Vắng như Chùa Bà Đanh

Vắng như Chùa Bà Đanh
TP - Tròn một tháng sau ngày khai trương, sàn giao dịch của Trung tâm giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) vẫn vắng tanh, không bóng người đến mua bán.

Mặc dù mùa thu hoạch cà phê vừa kết thúc và nông dân đang cần bán sản phẩm để mua sắm Tết.

Vắng như Chùa Bà Đanh ảnh 1
Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột vắng hoe

Tọa giữa lòng vương quốc cà phê, với những sản phẩm nổi tiếng thế giới về chất lượng, Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột hầu như chưa thực hiện được phiên giao dịch nào kể từ ngày khai trương, bất chấp hàng tấn cà phê ùn ùn tỏa đi khắp nơi mỗi ngày.

Gần trăm tỷ đồng xây trung tâm

Được xây từ năm 2003, trải qua nhiều lần thay đổi quy mô và quy chế, ngày 11/12/2008, Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột khai trương.

Tại lễ khai trương, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, nhận định: “Sàn giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột áp dụng phương pháp mua bán tiên tiến, phù hợp xu thế của thế giới”; ông Lương Lê Phương - Thứ trưởng Bộ NN & PTNT kỳ vọng: “Sàn giao dịch sẽ giúp nông dân từ bỏ thói quen mua bán truyền thống, chuyển sang mua bán theo phương thức hiện đại”.

Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột còn là mô hình điểm để nhân rộng hoạt động mua bán theo phương thức đấu giá khớp lệnh tập trung, công khai cho các loại nông sản khác trên cả nước.

Được đầu tư gần một trăm tỷ đồng, trung tâm có vẻ bề ngoài bề thế, với nhiều loại máy móc và trang thiết bị hiện đại. Hai gian đại sảnh rộng, một gian dành cho nông dân đến bán hàng và một gian dành riêng cho giới doanh nghiệp vừa mua vừa bán.

Hàng chục nhân viên trẻ năng động luôn sẵn sàng tiếp đón, hướng dẫn và giải thích mọi thắc mắc của khách hàng.

Để chuẩn bị cho ngày khai trương, trung tâm mở nhiều buổi tập huấn cho nông dân về cách mua bán tại sàn. Tỉnh Đắk Lắk cũng có chính sách miễn phí giao dịch trong thời gian đầu để khuyến khích nông dân đến sàn.

Nhưng sau một tháng mở cửa, sàn giao dịch của trung tâm vẫn không một bóng khách; chưa một lệnh mua, bán nào được thực hiện.

Xa rời thực tế

Đắk Lắk có trên 400.000 hộ dân tham gia sản xuất cà phê với diện tích là 178.000 ha. Như vậy trung bình một hộ dân có chưa đến 0,5 ha cà phê. Tuy nhiên, quy chế của Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột lại quy định thành viên đăng ký bán  phải có tối thiểu là... ba ha cà phê.

Nông dân muốn chứng minh họ có từ ba ha cà phê trở lên cũng không hề đơn giản. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở Đắk Lắk chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nếu không có bản sao hợp lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nông dân phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương về diện tích cà phê hiện có nộp cho trung tâm.

Đây là đòi hỏi rất khó thực hiện vì chính quyền địa phương không dễ xác nhận diện tích hiện có của người trồng cà phê nếu người này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trải qua cửa ải chứng minh được diện tích cà phê có hơn ba ha, nông dân vẫn chưa thể đặt lệnh bán hàng tại sàn giao dịch. Họ còn phải đem cà phê gửi vào trong kho của Trung tâm Giao dịch Cà phê với khối lượng tối thiểu là năm tấn.

Khi đem cà phê đến gửi vào kho, nông dân lại phải đối mặt với nhiều khoản phí như phí vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa, đóng gói bao bì, lưu kho, định mức hao hụt, kiểm tra chất lượng nhập kho v.v...

Sau khi làm xong các thủ tục này, nông dân sẽ học cách tham khảo giá của các phiên giao dịch trước đó để tự ra giá bán cho phù hợp và sẽ chờ từ 9 giờ đến 11 giờ xem có ai chịu mua với giá mà mình đưa ra hay không; nếu không có ai chịu mua, hôm sau, họ lại lên sàn giao dịch tiếp.

Với quy chế giao dịch như vậy, để bán được cà phê theo phương thức được cho là tiên tiến hiện đại, nông dân vừa phải tốn nhiều thời gian và tốn tiền. Nhiều người cho rằng Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột hoạt động ngược đời.

Ông Trần Đình Đức, nông dân trồng cà phê ở xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk, cho biết, ông có được mời lên tham gia buổi hội thảo giới thiệu về Sàn Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột, ông thấy quá nhiều thủ tục rườm rà, còn lợi ích thì mơ hồ.

Thông thường, sau khi thu hoạch, ông Đức chỉ cần gọi điện cho Công ty Cà phê An Giang. Vài tiếng đồng hồ sau có xe chạy đến tận nhà ông chở cà phê về kho để cân đong.

Sau đó, ông Đức được cấp một chứng thư xác nhận số lượng cà phê ký gửi. Trong thời gian chưa muốn bán hàng để chờ giá hợp lý, ông Đức có thể dùng chứng thư này để vay tiền của Công ty An Giang với số tiền bằng 70 phần trăm giá trị số hàng ký gửi và lãi suất chỉ 0,5 phần trăm trong tháng đầu tiên, một phần trăm trong hai tháng tiếp theo và các tháng sau đó lãi suất tính theo mức thời giá của các ngân hàng thương mại.

Ông Đức kết luận: Tụi tui chỉ cần nhắn một cái tin là có ngay giá trong ngày. Có đến cả chục đơn vị chuyên cung cấp giá nông sản bằng tin nhắn.

Nếu sàn Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột không sửa quy chế lại cho thực tế hơn, tụi tui đến đó chi cho phiền”.

MỚI - NÓNG