Vẫn còn 20 triệu dân chưa tham gia BHYT

Đến thời điểm này, vẫn còn 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT.
Đến thời điểm này, vẫn còn 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT.
TP - Tính đến nay, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) và 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có khoảng trên 75 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 20 triệu người dân chưa có BHYT.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh cho biết, theo kế hoạch phát triển BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHYT, đồng thời với việc mở rộng mạng lưới đại lý thu.

Được biết, hiện cơ quan BHXH đã ký với gần 9.900 tổ chức gồm 33.000 nhân viên tại 28.000 điểm thu trải khắp cả nước để người dân dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng đã chủ động đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền để cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng, về quyền lợi của mỗi người khi tham gia BHYT.

Theo bà Minh, tính đến nay, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT và 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có khoảng trên 75 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, con số những người chưa tham gia BHYT còn rất cao, vào khoảng 20 triệu người dân, gần bằng 1/5 dân số của cả nước. “Đây được coi là một tồn tại khó khắc phục của ngành BHYT để tiến tới mục tiêu 100% người dân có BHYT”, bà Minh nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, BHYT là một chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Sau 25 năm thực hiện, BHYT đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng.

Cụ thể, về tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng. Năm 2016 đã có 81,8% dân số tham gia BHYT, vượt 2,8 % so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội tham gia BHYT như người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo.

Về chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà Nước, Bộ Y tế đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các đề án giảm tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án y tế cơ sở, các quy định về cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo môi trường y tế xanh - sạch - đẹp đã và đang phát huy hiệu quả; bước đầu giải quyết tình trạng quá tải, chất lượng khám chữa bệnh cải thiện rõ rệt, quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ trên cơ sở định hướng tài chính y tế chuyển dần từ cơ chế cấp ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh sang việc hỗ trợ người dân tham gia BHYT đã góp phần bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 41% năm 2016. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1/7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt. Việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả.

Việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT của một số DN chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm, gây bức xúc dư luận.

Theo Thủ tướng, để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp tăng độ bao phủ BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 trên 90% dân số nước ta tham gia BHYT.

Thủ tướng khẳng định, mặc dù có rất nhiều nỗ lực, nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống. “Vì mục tiêu sức khỏe cho mọi người và xây dựng một cộng đồng an toàn về thể chất và tinh thần, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; với tinh thần tương thân, tương ái - chung tay vì sức khỏe cộng đồng, tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình tham gia hỗ trợ, mua và tặng thẻ BHYT cho những người dân đang còn gặp khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật. Đây cũng là sự thể hiện truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam”, Thủ tướng nói.

“Tính đến nay, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT và 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có khoảng trên 75 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, con số những người chưa tham gia BHYT còn rất cao, vào khoảng 20 triệu người dân, gần bằng 1/5 dân số của cả nước. Đây được coi là một tồn tại khó khắc phục của ngành BHYT để tiến tới mục tiêu 100% người dân có BHYT”.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam

MỚI - NÓNG