Vẫn chỉ doanh nghiệp hưởng lợi nhiều

Vẫn chỉ doanh nghiệp hưởng lợi nhiều
TP - Ngày 29-6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ đã trình Chính phủ phương án hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa hè thu, nhằm đảm bảo người nông dân có lợi 30%. Dự kiến, Chính phủ quyết định đầu tuần tới.

> Nông dân bảo lỗ, VFA nói có lời

ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt
ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Ông Ngọc cho biết, sản lượng lúa hàng hóa vụ hè thu khoảng 2,9-3 triệu tấn. Trên sơ sở tính toán lượng tồn kho trong doanh nghiệp (DN), lượng gạo xuất khẩu để đưa ra lượng tạm trữ là 1 triệu tấn quy gạo. Lượng tạm trữ này dùng để quay vòng cho xuất khẩu, đồng thời đảm bảo được mục tiêu đẩy giá lúa bình quân cho nông dân.

DN tạm trữ phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu, Nhà nước chi hỗ trợ tạm trữ, còn DN phải lo phần tiêu thụ. Dự kiến thời gian thu mua trong 1,5 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 7.

Sẽ hỗ trợ trực tiếp dân

Thưa ông, việc thu mua lúa tạm trữ giá lúa được tính thế nào?

Đến thời điểm này chưa có quyết định chính thức về mức thu mua. Tuy nhiên, qua tổng hợp từ giá thành sản xuất lúa hè thu của các địa phương, thấp cũng 3.550 đồng/kg, còn tỉnh cao cũng 4.300-4.500 đồng/kg, như vậy, bình quân sẽ vào khoảng 3.900-4.000 đồng/kg. Để nông dân có lãi khoảng 30%, giá thu mua khoảng 5.200 đồng.

Hiện nay, giá bán trên thị trường đang rất thấp, không được như giá trên, do vậy việc thu mua tạm trữ rất cần thiết, để nâng giá bán bình quân lên, nhất là thời kỳ thu hoạch rộ.

Vụ hè thu này, cách thu mua thế nào để người nông dân có lãi 30%?

Hiện nay, hình thức tốt nhất làm sao mức hỗ trợ đó đến tay người nông dân mới có ý nghĩa. Nhưng vấn đề ở chỗ, phần lớn nông dân ĐBSCL không có kho tạm trữ.

Vụ hè thu thu hoạch vào lúc chạy lũ, việc tạm trữ lúa ở nhà dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, họ bán tươi ngay tại ruộng, vừa có tiền để trả tiền ứng vốn của các đại lý, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả nợ ngân hàng, vừa có tiền để làm vụ mới.

Mặt khác, nhiều người không có ruộng, một bộ phận nông dân phải đi thuê đất làm ruộng, nên họ cần bán lúa ngay thay vì tạm trữ. Nên phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân hiện không khả thi.

Để được hỗ trợ trực tiếp trong việc mua tạm trữ lúa, nông dân phải làm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn
Để được hỗ trợ trực tiếp trong việc mua tạm trữ lúa, nông dân phải làm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Không có cách nào khác, để nông dân thực sự được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước?

Muốn hỗ trợ nông dân phải thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Tức là hộ nông dân gửi thóc trong kho của DN thu mua từ CĐML, giá lúc nào thuận thì họ bán.

Nhà nước sẽ hỗ trợ nông dân qua lượng hàng mà họ gửi kho, vừa quản được lượng thóc, mà dân có kho để chứa, và ngân hàng cũng có cơ sở để thanh toán phần hỗ trợ cho nông dân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho dân, nhưng ở những vùng cánh đồng mẫu lớn, có kho tạm trữ của DN.

Cụ thể, vụ hè thu tới có thể triển khai ở An Giang, thông qua CĐML của Cty Bảo vệ thực vật An Giang vì có kho lớn, gắn với cánh đồng mẫu lớn. Từ đây, sẽ hoàn thiện dần về cơ chế chính sách, hỗ trợ cho nông dân. Về lâu dài, nhất định chắc chắn phải đi theo hướng này để người nông dân được hưởng.

Phải có giá sàn

Có nghĩa là, hiện nay, cách làm vẫn là hỗ trợ DN thu mua, và họ mới là người hưởng lợi?

Đúng là báo chí nói, dân nói, chúng tôi cũng nói như vậy. DN được hưởng lợi, nhưng có điều, tại sao DN được hưởng mà chúng ta vẫn làm? Vì khi họ thu mua, sẽ nâng giá lúa lên được cho nông dân vào thời điểm dân cần bán thóc gạo.

Cái này chính cũng là một mục tiêu của tạm trữ. Còn lợi nhuận, đúng là DN giàu rồi, tạm trữ, lúc nào giá có lợi lại bán ra, thì họ được thu lời cao.

Ở đây, phải nói rằng, cái này cũng có lợi cho cả người nông dân, nhưng họ chưa được lợi trọn vẹn. Còn nếu chuyển hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thì chưa làm ngay được, vì chưa có đủ kho, nên cần phải có thời gian nhất định.

Việc thu mua còn phải qua thương lái, liệu có đảm bảo nông dân lãi 30%?

Đây là câu chuyện thực tế, vì DN không thể mua trực tiếp của người dân do không có hệ thống chân rết ở dưới.

Ở ĐBSCL,việc thu mua lúa hầu hết qua hệ thống thương lái, họ là một hoặc một nhóm hộ gia đình, họ có ghe, nhà trữ, đến tận ruộng để mua.

Còn nếu không qua cầu thương lái, chỉ có khắc phục qua mô hình CĐML, DN đem xe tận nơi thu mua, mang về tận kho để sấy. Mặt khác, cần phải có giá sàn để tránh việc thương lái ép giá.

Tuy nhiên, lâu nay giá sàn ở mình chưa phổ biến, giá sàn phải trên cơ sở giá thành, cùng với giá ấn định của Nhà nước. Cái này mình chưa làm được như Thái Lan. Tuy nhiên, chắc chắn để tiến tới sản xuất hàng hóa ổn định, bền vững, cần phải tính đến việc làm giá sàn.

Cảm ơn ông.

Bộ NN&PTNT cho biết, nguồn cung gạo thời gian tới khoảng 4,7 triệu tấn, trong đó lượng gạo hè - thu phục vụ xuất khẩu khoảng 2,9 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đến 20-6 là gần 5,2 triệu tấn, trong đó, lượng hàng đã giao khoảng 2,95 triệu tấn, đạt gần 1,34 tỷ USD.

Hiện, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.850 - 4.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.050-5.100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.650- 6.750 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.500- 6.600 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Phạm Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG