nào để xuất khẩu chính ngạch, muốn làm được việc này các DN phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về số lượng, chất lượng, những vấn đề về thương hiệu, nhãn mác và vệ sinh thực phẩm???

Tất cả những vấn đề đó vẫn chưa được xác định cụ thể. Vì vậy, sẽ là không sớm để lo cho mùa vải năm nay và cả những mùa sau.   

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.