Vào TPP, DN xuất khẩu nào được tự “khai” xuất xứ hàng hóa?

Vào TPP, DN xuất khẩu nào được tự “khai” xuất xứ hàng hóa?
TPO - Việt Nam đang trong lộ trình áp dụng quy tắc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo quy định của Bộ Công thương, doanh nghiệp (DN) có doanh thu từ 10 triệu USD/năm trở lên mới được tự cấp C/O cho hàng hóa của mình khi xuất khẩu.

Theo đó, tiêu chí lựa chọn DN tham gia thí điểm tự cấp C/O gồm: Là nhà sản xuất đồng thời là người xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp...


Bộ Công thương dự kiến áp dụng trao quyền cấp C/O cho khoảng 100 DN. Với điều kiện về doanh thu, chỉ 72 DN đáp ứng yêu cầu hồ sơ để được tự cấp C/O. Sau gần 1 năm áp dụng, đến nay mới có 2 DN được tự cấp C/O là Vinamilk và Nestle.

Tại tập huấn do Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Hải quan và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) tổ chức ngày 6/8, nhiều DN cho rằng điều kiện trao quyền cấp C/O phải có doanh thu 10 triệu USD/năm trở lên là phân biệt đối xử và tạo rào cản đối với DN nhỏ và vừa.

Lí giải về điều này, bà Bùi Kim Thùy (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) cho biết, giai đoạn thí điểm chỉ áp dụng DN doanh thu lớn. Tự cấp C/O giúp DN nắm bắt sâu cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTA, qua đó tận dụng tối đa lợi ích cắt giảm thuế quan. Ngoài ra, đây còn là bước đệm giúp DN làm quen với xu hướng mới trong FTA, có kinh nghiệm thực tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập. Khi hoàn thiện quy trình sẽ trao quyền cấp C/O cho toàn bộ DN.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, khi trao quyền cấp C/O cho DN, cơ quan nhà nước chuyên trách như hải quan chủ yếu tiến hành hậu kiểm. 

“DN tự khai C/O, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường, trong vòng 5 năm, nếu cơ quan chức năng hậu kiểm phát hiện gian dối hoặc sai sót sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng của Việt Nam và đối tác”, bà Hương nói. 

Theo bà Hương, câu chuyện DN gian dối  trong quá trình xin C/O từng xảy ra. Khi trao quyền cho DN điều này càng dễ xảy ra hơn, gây mất uy tín của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí nhiều DN cố tình vi phạm khi xin C/O, vì lợi nhuận thu được cao hơn mức phạt nhiều lần. Để hạn chế điều này, tương lai nhà nước nên nâng mức xử phạt vi phạm C/O để răn đe DN cố tình vi phạm.

“Nếu đội ngũ cán bộ doanh nghiệp không nắm bắt được vấn đề, quy định cần thiết dẫn đến chứng nhận sai thì không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia”, bà Hương nói.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ giúp DN xuất khẩu giảm thiểu thời gian xin cấp C/O truyền thống, chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa.

MỚI - NÓNG