“Văn hóa” làng trên cao tốc tỷ đô- Bài cuối: Thích thì dừng, ưng thì vượt

Hiện trường một vụ tai nạn trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Bảo An
Hiện trường một vụ tai nạn trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Bảo An
TP - Tốc độ càng cao, tai nạn càng thảm khốc nhưng nhiều tài xế trên đường cao tốc vẫn giữ thói quen cũ, thậm chí vô tư vào ra như đường làng. Trong khi đó, chương trình tuyên truyền tổng thể về an toàn giao thông trên đường cao tốc vẫn ở dạng dự thảo...

Đâm thẳng xe máy vào người để lên cao tốc     

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là một trong những đường cao tốc có lượng xe máy lọt vào cao tốc cùng tham gia giao thông với ô tô vào loại nhiều nhất hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1, đơn vị quản lý tuyến này cho hay: “Toàn tuyến dài 63 km, có 6 nút giao cho xe ra vào. Cục cùng đơn vị bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến (Cty Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 - Cty 238) bố trí mỗi nút giao 2 người, làm ba ca để thực hiện mỗi nhiệm vụ ngăn xe máy không đi vào. Tuy nhiên, một số xe máy vẫn lọt qua”.

Quan sát tại nút giao trước Nhà máy Sam Sung trên tuyến này thấy, phương án để vào cao tốc của công nhân là bám đuôi ô tô để đi lên cao tốc. Ông Lại Huy Xuân, Phó Giám đốc Cty 238, lắc đầu: “Nhiều trường hợp anh em phân luồng ra chặn bị xe máy đâm thẳng vào. Báo với CSGT cũng không thể xử lý ngay vì nếu chặn, công nhân cho xe quay đầu, tháo chạy không biết chuyện gì xảy ra”. Ông Xuân cho hay, hệ thống đường dành cho xe máy vẫn giữ nguyên như khi chưa có cao tốc, ngoài ra còn có hệ thống đường gom 2 bên phục vụ dân sinh. 

Theo ông Xuân, từ năm 2014 đến nay, trên tuyến này có ba vụ tai nạn liên quan đến xe máy. Trong đó, một trường hợp người đi xe máy bị tai nạn chết tại Thái Nguyên năm 2014; một trường hợp vừa xảy ra vào cuối tháng 8 tại Sóc Sơn (Hà Nội)...

Tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai, qua xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ ngày 23/8/2015, xe Audi Q7 đã đâm vào xe bốn chỗ chạy cùng chiều Lào Cai - Hà Nội, khiến xe này đã đâm vào hai mẹ con đang đứng trên đường bắt xe. Vụ tai nạn khiến người mẹ tử vong tại chỗ và con gái bị thương nặng. Vụ tai nạn đang được điều tra nhưng đây cũng là lời cảnh báo về hiện tượng những người và phương tiện không được phép đi lên cao tốc nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Tay lái “lụa” làng lên cao tốc

Chiều 7/11, phóng viên Tiền Phong trực tiếp ở hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa phận xã Gia Khánh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Chiếc xe tải gặp nạn mang BKS 89C-077.44, chở thức ăn chăn nuôi, chạy hướng Hà Nội - Lào Cai.

Theo lời kể của tài xế, trước khi tai nạn xảy ra có một chiếc taxi xin vượt phải. Chưa kịp nhường đường, chiếc taxi đã cố tình vượt lên. Tình huống bất ngờ, tài xế phải đánh lái sang trái; cùng lúc, có một xe phía sau vọt tới buộc tài xế xe tải phải đạp mạnh phanh. Cú phanh bất ngờ khiến chiếc xe tải chở hàng nặng lật chắn ngang đường. Toàn bộ hàng hoá đổ tràn ra; rất may tài xế chỉ bị xây xước nhẹ, được người dân đập cửa kính đưa ra ngoài. Vụ tai nạn làm tuyến đường này ùn tắc gần 2 giờ.

Đại diện Cty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M, quản lý tuyến này) cho hay, đây là một trong những vụ tai nạn do xe không đi đúng làn đường, không giữ đúng khoảng cách và vượt trái quy định phổ biến trên nhiều tuyến cao tốc hiện nay.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ cao tốc cho rằng, vi phạm đáng lo ngại nhất là: Tình trạng dừng đỗ xe tùy tiện ở làn dừng khẩn cấp để bắt khách, đi vệ sinh, thậm chí chỉ để ngắm cảnh; trẻ con chạy ra xung quanh hết sức nguy hiểm. Ông Tuấn lý giải: Làn dừng khẩn cấp chỉ dùng trong trường hợp người điều khiển hoặc xe gặp sự cố (trường hợp này phải dùng biển cảnh báo nguy hiểm, hầu hết các xe đều được trang bị). Nếu khách muốn dừng phải đến các trạm dừng nghỉ dọc tuyến. “Quy định là vậy nhưng hầu hết các bác tài đang nghĩ làn ngoài cùng của cao tốc được dừng đỗ trong mọi trường hợp”- ông Tuấn nói. 

Bao giờ có “văn hóa cao tốc”?

Nhằm cải thiện tình hình mất an toàn giao thông trên cao tốc, Bộ GTVT đang xây dựng Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT trên đường cao tốc và xây dựng mô hình tuyên truyền ATGT theo hình thức xã hội hóa”.

Chỉ đạo đề án, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu đưa ra giải pháp tăng cường hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua phân tích rõ các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng, tâm lý của người lái xe. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng, cần tổ chức các khóa tập huấn, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc; xây dựng giải pháp theo phân cấp từ Trung ương đến địa phương trong đó gắn liền với các đơn vị liên quan trực tiếp.

Bảo An

MỚI - NÓNG