Vàng lên, lên... Lên đến đâu?

Vàng lên, lên... Lên đến đâu?
Lo sợ những ngày khó khăn trước mắt, lại một lần nữa người ta đổ xô nhau tìm trú ẩn ở một thứ kim loại là... vàng. Câu chuyện hấp dẫn dài... 1.000 năm.

Vào đầu năm 2008, vàng đã tìm lại được ánh hào quang rực rỡ của mình. Nó đang đi về hướng 1.000 USD/ounce, cao gấp bốn lần so với năm 2001! Pindare, đại thi hào Hi Lạp thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, gọi kim loại quí này là “con trai của thần Zeus mà không mối mọt hay gỉ sét nào gặm nhấm được nó, nhưng nó lại có quyền năng tối thượng hớp mất linh hồn của con người”. Chẳng có gì chính xác hơn nữa. Sức hấp dẫn của vàng ngày nay giống như một ngọn lửa hồng.

Bởi vì cơn sốt vàng có vẻ như chỉ bị hạn chế trong vòng 20 năm, ngoại trừ có lẽ ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi những cô gái trẻ vẫn triền miên chờ đợi của hồi môn. Chính vào thời kỳ khủng hoảng tài chính và sụp đổ chứng khoán tại Paris, New York và Thượng Hải này, người ta mới lại đổ xô nhau đi mua vàng để cất trong két sắt.

Sức hấp dẫn của vàng là không thể kháng cự nổi, ngay từ thuở xa xưa. Bất chấp mọi cảnh báo của các nhà hiền triết qua hàng bao thế kỷ, con người vẫn cứ giả điếc làm ngơ.

Moise chẳng phải đã đập vỡ tượng bò vàng mà anh em của mình tôn thờ thay cho Thượng đế đó sao? Nhà tiên tri Mohammed từng cảnh báo: Kẻ nào uống trong chén vàng sẽ phải uống lửa địa ngục! Không tác dụng gì cả. Bất chấp tấm gương “tày đình” của hoàng đế La Mã Crassus bị đối phương đổ vàng đang nấu chảy vào trong cổ họng, bỏ mạng.

Kể cả câu chuyện nhà thám hiểm Tây Ban Nha Franciso Pizarro bị giết chết giữa đống vàng cướp được của người da đỏ. Cũng bất kể đến cái chết của Atahualpa do bị quân lính Tây Ban Nha động lòng tham trước đống vàng của Cuzco. Và hàng ngàn kẻ khác bỏ mạng trong cơn sốt đào vàng tại California hay Klondike, Canada. Vàng sống chung với tử thần, vì nó kéo theo hàng loạt tai ương thảm khốc, chiến tranh và phản trắc.

Nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes gọi vàng là “thánh tích man rợ”, và nhà đạo đức học người Pháp Philippe Chalmin xem vàng là một “chọn lựa ngu ngốc”. Bất chấp, vàng vẫn tỏa sáng liên tục, giống như ánh rực rỡ của những thỏi vàng sáng lóe lên từ các căn phòng tăm tối tại kho dự trữ Fort Knox của Chính phủ Hoa Kỳ. Tại sao?

Các nhà khảo cổ nói rằng đó là kim loại đầu tiên con người biết được và sử dụng trước thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Đặc tính hóa học khiến nó hoàn toàn chịu đựng được hầu hết các loại axit. Vàng rất mềm, 31,1gam của một ounce có thể kéo ra thành một sợi chỉ dài 80km. Có thể làm từ vàng những vật dụng cực kỳ tinh xảo trong một thể tích tối thiểu. Vàng phổ biến trong hai lĩnh vực: làm đồ trang sức và đồng tiền trao đổi.

Với vẻ lộng lẫy bên ngoài, vàng được dành cho thần linh, nhưng cũng cho những con người tự xem là thần linh. Xác chết của pharaon Toutankhamon đã được đắp bằng một mặt nạ vàng nặng 11kg.

Vua Ba Tư Darius I làm cho mình một chiếc bồn tắm bằng vàng và luôn mang theo mỗi khi ra trận. Ptolémée II cho dựng một dương vật mạ vàng, cao 60m! Tượng đức Phật khổng lồ tại Bangkok đúc bằng vàng nặng 5,5 tấn. Nhà thờ Sainte-Sophie tại Constantinople được trang trí bằng 10 tấn vàng!

Chính vua xứ Lydie Crésus (khoảng năm 560 trước Công nguyên) là người đầu tiên sử dụng vàng như đồng tiền trao đổi. Đất nước ông có rất nhiều vàng và khai thác bằng hai cách vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đãi vàng trên con sông Pactole bằng những chiếc rây và khai thác vàng trong những ngọn núi ở Lydie.

Đó là một hỗn hợp vàng và bạc mà ông có khả năng tách rời ra để làm hai loại tiền khác nhau. Một đồng vàng tương đương 13,3 đồng bạc. Qui định này tồn tại suốt 25 thế kỷ, cho đến khi vàng thay thế hoàn toàn bạc để làm tiêu chuẩn của đồng tiền vào thế kỷ 19.

Bởi vì, mặc cho sự nổi tiếng của những đồng dinar, peso và louis vàng, bạc lại phổ biến hơn, nó mới là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, sau đồng drachme Hi Lạp và đôla Mỹ. Triều đại của vàng chỉ kéo dài từ 1821-1971, khi tổng thống Richard Nixon tách rời đồng đôla ra khỏi kho vàng bảo chứng và kết thúc cái mà người gọi là gold exchange standard.

Cho đến năm 1492, lúc mà Christophe Colomb khám phá châu Mỹ, vàng được thu gom từng muỗng nhỏ. Các pharaon mua vàng tại Nubie (nay là Sudan), người Hi Lạp mua ở Tiểu Á và Pont-Euxin (biển Đen).

Các vương quốc Ả Rập tổ chức buôn lậu vàng, đổi lấy muối, băng qua sa mạc Sahara, đến các vùng Tây Phi, nhất là vùng sau này trở thành xứ Ghana. Nhưng số lượng vàng tìm thấy mỗi năm không quá vài chục ký. Đến nỗi nhiều thiên tài lỗi lạc như Isaac Newton cũng bỏ rất nhiều thời gian vào thuật luyện kim đan để biến chì thành vàng. Và đã thất bại hoàn toàn...

Với Colomb, sản xuất vàng đã có qui mô khác. Lệnh của vua Ferdinand cho vị đô đốc hải quân này thật tàn khốc: “Hãy mang về cho ta con người nếu có thể, nhưng bằng bất cứ giá nào cũng phải mang về cho ta vàng!”.

Nhà khám phá châu Mỹ đã tìm được rất ít, nhưng những kẻ theo sau ông ta đã trúng mánh đậm, từ eo Panama cho đến Peru. Hàng trăm ngàn người da đỏ chết vì súng đạn hay tù đày khổ sai, và kho báu đức hoàng thượng theo Kitô giáo của họ luôn đầy ắp. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng được ăn theo khi buôn bán với họ.

Phải chờ đến thế kỷ 19 để chuyển từ thời đại cướp bóc sang công nghiệp hóa. Ngày 24-1-1848, một kỹ sư xây dựng xưởng cưa cho Sutter ở California báo tin đã tìm thấy một cục vàng trong miếng đất của ông ta. Tin tức lan nhanh như thùng thuốc súng đang cháy. Cả vùng California trở thành nơi tìm vàng.

Người ta bỏ thành phố chạy về nông thôn, xới tung mảnh đất của Sutter. Và Sutter đã phải chết trong nghèo đói. Những cơn sốt vàng khác diễn ra tại châu Úc, gần Wellington (1851), tại Nam Phi, nhờ một căn nhà xây gần mạch vàng ở Johannesburg (1886), tại Canada, trong vùng Klondike, nơi những người câu cá mòi tìm thấy một mỏ vàng (1897).

Chính nhờ John Steward MacArthur, một nhà hóa học tại Glasgow trong những năm 1880 mà người ta biết được qui trình dùng cyanure để rửa quặng trong lòng đất (ở độ sâu 3.300m, nhiệt độ 500C), và lấy được chỉ... vài chục gam vàng/tấn! Dù rất độc hại, “qui trình McArthur” cho phép thu được hàng tấn vàng, từ Úc đến Siberia, từ Colorado đến Nouvelle-Galles-du-Sud.

Năm 1500, trữ lượng vàng tích tụ từ thời tiền sử của cả thế giới mới được khoảng 160 tấn. Năm 1908, nó lên đến 20.000 tấn. Và năm 2007, gần 160.000 tấn. Năm 1850, cả thế giới sản xuất được 275 tấn/năm. Năm 2007, được 2.500 tấn.

Thỉnh thoảng, các chính phủ lại chơi trò bịp bợm với đồng tiền của mình, bằng cách xén bớt số lượng vàng dự trữ hoặc tăng lượng tiền giấy phát hành. Và khi người dân biết được, họ nhanh chóng tẩy chay các tín phiếu do Cách mạng Pháp phát hành.

Để bảo đảm niềm tin vào đồng sterling, Anh phát minh ra cách thức bảo chứng bằng vàng khi hóa giá 4,25 sterling tương đương 1 ounce vàng, vào thế kỷ 19 và đầu 20.

Hoa Kỳ bắt chước với 35 đôla tương đương 1 ounce vàng, kéo dài đến năm 1971. Từ đó, vàng dao động từ 300-400 USD và lên đến đỉnh điểm 850 USD vào năm 1980, sau ngày Liên Xô đổ quân vào Afghanistan.

Sau năm 1995, vàng hạ xuống chỉ còn 254 USD. Không phải là do vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử khai thác mỏ vàng tại Busang, trên đảo Bornéo (Indonesia) mà do những yếu tố khác nghiêm trọng hơn nhiều. Nhưng cũng cần nhắc lại vụ án này.

Tại Busang, có hai nhà địa chất người Canada phát hiện một mỏ vàng rất hứa hẹn. Người ta nhao nhao lên. Gia đình Tổng thống Suharto cũng nhào vô, cổ phiếu nhiều công ty tăng vọt.

Cho đến khi Freeport McMoran, phụ trách khai thác, quyết định đánh giá trữ lượng vàng thật sự vào năm 1997. Sau nhiều biến cố, trong đó có cái chết của một nhà địa chất, bị xô ngã từ trên máy bay trực thăng xuống đất, người ta mới điều tra ráo riết và phát hiện các mẫu vàng được quảng cáo đều là dỏm, được pha chế từ vàng mua trên thị trường!

5.000 cổ đông, hầu hết là người Canada bị mất 5 tỉ USD trong vụ lừa đảo kinh hoàng này. Kẻ chủ mưu được phóng thích vào tháng 7-2007 vì thiếu chứng cứ. Và giờ hắn đang sống phây phây tại quần đảo Caiman. Dù bị mất giá, vàng vẫn còn có thể gây tội ác!

Thật ra vàng sụt giá thê thảm là vì những nguyên do sâu xa hơn. Trong khoảng 1980-2000, tình trạng lạm phát gần như biến mất đã kéo vàng trở lại vai trò bảo hộ để chống hội chứng mất khả năng mua.

Đồng đôla đã mạnh lên và do vậy vàng biến đổi ngược chiều với đồng tiền Mỹ. Sau cùng, các ngân hàng trung ương bán kho vàng dự trữ, theo gương của Ngân hàng Anh. Năm 1999 họ bán ra thị trường 415 tấn vàng trong số 715 tấn vàng của mình. Vàng trở nên “rẻ bèo”.

Nhiều người lợi dụng thời cơ này để vơ vét, chiếm đoạt phân nửa sản lượng thế giới. Từ năm 2001, người Ấn Độ vốn là trùm dự trữ, đã thu mua 15.000 tấn vàng làm đồ trang sức và cất trong két sắt. Người Pháp 5.000 tấn.

Nhu cầu này lại tăng lên gấp đôi trong vòng 10 năm. Và đến lúc đảo chiều. Các ngân hàng trung ương ngưng bán vàng ra. Thợ mỏ giảm sản lượng cho dù Trung Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất vàng hàng đầu thế giới vào đầu năm 2008. Giá khai thác mỏ tăng gấp ba lần trong năm năm. Giá vàng tăng lại.

“Từ tháng 1-2008, cầu vượt quá cung tại thị trường Paris”. Giám đốc chi nhánh CPR Or của Ngân hàng Tín dụng nông nghiệp Guy Cottin giải thích:

“Bất ổn của thị trường chứng khoán, sụt giảm giá của đồng đôla và lạm phát quay trở lại đã làm cho các thế hệ mới phải suy nghĩ lại thứ kim loại này. Họ đã từng quay lưng với vàng.

Từ đó tại Pháp, mỗi ngày người ta mua bán với nhau 300kg vàng. Những tay lão luyện trong ngành bảo hiểm và các quĩ đầu cơ bảo nhau nên tìm cách khác để bảo vệ tài sản, bên ngoài quĩ đạo tiền tệ.

Tất cả họ đã tìm lại được câu ngạn ngữ của nhiều thế kỷ trước như “Vàng lúc nào cũng có giá”, hay “Vàng chẳng bao giờ nói dối”!

Trong tiềm thức của con người hiện đại, hai luồng tư tưởng đang xung đột nhau. Một là lý trí: trước tiên, phải kiếm chác thêm nhiều hơn nữa. Trên quan điểm này, vàng không phải là chọn lựa lý tưởng.

Bởi vì khác với một hoạt động, hay một ép buộc, nó không mang lại gì cả. Người ta khuyên khách hàng chú ý đến những cách đầu tư lý thú hơn. 1 USD đầu tư vào vàng năm 1969 chỉ mang lại 20 USD năm 2007. Nhưng lại đến 50 USD nếu đặt nó vào chỉ số chứng khoán Mỹ Standard & Poor's 500!

Luồng tư tưởng thứ hai là tìm kiếm an toàn, một khuynh hướng có từ hàng ngàn năm qua, xuất phát từ suy nghĩ của loài bò sát. Khuynh hướng bất biến này đã được giáo sư Larry Summers, thư ký riêng của Bill Clinton, nghiên cứu khi ông lập mô hình giá vàng từ năm 1730-1985. Ông ta đã đi đến kết luận:

“Con người sẽ quay về với vàng khi các hoạt động khác (cổ phiếu, bất động sản, tiền tệ....) trở nên kém hấp dẫn và nguy hiểm hơn, vào các thời kỳ biến động và nhất là khi có chiến tranh”.

Đó chính là tâm trạng của con người hiện đại. Nó là hệ quả do sự thả nổi của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, những sai lầm chiến lược của ông G.W.Bush, khủng bố và khí hậu toàn cầu nóng lên... gây ra.

Giá vàng sẽ lên đến đâu? 1.000 USD, nếu tin vào “định luật kinh tế” cho rằng: giá vàng sẽ đạt quân bình ở mức cao gấp 10 lần giá một thùng dầu thô. Thế mà giá dầu đã có lúc lên đến 100 USD/thùng vào tháng 12-2007, khi bà Benazir Bhutto bị ám sát... Nếu không tin, bạn có thể đọc lại Cẩm nang hướng dẫn của người phụ nữ khôn ngoan vào thời chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản (1928).

Tác giả George Bernard Shaw khi đó đã viết một câu vẫn còn nguyên giá trị thời sự: “Bạn phải chọn lựa giữa đặt niềm tin của mình vào sự ổn định tự nhiên của vàng hay vào sự lương thiện và thông minh của các thành viên chính phủ. Ngoại trừ bạn có cảm tình đặc biệt với các quí vị này, còn không thì tôi khuyên bạn nên tin vào vàng khi nào hệ thống tư bản còn hoạt động”. Vàng không bao giờ mất đi, dù rằng nó chẳng giúp được gì ở thế giới bên kia.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG