Vàng đấu thầu 'ế' có thể do cung, cầu bão hòa

Vàng đấu thầu 'ế' có thể do cung, cầu bão hòa
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, bão hoà cung - cầu vàng có thể là một trong những nguyên nhân tồn dư 3.700 lượng trong phiên đấu thầu ngày 25/10

>Vàng quốc tế tăng 3,7% trong tuần
>Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng lớn ngoại tệ
>Ngân hàng đấu thầu tiếp 15.000 lượng vàng

Phiên đấu thầu vàng miếng thứ 67, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ bán được 11.300 lượng vàng trong tổng số 15.000 lượng vàng miếng được chào thầu
Phiên đấu thầu vàng miếng thứ 67, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ bán được 11.300 lượng vàng trong tổng số 15.000 lượng vàng miếng được chào thầu. Ảnh: Anh Quân (VnExpress)

Với mức tồn dư 3.700 lượng, phiên đấu thầu ngày 25/10 đã trở thành một trong những phiên “ế ẩm” nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đấu thầu vàng miếng vào cuối tháng 3 trở lại đây.

Chỉ có 11.300 lượng vàng bán được trong tổng số 15.000 lượng chào bán tại phiên đấu thầu vàng miếng thứ 67 ngày 25/10.

Theo nhận định từ một số nhà kinh doanh vàng mà VnEconomy ghi nhận, điều này có thể do thị trường đã bão hoà cung - cầu.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 26/10, trả lời câu hỏi của báo giới về việc đấu thầu vàng bị “ế”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho rằng bão hoà cung - cầu có thể là một trong những nguyên nhân.

Cho dù, theo ông, để đánh giá một cách chính xác hơn thì phải thêm một vài phiên nữa. Bên cạnh đó, còn phải dựa vào giá cả của thế giới.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có nên tiếp tục cơ chế quản lý vàng như hiện nay, hay là trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường như trước đây, ông Tú nói, câu chuyện này vừa qua cũng đã được một số chuyên gia đặt ra.

Tuy nhiên, theo Phó thống đốc, cơ chế quản lý vàng đang áp dụng hiện nay đã được Chính phủ giao cho các cơ quan nghiên cứu trong nhiều năm. Cùng với đó, đã có nhiều năm thị trường vàng, đặc biệt là vàng miếng quản lý chưa được chặt chẽ. Thế nhưng, sau khi Nghị định 24/CP ra đời, việc quản lý thị trường vàng đã có những bước tiến "đáng kể và đạt hiệu quả cao".

“Hiện chúng ta mới chỉ mới bước đầu áp dụng cơ chế này để quản lý thị trường vàng, mà lại đặt vấn đề trả lại như ngày xưa thì rõ ràng chưa phải thời điểm. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là phải tiếp tục cơ chế quản lý vàng làm sao cho hiệu quả nhất”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.

Theo VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG