Vài dự báo về giá USD

Vài dự báo về giá USD
Giá USD đã tăng khá mạnh trong 2 năm 2008 và 2009, sang đến tháng 1-2010 lại giảm nhẹ. Sắp tới, diễn biến của giá USD sẽ như thế nào?
Vài dự báo về giá USD ảnh 1

Giá USD ở Việt Nam biến động như sau: Năm 2001 tăng 3,8%, năm 2002 tăng 2,1%, năm 2003 tăng 2,2%, năm 2004 tăng 0,4%, năm 2005 tăng 0,9%, năm 2006 tăng 1,05, năm 2007 giảm 0,03%, năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,70%.

Như vậy, giá USD đã tăng thấp trong nhiều năm trước, nhưng đã tăng mạnh trong năm 2008 và năm 2009.

Bước sang năm 2010, giá USD tháng 1 đã giảm nhẹ (giảm 0,11%) so với tháng 12-2009. Có thể dự báo gì về giá USD trong thời gian tới? 

Nguồn cung USD có thể sẽ tăng khá từ các nguồn: Từ nước ngoài, lượng USD vào nước ta sẽ tăng khá so với năm trước, kể cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp (thực hiện tháng 1 tăng 33,3%); Vốn hỗ trợ phát triển chính thức do năm trước cam kết, ký kết đạt mức kỷ lục; Vốn đầu tư gián tiếp khi các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trên thị trường chứng khoán; Nguồn kiều hối từ Việt kiều và từ lao động làm việc ở nước ngoài gia tăng; Nguồn thu từ khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng trở lại (tháng 1 tăng 20,4%); Kim ngạch xuất khẩu chuyển từ tăng trưởng âm sang tăng trưởng dương…Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng, sức ép tâm lý găm giữ USD do lo sợ rủi ro tỷ giá giảm, chênh lệch giữa giá thị trường tự do với giá niêm yết trên thị trường chính thức đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu cũng tăng lên do nhập khẩu gia tăng (tháng 1 tăng 86,6%), để bù đắp cán cân thanh toán, kiềm chế nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối… Giá USD trên thị trường thế giới có xu hướng tăng lên; USD-Index đã tăng từ dưới 75 điểm phần trăm cách đây một vài tháng lên gần 80 điểm phần trăm hiện nay và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu tới đây Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục hiện nay.

Từ cuối năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp “vượt trước ngăn chặn” với nhiều động thái để giảm sức ép tăng tỷ giá, như: Tăng tỷ giá liên ngân hàng đồng thời với việc giảm biên độ giao dịch từ ±5% xuống còn ±3%; Yêu cầu các tập đoàn và tổng công ty lớn của nhà nước bán lại ngoại tệ cho ngân hàng; Bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại có trạng thái dưới 5%; Hạ 3% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi USD…

Nói như vậy nhưng tỷ giá vẫn có xu hướng tăng để kiềm chế nhập siêu. Điều này cũng sẽ bị nhiều nhà đầu cơ lợi dụng tung tin đồn, tạo ra tâm lý tăng tỷ giá nhằm kiếm lời. Người dân không nên lao vào mua/bán theo các tin đồn này mà bị thiệt hại. Người viết dự đoán, xu hướng cả năm, tốc độ tăng tỷ giá VNĐ/USD cộng với lãi suất tiền gửi USD cũng sẽ thấp hơn lãi suất tiền gửi VNĐ - khác với năm trước- để nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Theo Đào Lâm
Thanh Niên

MỚI - NÓNG