Vấn đề “Tam nông” nhìn từ năm Sửu

Vấn đề “Tam nông” nhìn từ năm Sửu
TP - Hơn 50 năm gắn bó với nông nghiệp và nông thôn, ông Lê Huy Ngọ đã trao đổi với Tiền Phong về “tam nông” mà không ít điều ông chỉ có thể nói ra khi không còn đương chức.
Vấn đề “Tam nông” nhìn từ năm Sửu ảnh 1
Ông Lê Huy Ngọ. Ảnh: Thanh Sơn.

“Năm mới là năm Sửu - năm con  trâu. Trâu chậm nhưng mà khỏe và chắc chắn!” - Ông cựu “Bộ trưởng nông dân” hài hước.

Phác họa bức tranh nông thôn mới

Nghị quyết mới của Đảng  về “tam nông” lấy nông dân là trung tâm, vậy phải hiểu như thế nào, thưa ông?

Nghị quyết mới của Đảng về “tam nông” là để  giải quyết đồng bộ cả 3 vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ mới.

Cư dân sống ở nông thôn, không phải tất cả, nhưng chủ yếu là nông dân. Vì thế, nâng cao vai trò, vị trí của nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì chủ yếu phải là nâng cao đời sống và vị thế của nông dân đối với sự nghiệp to lớn đó. Hiện 70-80% thu nhập của  nông dân vẫn là từ nông nghiệp, nên muốn cải thiện đời sống nông dân thì phải xây dựng được nông thôn mới.

Nông thôn bây giờ đã có doanh nghiệp, có dịch vụ của Nhà nước nhưng mọi việc vẫn phải thông qua nông dân mới tổ chức thực hiện được. Tôi thấy, việc xây dựng nông thôn mới là căn bản.

Ông hình dung nông thôn mới sẽ như thế nào và điểm khác biệt căn bản với nông thôn hiện nay là gì?

Điểm khác biệt chính là ở chỗ: Nông thôn hiện nay cơ bản vẫn là sản xuất thuần nông, thu nhập của nông dân từ nông nghiệp là chính; còn nông thôn mới có cả nông nghiệp, công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ,  tạo ra cơ cấu kinh tế mới tạo  nguồn thu nhập mới ở nông thôn.

Làm sao giữ nông dân trẻ và trí thức ở lại ruộng đồng?

Vậy ai sẽ là lực lượng chính thực hiện việc xây dựng nông thôn mới, thưa ông?

Nhiệm vụ đặt lên vai nông dân, đặc biệt ở lớp thanh niên dưới 35 tuổi, là rất nặng nề và không ai có thể thay thế được họ trong việc này. Nhưng, hiện nay phần lớn lớp thanh niên ở nông thôn đã ra thành phố và vào các khu công nghiệp làm ăn. 

Ở Thái Bình, nông dân họ nói vui với tôi rằng, mã số của làng quê họ giờ là 0.0-1.6-8.3! Có nghĩa là: Làng không có thanh niên, không có trí thức, chỉ có toàn trẻ em, phụ nữ và người già! Đi về các xã nghèo sẽ thấy khoảng cách rất xa so với thành thị. Cơ sở hạ tầng nông thôn quá lạc hậu, văn hóa lại chưa được quan tâm nhiều.

Ở quê tôi, một làng chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân mà ông trưởng thôn giữ. Đêm đến mọi người tụ tập lại chờ xem tivi, nhưng điện đóm lại rất phập phù. Dịch vụ thì hầu như chẳng có gì, muốn mua một mét dây điện cũng phải đi 7 cây số lên chợ huyện! Vì thế, người dân nông thôn thấy cuộc sống của họ đơn điệu, buồn tẻ.

Đó là chưa nói người nông dân ra thành phố mưu sinh, sau đó tiền đem về chẳng được bao nhiêu nhưng lại rước cái nghiện ngập, bệnh tật về làng xóm. Có làng phải lập hẳn “trại AIDS” cắt cử người trông coi đùm bọc lẫn nhau. Đau lắm!

Vì thế, tạo việc làm cho nông dân ngay tại quê hương của họ, nâng cao thu nhập bằng cả nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiêp, ngành nghề, dịch vụ... chính là tạo ra nguồn thu nhập mới. Nếu nông dân làm việc ở làng quê mình mà thu nhập đôi ba triệu đồng một tháng là  sống được lắm rồi!

Ông vừa nói một thực tế là những nông dân trẻ có tri thức-lực lượng quyết định sự thành công  của chính sách “tam nông”- hầu hết lại đang ở  thành phố để mưu sinh, vậy làm thế nào để kéo họ trở về với ruộng đồng?

Nông thôn mà tạo được công việc mới, có công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ  mang lại thu nhập và đời sống, văn hóa khá lên thì sẽ có thanh niên trí thức, có kỹ sư nông nghiệp về. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ở quy mô trang trại đòi hỏi thanh niên phải giỏi.

Thực tế đã có hộ nông dân đủ tiền thuê 3 đến 4 kỹ sư nông nghiệp về làm cho mình. Nhưng nếu chỉ có 1 mẫu ruộng thì kỹ sư nông nghiệp ở đó chẳng để làm gì, và cũng chẳng có tiền để mà thuê!

Nhưng muốn sản xuất lớn, cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật trong nông nghiệp thì phải tích tụ ruộng đất, song luật pháp vẫn còn có điều hạn chế, thưa ông?

Vấn đề “Tam nông” nhìn từ năm Sửu ảnh 2Mỗi bước đi lên của công nghiệp hóa cần một bước đi lên của nông thôn, phải song hành chứ không phải công nghiệp hóa đô thị xong mới quay lại phát triển nông thôn! Vấn đề “Tam nông” nhìn từ năm Sửu ảnh 3

Hiện nay, bình quân ruộng đất một hộ ở đồng bằng sông Hồng chỉ có 3.600m² và một hộ ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 5.000m². Với quy mô đất đai như vậy thì khó mà thực hiện được việc chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại tạo ra giá trị cao, để nông dân thoát nghèo bền vững. Vậy chính sách đất đai phải làm sao?

Tất nhiên, cùng với quá trình tích tụ ruộng đất, chúng ta phải xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa lớn mà có thể thực hiện bằng cách “dồn điền đổi thửa”; các hộ nông dân có thể liên kết lại dồn ghép ruộng kiểu “liền vùng, cùng trà, khác chủ” để áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa nông nghiệp.

Theo tôi, tích tụ ruộng đất là một quy luật, nhưng nó phải có quá trình, mất rất nhiều thời gian. Đừng nghĩ là cứ cho tích tụ thì nông dân sẽ ồ ạt bán ruộng. Không phải vậy. Chỉ khi hết đường xoay xở thì họ mới tính đến chuyện bán ruộng.

Từ bao đời nay, đất đai vừa là nhu cầu căn bản, vừa là khát vọng lớn nhất của người nông dân. Ruộng đất luôn là cuộc sống của cả gia đình họ.

Kích cầu phải giúp nông dân chống đỡ tốt hơn

Để chống đỡ với tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới và suy thoái kinh tế trong nước, nông dân cần được hỗ trợ thế nào, thưa ông?

Thời kinh tế suy thoái này, nhiều nhu cầu giảm nhưng bữa ăn hàng ngày của xã hội thì không giảm được. Vì thế, kích cầu cần hướng đến nông dân. Cần lắm bàn tay hỗ trợ của Nhà nước vì nông dân đều là người sản xuất nhỏ, trong thương trường họ dễ bị tổn thương nhất.

Khả năng chịu đựng, chống đỡ trong khủng hoảng của họ yếu hơn doanh nghiệp rất nhiều. Tôi nghĩ, gói kích cầu của Chính phủ lần này, không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của Nhà nước với nông dân- những người làm ra lương thực, thực phẩm  cho 85 triệu dân.

Phải làm sao tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và giảm giá phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc; trợ giống, tiêu thụ nông sản... để hỗ trợ nông dân giảm bớt tổn thất.

Với doanh nghiệp thì vài chục tỷ đồng chưa phải đã lớn. Nhưng với nông dân, chỉ dăm ba triệu đồng một hộ (bằng một con bò) là đã lớn lắm rồi. Mà đây lại là đối tượng chính của vấn đề an sinh xã hội.

Theo ông, hiện nay đối với nông dân điều gì là quan trọng nhất?

Số một vẫn là tạo ra động lực mới ở nông thôn thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước, qua cơ chế chính sách đầu tư, kích cầu cho nông nghiệp, nông thôn. Hiện thu nhập của nông dân còn thấp. Họ mong đợi sau khi Trung ương có Nghị quyết về “tam nông”, có cách giải quyết đồng thời việc nâng cao thu nhập và  cải thiện đời sống cả vật chất lẫn tinh thần.

Vậy ông tin tưởng thế nào vào sự thành công của chính sách “tam nông”?

Đặt người nông dân vào vai trò trung tâm, Đảng, Nhà nước phải bồi dưỡng, đào tạo để người nông dân trở thành chủ thể thực hiện những vấn đề của họ trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chứ không phải đứng bên lề hay lẽo đẽo theo sau! Lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, lấy thành thị  thúc đẩy nông thôn, cùng với ý chí chính trị quyết liệt, tình cảm sâu sắc đối với nông dân thì tôi chắc chắn chính sách “tam nông” sẽ thành công.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG