Vào ma trận thực phẩm chức năng - Bài cuối: Rút giấy phép ngay nếu vi phạm

Hàng nghìn lọ TPCN giảm béo giả bị cơ quan chức năng thu hồi tại Công ty Dược Bảo Khang, TPHCM ngày 25/6/2015.
Hàng nghìn lọ TPCN giảm béo giả bị cơ quan chức năng thu hồi tại Công ty Dược Bảo Khang, TPHCM ngày 25/6/2015.
TP - Nhiều vấn đề liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN), như câu chuyện cấp phép dễ dãi, không kiểm soát thông tin quảng cáo, kiểm tra giám sát định kỳ chưa chặt chẽ, hay điều kiện sản xuất TPCN chưa được coi trọng… đã được PV Tiền Phong chất vấn Cục trưởng An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong.

Chưa có ngay quy định điều kiện sản xuất

Tại hội thảo gần đây, có doanh nghiệp (DN) nói, Cục ATTP cấp phép quá dễ, cứ nộp hồ sơ lên là được cấp, vì thường làm qua công ty môi giới, sân sau của cán bộ, nhân viên của Cục?

Tôi khẳng định thông tin như vậy là sai sự thật. Trình tự thủ tục cấp phép TPCN rất chặt chẽ, nhiều hồ sơ bị trả về. Hiện Cục cung cấp dịch vụ công trực tiếp cấp độ 4, DN đăng ký sản phẩm được cấp mã riêng mà chỉ họ mới vào được. Nếu DN cung cấp thông tin cho công ty môi giới phải tự chịu trách nhiệm.

Hiện tất cả các tầng của Cục đều có đường dây nóng. Nếu tổ chức cá nhân gặp khó khăn có thể gọi cho các Cục phó để được hướng dẫn. Tầng 1 trụ sở của Cục có phòng để hướng dẫn chi tiết. Vì thế, thông tin trên là không chính xác. Cục có khoảng 30 người làm việc trong bộ phận này (từ nhận hồ sơ đến kiểm tra), theo quy định, sau 30 ngày sẽ có phản hồi việc được cấp phép hay không.

Còn hồ sơ cấp phép không cần chứng nhận sở hữu trí tuệ đang tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái tràn lan thì sao, thưa ông?

Nếu sản phẩm nào đã có sở hữu trí tuệ sẽ nộp kèm hồ sơ. Nếu sản phẩm chưa có không thể bắt DN cung cấp. Nếu sản phẩm nào nộp kèm chứng nhận sở hữu trí tuệ sẽ lưu trên phần mềm quản lý, để hồ sơ sau không vi phạm, nhái sản phẩm. Trường hợp có nghi ngờ và DN phản ứng, chúng tôi sẽ trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ. Nếu vi phạm sẽ rút giấy phép ngay.

Có hiện tượng DN nộp hồ sơ tốt “qua mặt” lãnh đạo Cục, nhưng sau đó sản xuất không đúng chất lượng?

Hành vi đó (nếu có) là vi phạm pháp luật, phạm tội làm hàng giả. Các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Y tế sẽ phối hợp xử lý. Chúng tôi đang chủ động tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát mà không thông báo với DN và thực tế phát hiện nhiều vi phạm. Thống kê mới nhất từ 2014 đến nay đã phạt trên 5 tỷ đồng, thu hồi hơn 30 giấy phép các loại (giấy phép quảng cáo, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, vệ sinh ATTP…). Tất cả tên sản phẩm, công ty vi phạm đều được công khai trên trang chủ của Cục.

Quan điểm của ông ra sao khi quy trình cấp chứng nhận điều kiện sản xuất chưa phân loại nhóm DN, không tạo cho DN động lực phát triển?

TPCN là sản phẩm mới ngay cả với thế giới. Trong 15 năm qua, Bộ Y tế đã ban hành đến 5 thông tư thay đổi liên tục để phù hợp thực tế (mới nhất là Thông tư số 43/2014). Lĩnh vực mới, thế giới cũng chưa có quy chuẩn quy định chung về điều kiện. Cục đã thấy vấn đề này và mục tiêu là không thể để cơ sở chỉ đủ sản xuất thực phẩm thường được phép sản xuất TPCN. Vì thế, Cục đang ban hành quy chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Tất nhiên, cũng chưa thể áp dụng ngay, bởi như thế nhiều DN sẽ phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Lộ trình ban hành muộn nhất từ năm 2018.

Không quản lý nổi quảng cáo

TPCN đang có phần bát nháo khi hàng giả, hàng xách tay núp bóng vẫn đến tay người tiêu dùng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, hàng hóa nào được tiêu thụ lớn trên thị trường, thì nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả rất cao. TPCN là một điển hình. Lợi dụng vào nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng, rất nhiều hàng hóa trên thị trường trong đó có TPCN đã bị làm giả. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) và UBND tỉnh/TP thành lập Ban 389 địa phương. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng thành lập Ban 389 nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả.

Vừa qua, với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia đã triển khai phá nhiều đường dây buôn lậu TPCN và mỹ phẩm giả, không đảm bảo chất lượng có quy mô lớn, địa bàn hoạt động rộng liên quan nhiều tỉnh tại TPHCM. Ban 389 của Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Chúng tôi sẽ tập trung mạnh vào hậu kiểm và rút giấy phép nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn gian dối.

Tình trạng quảng cáo tràn lan, không đúng sự thật, vai trò kiểm soát của Cục như thế nào?

“Tập trung hậu kiểm và rút ngay giấy phép nếu phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng gian dối là cách để siết chặt hoạt động kinh doanh loại thực phẩm này trong thời gian tới”

ông Nguyễn Thanh Phong

Theo quy định về quảng cáo, quảng cáo TPCN phải thẩm định nội dung. DN và cơ quan quảng cáo chỉ được quảng cáo nội dung đã được thẩm định. Tuy nhiên, thực tế có nhiều đơn vị quảng cáo sản phẩm chưa được thẩm định, không đúng nội dung thẩm định. Bộ Y tế không quản lý nổi quảng cáo trên các trang tin mọc tràn lan. Thống kê có đến 53% vi phạm về TPCN liên quan đến quảng cáo, nhiều DN bị phạt nghiêm và rút giấy phép. Quan điểm Bộ Y tế là xử lý tất cả các vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo hành lang pháp lý bình đẳng để DN thực hiện tốt quy định về ATTP.

Trong quá trình xử lý vi phạm, một số DN khi làm việc với Cục đều thừa nhận sản phẩm vi phạm quảng cáo là của mình nhưng họ lại phủ nhận trang web quảng cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của họ. Vì vậy, Cục ATTP đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh truyền hình, Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông…để chấn chỉnh các cơ quan phát hành quảng cáo.

Có tình trạng sản phẩm bị dừng lưu thông, nhưng vẫn được bày bán tràn lan?

Tôi không tin có tình trạng như vậy. Có thể trong quá trình thu hồi chưa triệt để, khi đó, DN có trách nhiệm thu hồi tiếp. Cũng có trường hợp sản phẩm thu hồi có hàng xách tay. Tôi nhắc lại về hàng xách tay rằng, toàn bộ hàng xách tay là phi pháp, vì không được quản lý, kiểm chứng bởi cơ quan y tế. Chúng tôi khuyến cáo người dân không mua hàng trôi nổi, trong đó có hàng xách tay. Tại sao người dân có thể mua sản phẩm liên quan sức khỏe mà không được cơ quan cấp phép. Như vậy là coi thường tính mạng bản thân.

Thực tế cho thấy, công tác hậu kiểm còn kém, bởi chỉ khi các cơ quan khác vào cuộc mới phát hiện vi phạm, ông nghĩ sao về điều này?

Từ cuối 2014, Bộ Y tế đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2015 tập trung vào một số lĩnh vực, trong đó có TPCN. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương mà Bộ Y tế giữ vai trò thường trực có kế hoạch thanh-kiểm tra khác. Như vậy có 2 kế hoạch thanh-kiểm tra tập trung vào TPCN. Kết quả phát hiện vừa qua không chỉ riêng cơ quan khác, mà là kết quả của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương chỉ đạo.

Có những cuộc thanh- kiểm tra không có cơ quan Bộ Y tế đi cùng, nhưng kết quả vẫn phải mang tới Bộ Y tế để kiểm nghiệm. Vì thế, kết quả cuối cùng là sự phối hợp giữa các cơ quan khác với Bộ Y tế. Xử lý vi phạm ATTP, ngoài ngành y tế còn có nhiều cơ quan khác từ Trung ương đến địa phương. Sắp tới việc này tiếp tục được tăng cường hơn nữa, phối hợp với cơ quan khác để xử lý nhiều vụ vi phạm. Có thể do trước đây xử lý nhiều, nhưng công bố không kịp thời nên dư luận không hiểu rõ.

Cảm ơn ông.

Phối hợp với công an để siết TPCN

Ngày 2/7, GS-TS Nguyễn Thanh Long-Thứ trưởng  Bộ Y tế cho biết, đã có công văn gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị các đơn vị thuộc công an thành phố phối hợp cùng Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong sản xuất kinh doanh TPCN. Dù đánh giá thực phẩm chức năng có vai trò hỗ trợ, làm tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, song GS Nguyễn Thanh Long cũng nhìn nhận nếu TPCN bị làm giả, không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng, đồng thời gây thiệt hại về kinh tế cho xã hội và ảnh hưởng lớn đến uy tín của những người sản xuất, kinh doanh chân chính.

Ngoài vụ Công an TP Hà Nội triệt phá 20 tấn TPCN giả tại Công ty TNHH đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQTech ở Hà Đông, ông Long bày tỏ mong muốn Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát Môi trường- Công an TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về lĩnh vực này.  “Bộ Y tế đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục An toàn thực phẩm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có liên quan, đặc biệt là các đơn vị chức năng của Công an TP Hà Nội trong việc triển khai thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm”- ông Long cho hay.       

Lê Nguyễn

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.