Vàng trong nước loạn giá vì độc quyền?

Vàng trong nước loạn giá vì độc quyền?
TP - Hôm qua, thị trường vàng trong nước trải qua một phiên biến động dữ dội, với gần 30 lần thay đổi bảng giá, giá mua vào có lúc giảm thấp nhất 3 triệu đồng/lượng, bán ra giảm gần 1,5 triệu đồng/lượng.

> Giá vàng biến động mạnh
> Nhiều người đội mưa đi mua vàng

Có thời điểm, giá vàng trong nước chênh lệch giá thế giới tới 4 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng trong nước đang bị các đại gia chiếm ưu thế độc quyền chi phối?

Doanh nghiệp lớn chi phối giá

Thực tế, giá trị vàng miếng được bán ra hằng ngày trên thị trường là chủ yếu. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép sản xuất vàng miếng cho các đơn vị, như: Vàng SJC, Vàng 3 chữ A của Cty vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp, Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ... Trong đó, vàng miếng SJC hiện chiếm hơn 90% thị phần vàng miếng tại thị trường TPHCM. Các DN được hỏi đều cho rằng mốc giá vàng SJC thường là một yếu tố được xem để tham khảo cân nhắc giá niêm yết của DN mình.

Vào lúc 15 giờ hôm qua, ghi nhận tại cửa hàng 27 Phan Đình Phùng có hàng chục khách xếp hàng chờ mua vàng. Ngoài việc liên tục phải báo cáo lãnh đạo để cập nhật giá mới, có một quãng cửa hàng này buộc phải thông báo khách chờ... vàng. Một khách hàng nữ trẻ tuổi hỏi mua 10 lượng vàng SJC, được nhân viên cho biết: Hiện cửa hàng chưa có vàng SJC ngay, phải chờ khoảng 1 tiếng nữa.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng giám đốc một Cty vàng bạc nằm trong mạng lưới cung cấp vàng SJC phân tích: “Giá về bản chất là do thị trường quyết định. Cùng một thời điểm, nhu cầu mua tăng đột biến như tất cả xe trên đường cùng tập trung vào một ngã rẽ, thì kiểu gì đường chả tắc”. Tuy nhiên, ông này cũng bóng gió thừa nhận, với đặc thù có thương hiệu và bao phủ khắp các tỉnh thành, ở đâu cũng được chấp nhận, vàng SJC có một lợi thế riêng và “do là đại lý nên giá bán của chúng tôi phải phụ thuộc vào giá do SJC cung cấp”.

Tại sao giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 4 triệu đồng/lượng? Có phải DN vàng lớn độc quyền làm giá? Theo một chuyên gia về vàng, bản thân ông không ngạc nhiên về diễn biến này vì nhu cầu của thị trường và nguồn cung mới chính là yếu tố quyết định giá. “Người dân cứ đổ xô đi mua vàng bất chấp giá trong nước và thế giới quá vênh tới hơn 3 triệu đồng/lượng. Mấy ngày nay tôi nghe mọi người nói tại DN găm hàng, hay nhập giá cao nên muốn bán đắt nhưng theo quan sát của tôi, chính cơn khát mua bằng được vàng của người dân thời điểm này mới là nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch” - Ông này nhận xét.

Trong khi vàng thế giới xuống giá mạnh thì vàng trong nước vẫn cao ngất ngưởng, chênh giá có lúc tới 4 triệu đồng/lượng
Trong khi vàng thế giới xuống giá mạnh thì vàng trong nước vẫn cao ngất ngưởng, chênh giá có lúc tới 4 triệu đồng/lượng . Ảnh: Hồng Vĩnh

Khoảng cách giá khủng, đẩy rủi ro cho người mua

Ngoài việc chi phối giá bán, giữ khoảng cách chênh lệch cực lớn với giá thế giới, hôm qua, các DN còn kéo giãn khoảng cách giá mua vào-bán ra khá lớn, mỗi DN một kiểu. Trong khi SBJ để giá bán ra cao hơn giá mua vào gần 1,2 triệu đồng/lượng thì Bảo Tín Minh Châu là 1,4 triệu đồng/lượng. Còn vàng SJC ở cả hai thành phố lớn để khoảng cách dưới 700 nghìn đồng. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Cty vàng AAA cho hay: Riêng Cty vàng bạc đá quý Agribank chỉ chênh 400 ngàn đồng (41,2 - 42,6 triệu đồng/lượng). Việc để mức chênh lệch bán mua là tùy từng DN quyết định nhưng nhìn chung, nếu trong điều kiện thị trường bình thường, khoảng cách là rất nhỏ. "Còn chúng tôi để thấp bởi khoảng cách đó cũng đã đủ đảm bảo cho doanh nghiệp có lời”- Với câu hỏi “Các DN khác tại sao họ không để vậy?”, ông Trúc không bình luận.

Còn theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Doji, đặc thù của thị trường vàng Việt Nam là vàng vật chất. Bản thân DN luôn luôn phải theo dõi sát sao cân đối nguồn mua vào - bán ra. DN kinh doanh vàng sợ nhất chỉ có bán ra hay chỉ có mua vào vì khi đó, họ phải đứng trước bài toán tìm đủ cung vàng hoặc tiền cho cơn khát của thị trường. Tại nước ngoài, kinh doanh vàng trên tài khoản dựa theo nguyên tắc mua vào - bán ra chỉ chênh lệch 1 USD/Oz nhưng tại VN với việc dân mình toàn tích trữ vàng vật chất, thêm thời gian thủ tục nhập về, gia công rồi độ trễ, việc cao hơn giá thế giới là điều dễ hiểu (?!).

Vẫn theo tổng giám đốc Cty vàng bạc tư nhân trên, giá mua hay bán đều có nguồn gốc từ những người tạo lập vàng là các doanh nghiệp, sở hữu các thương hiệu vàng như SJC và các ngân hàng lớn. Đưa ra khoảng cách lớn là để DN tự bảo vệ mình. "Cá nhân tôi cho rằng đây là thời điểm quá nhiều rủi ro, vì giá trong nước chênh thế giới quá nhiều, nhà đầu tư không tỉnh táo, nếu giá còn xuống lâu dài sẽ gánh rủi ro”. - Ông này nói.

Hôm qua, 26-9, thị trường vàng đã trải qua một ngày biến động dữ dội với gần 30 lần thay đổi bảng giá. Dù biến động như vậy nhưng đến cuối ngày, tính chung, giá vàng chỉ giảm 700 ngàn đồng chiều mua vào và 400 ngàn đồng chiều bán ra, chốt ở mức 44,8- 45,5 triệu đồng/lượng. Theo SJC từ 12-14 giờ hôm qua 26-9, khi giá vàng giảm mạnh công ty này đã bán ra 10.000 lượng. Tính toán trong mạng lưới các DN cho thấy trong 1 tháng qua hệ thống kinh doanh vàng đã bán ra khoảng 20 tấn vàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.