Vẫn mù mờ trước ngưỡng cửa WTO

Vẫn mù mờ trước ngưỡng cửa WTO
VN đang bước những bước cuối trên con đường gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thế nhưng 97% doanh nghiệp vẫn biết ít và rất ít về các thông tin cần thiết.
Vẫn mù mờ trước ngưỡng cửa WTO ảnh 1
Hàng dệt may xuất khẩu gặp nhiều thách thức khi VN gia nhập WTO

Con số này do Cục Thống kê TP.HCM đưa ra tại cuộc tọa đàm chủ đề “Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO” do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức sáng qua tại Hà Nội.

Nước đã đến chân...

Diễn giả chính tại cuộc tọa đàm, bà Phạm Chi Lan - thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - cũng cho rằng mặc dù đa số DN VN mong muốn và ủng hộ VN sớm gia nhập WTO, nhưng hầu hết các DN không nắm rõ những vấn đề DN mình sẽ gặp phải khi VN tham gia WTO.

Các thông tin mà DN cần biết bao gồm lộ trình thực hiện chính sách thuế của chính phủ đối với AFTA, WTO; lộ trình thực hiện công tác cải cách hành chính; lộ trình thực hiện thủ tục hải quan, các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trước và sau khi gia nhập AFTA, WTO; những định hướng phát triển của Chính phủ đối với từng ngành nghề khi VN gia nhập AFTA, WTO. Đây là những thông tin quan trọng để DN có thể chủ động xây dựng chiến lược cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

“Chưa nói đến sân chơi WTO, ngay cả đến các cam kết trong khuôn khổ AFTA mà VN sắp phải thực hiện từ đầu năm 2006 tới, nhiều DN còn mù mờ. Thách thức lớn nhất đối với các DN VN chính là sức ép về thời gian” - bà Chi Lan nói. Theo bà Chi Lan, sức ép này đè nặng lên cả DN nhà nước (DNNN) và các DN tư nhân (DNTN).

Đối với các DNNN quen được ưu đãi, việc gia nhập WTO sẽ khiến các DN này phải đối mặt với áp lực cạnh tranh nhanh và mạnh hơn từ các tập đoàn, công ty quốc tế có tiềm lực mạnh. Còn các DNTN sẽ phải chịu sức ép nhanh hơn bởi phần lớn các lĩnh vực VN mở cửa sớm hoặc các mặt hàng thực hiện cắt giảm thuế ngay là địa bàn hoạt động chủ yếu của khu vực tư nhân.

Trong khi một số lĩnh vực do các DNNN nắm giữ chủ yếu có lộ trình mở cửa dần dần, các DNTN sẽ phải đối mặt ngay với sức ép cạnh tranh quốc tế ngay sau khi VN trở thành thành viên của WTO.

Vẫn chưa chịu nhảy

Trong khi việc gia nhập WTO chỉ còn tính bằng từng tháng, có một thực tế là cả cơ quan quản lý nhà nước và các DN vẫn đang mày mò học kinh nghiệm gia nhập WTO.

Bà Chi Lan nói: “Về phần các DN, họ phải chủ động tự học, tự tìm kiếm thông tin vì đây là vấn đề sống còn liên quan đến sinh mạng của DN. Sự hiểu biết của DN đối với WTO giúp tạo sự đồng thuận trong quá trình đàm phán. Đáng tiếc là đến giờ, theo các DN thì sự hiểu biết về WTO của họ chủ yếu thông qua báo chí, mà cũng khá sơ sài”.

Một trong những kinh nghiệm lớn của Trung Quốc (TQ) là việc xây dựng chiến lược từng ngành hàng để đối phó với sức ép cạnh tranh quốc tế khi TQ mở cửa thị trường. Theo đại sứ VN tại TQ Trần Văn Luật, TQ rất thành công trong việc xây dựng và thực hiện việc mô hình hóa từng mặt hàng để giúp DN đứng vững sau khi TQ gia nhập WTO.

“Từ rất lâu trước khi vào WTO, TQ đã xác định tám vấn đề sống còn đối với DN, trong đó vấn đề mô hình hóa từng ngành hàng, thay đổi công nghệ, đào tạo cán bộ quản lý được đặt lên hàng đầu” - đại sứ Luật cho biết. Đề cập vấn đề này, bà Chi Lan cho rằng việc xây dựng chiến lược từng ngành hàng của VN đã được thực hiện nhưng sơ sài và triển khai chậm.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh khi cánh cửa AFTA, WTO đã cận kề, lời khuyên của bà Chi Lan đối với các DN là phải xây dựng ngay chiến lược kinh doanh của riêng mình gắn với sự phát triển về cơ cấu của toàn ngành, áp dụng các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh. “Không giải quyết tốt những yếu kém trong nội bộ thì không thể tận dụng tốt các cơ hội và thuận lợi từ bên ngoài” - bà Chi Lan kết luận.           

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.