Vẫn khó vay vốn phát triển cá tra

Vẫn khó vay vốn phát triển cá tra
TP - Sau những tuyên bố của ngân hàng về hạ lãi suất, ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh cá tra, người dân và doanh nghiệp đang cần 20.000 tỷ đồng để phát triển cá tra, song khó tiếp cận vốn.

> BIDV hỗ trợ Công ty Bình An tái cơ cấu

Chế biến cá tra tại ĐBSCL Ảnh: S.N
Chế biến cá tra tại ĐBSCL Ảnh: S.N.

Không còn nguồn lực tái tạo

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp), (có nhà máy chế biến 250 tấn nguyên liệu/ngày và vùng nuôi 312 ha), cho biết, cùng số tiền đầu tư trước đây nuôi được 2 ha, nay chỉ nuôi được 1 ha.

Cho nên, ngân hàng cho vay theo hạn mức cũ, doanh nghiệp đã đuối sức, lại còn rút vốn thì rất khó khăn. Ông Hùng khẩn thiết: “Xin ngân hàng đừng dùng số liệu cũ đánh giá tình hình hiện nay. Bây giờ, sản xuất và chế biến xuất khẩu cá tra không còn nguồn lực tái tạo”.

Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, TGĐ Cty CP Thuận An (An Giang), cho biết hạn mức tín dụng trước đây mua 100 tấn cá nguyên liệu thì nay không mua được số lượng đó nữa, “hậu quả là phải kéo dài thời gian chế biến thực hiện lô hàng, nên đề nghị ngân hàng định giá tài sản thực tế để tăng hạn mức cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp”.

Cty TNHH thủy sản Biển Đông ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (Cần Thơ), có vùng nuôi 120 ha và nhà máy chế biến gần 1.700 công nhân, 5 tháng qua xuất được 16 triệu USD.

GĐ Ngô Quang Trường cho biết, đối tác nhập khẩu thường chốt giá 6 tháng và 3 tháng, nên chế biến phải chủ động nguyên liệu mới thực hiện được hợp đồng. Theo ông Trường, đến ngày 26-5, doanh nghiệp vẫn chưa vay được vốn với lãi suất 15%.

Ông Doãn Tới, TGĐ Cty CP Nam Việt, có nhà máy chế biến ở Thốt Nốt (Cần Thơ) công suất 200 tấn nguyên liệu/ngày, 5 tháng qua xuất được 12,5 triệu USD. “Hiện chúng tôi gặp khó về nguyên liệu, vì không có vốn mở rộng vùng nuôi mà mua của nông dân thì trước đây có thể nợ 3-4 tháng, nay phải có tiền mặt”, ông Tới nói.

Phía người nuôi cá, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải lại than thở: “HTX chúng tôi không vay được vốn ngân hàng”. Ông Hải kể, giấy phép kinh doanh của HTX có vốn pháp định 5,7 tỷ đồng, nhưng không thể vay vốn ngân hàng vì không có tài sản
thế chấp.

Co cụm và nguy cơ sụp đổ

Ông Nguyễn Văn Hùng, PGĐ Cty CP thủy sản Nha Trang ở Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết đang gác lại kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, mở rộng vùng nuôi.

“Hạn mức tín dụng vẫn còn nhưng không dám vay vì lãi cao”, ông Hùng nói “cố gắng lắm, nhà máy chế biến cũng chỉ hoạt động được 80% công suất thiết kế 160 tấn/ngày”.

Cty CP Thuận An cũng đang phải dừng kế hoạch phát triển sản phẩm giá trị gia tăng vì thiếu vốn. “Nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra có nguy cơ sụp đổ nếu việc ưu tiên vay vốn và hạ lãi suất chỉ nằm trên giấy”, ông Lê Tùng Huy, GĐ Cty TNHH Vĩnh Nguyên ở khu công nghiệp Trà Nóc 2 (Cần Thơ) nói.

Còn ông Doãn Tới đưa ra con số: “Khoảng 2/3 số doanh nghiệp đang lao đao vì thiếu nguyên liệu, 1/3 còn lại thì ngắc ngoải do cạnh tranh bán dưới giá thành. Nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra đang cần khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng vốn ngân hàng vẫn nhỏ giọt”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG