Ngư dân Đà Nẵng trong cơn bão giá:

Vẫn căng buồm ra khơi kiếm tiền tỷ

Vẫn căng buồm ra khơi kiếm tiền tỷ
TP - Trong khi ngư dân cả nước, từ Cà Mau đến Khánh Hoà, từ Phú Yên đến Bình Định... lao đao vì giá nhiên liệu tăng phi mã; hàng trăm tàu thuyền nằm bờ dù đói thì ở Đà Nẵng, bà con xứ biển vẫn nhộn nhịp chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt xa bờ táo bạo.

Những chuyến đi có thể đưa về từ đại dương tiền triệu, thậm chí là tiền tỷ. Câu chuyện dưới đây rất có thể là mô hình học tập cho ngư dân cả nước trong cơn bão giá.

Vẫn căng buồm ra khơi kiếm tiền tỷ ảnh 1
Anh Ngô Văn Hiền cúng lễ khởi hành cho 4 tàu của tổ 8

Cái khó ló cái khôn

Hôm qua, Chủ nhật 9/3 được xem là một ngày đẹp để nhiều ngư dân hạ thủy xuất hành ra khơi. Đúng 8 giờ sáng, tàu ĐNa 90189 của thuyền trưởng Phạm Văn Xinh nổ máy rời cảng cá Thuận Phước.

Xin nói thêm, sau một thời gian dài “đại phẫu”, đây là chuyến thứ 5 con tàu “anh hùng trong bão Chanchu” ĐNa 90189 ra khơi. Riêng năm mới 2008 thì đây là chuyến đầu tiên, vì thế 29 thuyền viên trên tàu rất hứng khởi. Trong tình cảnh hiện nay, họ hứng khởi vì rất nhiều nhẽ.

Bác Võ Mừng, một thuyền viên lâu năm trên tàu ĐNa 90189, băn khoăn: “Phải liều lắm mới đi chuyến ni đấy chú ạ. 29 anh em trên tàu mỗi người đóng góp một ít, cộng thêm tiền vốn của anh Xinh bỏ ra, vị chi là 250 triệu đồng”. Theo bác Mừng thì trong những chuyến đi trước đây, tất cả chi phí từ xăng dầu, đá, thức ăn... tổng cộng 200 triệu đồng.

Nhưng sau khi giá dầu tăng, chi phí đã ngốn thêm 50 triệu nữa. Trái với sự băn khoăn của bác Mừng, nhiều thuyền viên còn lại tấp nập, bận rộn hoàn tất những khâu cuối cùng để khởi hành. Phan Thanh Tú – thuyền viên trẻ quê Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam), hồ hởi: “Chuyến ni ra biển phải 2 tháng mới về bởi câu được mực đã có tàu khác đem về rồi”.

Thì ra, ngư dân Đà Nẵng đã có một “chiêu độc” để giảm thiểu chi phí nhiên liệu: Họ liên kết với nhau thành từng tổ đội, cùng khởi hành và sau 1 tháng, khi tất cả no nê hải sản họ cử một tàu đại diện đem sản phẩm về. Những tàu còn lại tiếp tục đánh bắt, chờ tàu kia mang nhiên liệu, thức ăn, đá lạnh và rượu ra khơi.

Tàu anh Xinh tổ trưởng tổ 7, cùng 4 tàu khác xuất hành ngày Chủ nhật. Theo phân công thì chuyến đầu tiên này, tàu ĐNa 90339 sẽ xung phong đem về toàn bộ sản phẩm của 4 tàu kia đánh bắt được. “Là phân công thế, nhưng cũng còn tuỳ cơ ứng biến.

Làm ăn kiểu này là phải cực kỳ đoàn kết mới mong thành công”. Thuyền trưởng Xinh nói. 8 giờ đúng, thuyền trưởng Xinh nói vội với tôi, trước khi nổ máy: “Làm ăn trên biển càng ngày càng khó, là phóng viên, nói vậy chắc chú hiểu. Vì thế không còn cách nào khác là phải cùng nhau liên hợp lại, vừa vững tâm trên ngư trường, vừa tiết kiệm được chi phí. Âu cũng là cái khó ló cái khôn”.

Đúng giờ tốt, cảng cá Thuận Phước nhộn nhịp hẳn lên, tiếng máy tàu nổ xình xịch, tiếng hò reo vui vẻ của anh em thuyền viên... báo hiệu một chuyến đi bội thu tiền triệu, tiền tỷ. Tôi chẳng thấy sự lo lắng nào trên khuôn mặt họ, dù giá dầu vẫn ở ngưỡng cao chót vót.

Quảng Ngãi: Mỗi ngày khai thác 150 tấn cá cơm

Vẫn căng buồm ra khơi kiếm tiền tỷ ảnh 2

Liên tiếp từ ngày 6/3 đến nay, ngư dân xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trúng đậm mùa cá cơm với sản lượng 150 tấn/ngày, thậm chí có ngày ngư dân đánh bắt được 250 tấn.

Được mùa, cá lại được giá hơn những năm trước, trung bình từ 4.000 – 5.000 đồng/kg tuỳ loại nên mỗi phiên biển ngư dân thu được 5 - 10 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Cá biệt có thuyền đánh bắt mỗi đêm được 500 giỏ cá, tương đương 15 – 17 tấn, bán được 60-70 triệu đồng. Tính chung trong 4 ngày qua, ngư dân Tịnh Kỳ thu nhập được 2,4 tỷ đồng.

Được mùa, không chỉ trên 1.000 lao động trực tiếp dưới thuyền có thu nhập mà hàng nghìn lao động phụ trên bờ, chủ yếu là phụ nữ cũng có việc làm, thu nhập từ 50 - 100 nghìn đồng/ngày nhờ khuân và muối cá cho các đại lý. 

Tự cứu mình trước

Sáng sớm, vợ chồng ngư dân Ngô Văn Hiền – Trần Thị Hương (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cùng 16 thuyền viên trên 2 tàu ĐNa 90179 và ĐNa 90234 tất bật chuẩn bị cúng khởi hành. Anh Hiền là điển hình nông dân sản xuất giỏi của TP Đà Nẵng năm 2007.

Khác với những lần cúng trước, cỗ bàn mà vợ chồng anh bày trên thuyền lần này rất hoành tráng, từ gà, vịt đến bia 333 và mấy chai rượu ngoại. Anh Hiền là tổ trưởng tổ 8, ngoài 2 tàu anh còn có tàu ĐNa 90259 của anh Nguyễn Thanh Hùng và ĐNa 90226 của Nguyễn Văn Khai. Tổ 8 đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, chuyên giã cào, cào tróc, lưới cản.

Cúng xong, 9 giờ cả đội mới xuất hành, anh Hiền hứng khởi: “Tui đọc báo, xem ti vi thấy ngư dân khắp nơi để tàu nằm bờ vì giá nhiên liệu cao. Vừa rồi, anh em thuyền viên cũng hoang mang lắm nhưng tui động viên, mình cứ mạnh dạn mà làm còn hơn là chết đói. Quan điểm của tui là cứu mình trước khi chờ Nhà nước hỗ trợ. Cái gì cũng chờ thì làm ăn kinh tế làm gì nữa”.

Theo tính toán của chị Hương – người giữ tay hòm chìa khóa của 2 tàu thì trước đây, chi phí cả 2 tàu là 200 triệu đồng, nhưng giờ đây là 260 triệu đồng.

Trong đó, riêng tiền dầu đã là 180 triệu đồng. “Bỏ ra một lần cả 260 triệu đồng, ớn lắm chú à. Nhưng đã có sự thống nhất, đoàn kết trong tổ đội nên chúng tôi yên tâm”.

Theo dự kiến tàu ĐNa 90259 sẽ đại diện cho 3 tàu trong tổ 8, đưa sản phẩm về trong vòng 20 ngày nữa. Vừa cúng xong, bật nắp chai Johny Walker, anh Hiền hồ hởi mời chúng tôi thưởng thức ly rượu khởi hành. Thuyền trưởng Đinh Văn Hoàng oang oang: “Bão biển còn không sợ thì bọn tui đây ngán gì bão giá”.

Vẫn căng buồm ra khơi kiếm tiền tỷ ảnh 3
Tàu trong tổ đội liên kết chặt chẽ với nhau (trong ảnh là tàu ĐNa 90189 và tàu ĐNa 90339 chuẩn bị khởi hành sáng Chủ nhật, 9/3)

Buổi chiều, đem không khí nhộn nhịp ở những cảng cá, âu thuyền kể lại,  anh Ngô Văn Quang – cán bộ thuỷ sản (Sở TSNL Đà Nẵng), bổ sung: “Hiện nay ngư dân Đà Nẵng đã có 95 tổ đội, riêng đánh bắt xa bờ là 60 tổ đội, mỗi tổ có 4 – 10 tàu thuyền, chiếm 95% trong tổng số tàu đánh bắt xa bờ.

Chúng tôi nắm danh sách quản lý đầy đủ, nhưng đó là thời gian đầu. Còn bây giờ thì chúng tôi bàn giao sự quản lý cụ thể cho từng tổ trưởng. Họ tự họp bàn phương án tác chiến làm ăn, hỗ trợ cho nhau”.

Anh Quang phấn khởi cho biết thêm: Hôm trước, các cán bộ thuỷ sản đến gặp từng ngư dân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ trong cơn bão giá. Nói chung họ vẫn trụ được. Không đến nỗi bi thảm như những nơi khác. Dù vậy chúng tôi vẫn lập kế hoạch, sắp tới trình lên UBND thành phố, đề nghị  hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm thuyền viên và thân tàu”.

MỚI - NÓNG