Vàng có phải là kênh đầu tư an toàn nhất?

Vàng có phải là kênh đầu tư an toàn nhất?
Thời gian qua, giá vàng diễn biến theo xu hướng đi lên, giới đầu tư quốc tế đã đẩy mạnh chuyển vốn sang thị trường vàng này để tìm kiếm sự an toàn trước viễn cảnh bất ổn của kinh tế thế giới.
Vàng có phải là kênh đầu tư an toàn nhất? ảnh 1

Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi, tại sao vàng lại có thể trở thành một mặt hàng “nóng” tới vậy, và liệu đây có thực sự là một kênh đầu tư an toàn?

“Ảo giác tập thể”

Không ai có thể phủ nhận chuyện giá vàng tăng phần nhiều là kết quả của hoạt động đầu cơ.

Từ đầu năm tới ngày 16/3 vừa qua, lượng vàng do quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust của Mỹ đã tăng thêm 37%, lên mức kỷ lục 1.069,05 tấn. Quỹ này đã vượt Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ để trở thành tổ chức nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới. Nhu cầu vàng của thế giới trong năm nay đang trên đà tăng mạnh.

Tại sao điều này có thể xảy ra? Với những mức giá vàng cao như hiện nay, kim loại này đang mất đi tính hữu ích thực tế. Không có sự lý giải mang tính lý thuyết nào về việc vì sao người ta muốn đầu tư vào vàng. Vàng có giá trị chỉ bởi vì người ta tin rằng đó là một thứ giá trị. Niềm tin này có thể được xem là một dạng “ảo giác tập thể”.

Giống như vàng, có một thứ khác mà con người sử dụng hàng ngày không hề mang một giá trị cố hữu nào. Đó là tiền mặt.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa vàng và tiền mặt. Không giống như đối với đồng USD, Chính phủ Mỹ không thể tác động nhiều tới giá trị của vàng tính bằng các đồng tiền khác. Chính phủ Mỹ chỉ có thể ảnh hưởng tới giá vàng tính bằng đồng USD thông qua tác động lên đồng USD.

Tỷ giá các đồng tiền lý giải tại sao hiện giá vàng tính bằng đồng USD tới thời điểm này vẫn chưa có được một bước nhảy vượt qua mức đỉnh cao lịch sử thiết lập cách đây một năm. Đó là, trong giai đoạn đi xuống của kinh tế thế giới hiện nay, đồng USD đã lên giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác của thế giới. Điều này cản trở sự gia tăng của giá vàng nếu tính theo đồng tiền này.

Nếu không tính theo USD, giá vàng đã tăng mạnh hơn nhiều. Trên thực tế, giá vàng tính theo các đồng tiền Euro, Bảng Anh và Đô la Canada đã thiết lập những kỷ lục mọi thời đại mới trong năm 2009 này.

Nguồn cung vàng cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới giá. Nhiều nhà đầu tư giữ vàng đã đối mặt với tình trạng thua lỗ ở những kênh đầu tư khác và  thực tế này đôi khi buộc họ phải bán vàng ra để có tiền mặt bù lỗ.

Bên cạnh đó, do tác động của suy thoái kinh tế, không ít người dân thường cũng phải bán đi đồ trang sức của mình, khiến nguồn cung vàng trên thị trường mở tăng lên, cản trở sự đi lên của giá vàng.

Động cơ của việc tích vàng

Tương tự như những gì diễn ra trên thị trường vàng, sự sụt giảm của giá dầu thô từ mùa hè năm ngoái một phần bắt nguồn từ việc các nhà đầu cơ thị trường quốc tế bán dầu ra để có tiền mặt bù lỗ.

Tuy nhiên, giá vàng đã không trượt dốc thảm hại như giá dầu. Bởi thế, có thể nhận thấy rõ ràng rằng, những dòng tiền mới đã đổ vào thị trường vàng. Song song với hoạt động bán vàng ra bù lỗ, nhiều nhà đầu tư cũng bán ra chứng khoán và các loại tài sản khác đã chuyển vốn vào thị trường vàng.

Bởi thế, do tác động trái chiều từ sự lên giá của đồng USD và khủng hoảng tài chính tiếp diễn, giá vàng tính bằng đồng USD bị “treo” trong khoảng 900 - 940 USD/oz hiện nay.

Hoạt động đầu cơ vàng vẫn diễn ra mạnh mẽ, nhưng đầu cơ trên thị trường vàng không hề giống với hoạt động đầu cơ ở các thị trường khác. Khác với dầu lửa, vàng là mặt hàng không “tiêu” đi được. Thậm chí cả khi được sử dụng để tạo thành các sản phẩm khác như trang sức, vàng vẫn còn đó và vẫn duy trì được giá trị của nó. Nói cách khác, tổng cung vàng trên thế giới luôn tăng cùng với hoạt động khai thác ở các mỏ vàng.

Động cơ cho phần lớn hoạt động đầu cơ là sự ham muốn lợi nhuận. Tuy nhiên, dường như, mối quan tâm tới vàng trong thời gian gần đây bắt nguồn từ mong muốn lưu giữ giá trị. Xét cho cùng, giá vàng tính theo đồng USD chưa đem lại mức lợi nhuận cao.

Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ tiếp tục thực hiện các giải pháp tốn kém, nhưng bị nhiều người xem là chưa đủ, để khắc phục khủng hoảng, các nhà đầu tư lo ngại điều tồi tệ nhất đối với tương lai của nền kinh tế Mỹ và tương lai của đồng USD còn chưa xảy tới.

Bởi thế, giá vàng trở thành một thước đo niềm tin đối với cách thức giải quyết khủng hoảng của Chính phủ Mỹ nói riêng, và chính phủ các quốc gia khác nói chung.

Theo truyền thống, vàng là một kênh lưu trữ giá trị, đặc biệt khi công dân của một quốc gia nào đó không tin tưởng ở chính phủ của họ, cả về mặt kinh tế cũng như chính trị. Ở châu Á, từ lâu, những người dân thường đã hay tích trữ vàng trang sức. Xu thế này tới nay đã lan sang các nhà đầu tư chuyên nghiệp - những người không giữ vàng trang sức, nhưng giữ vàng miếng và các hợp đồng phái sinh có liên quan tới vàng.

Bởi thế, vàng có thể được xem là một loại tiền, chỉ có điều “đồng tiền” này không ràng buộc trực tiếp với nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Khi suy thoái toàn cầu có khả năng tiếp tục xói mòn sức mua của các đồng tiền mạnh, vàng được xem là an toàn hơn tiền mặt trước những bất ổn về kinh tế và chính trị.

Vậy đây có phải là lúc đổ hết tiền ra mua vàng?

Điều này tùy thuộc vào mức độ ưa thích rủi ro của mỗi người. Lượng vàng khổng lồ đang được đầu cơ và tính biến động cao của thị trường ngoại hối sẽ còn khiến giá vàng thời gian tới, như thường lệ, lên xuống thất thường và khó đoán biết. Giống như bất kỳ thị trường tài chính nào, thị trường vàng rất dễ bị thao túng.

Theo Kiều Oanh 
Vneconomy/ Time

MỚI - NÓNG