Vào kho linh kiện máy bay nghìn tỷ đồng

Lốp máy bay được chăm sóc đặc biệt Ảnh: Gia Khánh
Lốp máy bay được chăm sóc đặc biệt Ảnh: Gia Khánh
TP - Chăm sóc đặc biệt với nhiệt độ luôn ở mức 25,8 độ C, giá một chiếc ốc vít cũng có thể lên tới hàng trăm USD, tổng kho linh kiện máy bay do Cty Kỹ thuật máy bay (thuộc Vietnam Airlines-VNA) quản lý toạ lạc gần sân bay Tân Sơn Nhất ước tính giá trị cỡ 60 triệu USD.

> Vietnam Airlines sẽ mua 'siêu máy bay' Airbus A380

Lốp máy bay được chăm sóc đặc biệt Ảnh: Gia Khánh
Lốp máy bay được chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Gia Khánh.

Sau khi tham dự khóa học Hướng dẫn An toàn bay trên các chuyến bay của VNA, PV Tiền Phong cùng một số nhà báo, được vào kho linh kiện máy bay.

Ở Việt Nam có 2 kho linh kiện loại này, một ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, một ở gần sân bay Nội Bài. Cả 2 kho linh kiện máy bay giá trị ước tính trên trăm triệu USD đều do Cty Kỹ thuật máy bay quản lý. Ngay từ phía ngoài, những căn phòng được thiết kế đặc biệt bằng loại thép kiên cố với mục đích đảm bảo an ninh tối đa. Các kho đều có hệ thống thông gió hút ẩm và các máy quay an ninh.

Tầng một chứa các linh kiện lớn, như lốp máy bay, động cơ... Những chiếc lốp đen sì của nhiều loại máy bay được bơm căng sẵn, được một thiết bị như máy siêu âm dò các vết nứt ở vành. Mỗi chiếc lốp sau khi hoàn chỉnh (chưa lắp phanh) giá trị có thể lên tới hàng chục nghìn USD. Bơm lốp máy bay không đơn giản.

Trước khi bơm nếu dò không kỹ vành, lốp, hoặc bơm căng quá, có thể tạo vụ nổ có sức công phá lớn. Do đó, các kỹ thuật viên khi bơm khí ni-tơ luôn có một bảng hướng dẫn cụ thể các bước và áp suất của từng loại lốp.

Trong quá trình bơm, chiếc lốp bị “nhốt” trong một cũi sắt kiên cố, sau 24 giờ đồng hồ mới được đưa ra ngoài và nhập kho. Theo quy định của nhà sản xuất, lốp máy bay buộc phải bơm khí ni-tơ để tránh bị tác động hóa học và không bị co giãn khi ở nhiệt độ cao.

Tầng 2 của kho chứa các linh kiện quan trọng. Giám đốc Trung tâm Bảo dưỡng Ngoại trường phía Nam (của Cty Kỹ thuật máy bay) Mai Tuấn Anh mở chiếc hộp sắt nhỏ, nói: “Thiết bị này có thể ví như bộ não máy bay. Thực chất, đây là một ổ cứng chứa hệ điều hành riêng để điều khiển máy bay”.

Thiết bị được coi như bộ não máy bay
Thiết bị được coi như bộ não máy bay.
 

Các kho lân cận chủ yếu chứa dây điện, ốc vít... Mỗi phòng chứa linh kiện khác nhau đều được đặt nhiệt độ ở các mức phù hợp với điều kiện bảo quản. Các linh kiện, thiết bị mới tinh được gác ngăn nắp trên các kệ sắt và gắn mã số.

“Không phải nhân viên nào cũng được vào các kho này”, ông Mai Tuấn Anh nói. Ngay cả người có trách nhiệm vào, ra đều phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Kho linh kiện ở Tân Sơn Nhất dự trữ linh kiện, thiết bị của máy bay; chủ yếu dự trữ động cơ máy bay Boeing 777 và ATR 72...; kho ở Nội Bài dự trữ động cơ của các loại máy bay Airbus.

Được biết, kho linh kiện máy bay hàng chục triệu USD này không chỉ phục vụ cho VNA mà còn cho các hãng bay nước ngoài tới Việt Nam. “Có nhiều trường hợp, máy bay các hãng nước ngoài tới Việt Nam hỏng động cơ hoặc cần thay thế linh kiện, chúng tôi cho họ thuê (theo giờ, ngày...tùy hợp đồng), khi về nước họ tháo ra và mang trả”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.

Máy bay thừa chỗ, hành khách không được ngồi

Đây là một tình huống có thật trên các chuyến bay của VNA. Phó trưởng khoa Huấn luyện Chuyên ngành (Trung tâm Huấn luyện bay thuộc VNA) Nguyễn Thị Mỹ Phương, cho biết:

“Theo quy định an toàn bay, chỉ cần một chiếc ghế thiếu áo phao (do bị mất cắp) hoặc bị hỏng, mặt nạ dưỡng khí tương ứng với ghế (trong trường hợp khẩn cấp) hỏng..., hãng bay sẽ không bố trí hành khách vào những vị trí (ghế) đó. Phải “gạt” khách ở lại (dù ghế trống) là nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến bay. Chính vì thế, nhiều người có thể hiểu nhầm về chuyện thừa chỗ, khách không được bay”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG