Vào WTO - Làm ăn phải biết lobby

Vào WTO - Làm ăn phải biết lobby
Việt Nam đã chính thức là thành viên của WTO. Đi đôi với cơ hội là những thách thức và bất trắc mà dù muốn hay không ta vẫn phải đối mặt.
Vào WTO - Làm ăn phải biết lobby ảnh 1
Thu hoạch cá tra ở Đồng Tháp.

Trong bối cảnh đó, lobby (vận động hành lang) có một vai trò đặc biệt quan trọng, hay nói như chuyên gia kinh tế: "Thực hiện tốt việc lobby sẽ giúp ngừa những căn bệnh lớn, giúp giảm đau và chóng hồi phục khi bị bệnh".

Nước đã đến chân...

Thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với những vụ kiện bán phá giá cá da trơn, tôm vào thị trường Hoa Kỳ hay da giày vào thị trường EU, và đã bộc lộ không ít lúng túng, bỡ ngỡ... Điều đó cho thấy hàng hoá Việt Nam đã đơn độc tiến vào thị trường ngoại quốc, trong khi lẽ ra, lobby phải đi trước một bước.

Dù muốn hay không, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vụ kiện bán phá giá hàng hóa vào thị trường những nước thành viên WTO, khi đó công việc lobby sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Một quan chức của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trước đây, khi Mỹ chuẩn bị áp đặt hạn ngạch cho ngành dệt may Việt Nam, nhờ vào lobby mà Việt Nam có lượng quota tốt hơn.

Những thông tin mà doanh nghiệp và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa là, "năng lực sản xuất của ngành dệt may chúng tôi không đủ lớn để làm ảnh hưởng đến những nhà sản xuất hàng may mặc Mỹ". Có nghĩa là, dù Chính phủ Mỹ có tăng lượng quota cho Việt Nam, ngành dệt may của họ cũng không bị đe dọa.

Thực tế nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có chú trọng đến việc lobby, nhưng khi thực hiện lobby lại không được hiệu quả như mong muốn. Ông Diệp Thành Kiệt -  TTK Hội Dêt may thêu đan TPHCM, TGĐ Cty cổ phần WEC Sài Gòn - cho rằng, công tác lobby của Việt Nam chưa hiệu quả vì nhiều lẽ, mà một trong những "lẽ" quan trọng nhất là  tính thụ động của doanh nghiệp trong việc này.

"Chúng ta quen sống trong một xã hội mà mọi thứ đã được ấn định sẵn, mọi sự thay đổi đều rất khó. Vì vậy, việc lobby cũng là một thách thức mà các doanh nghiệp cần phải tập làm quen" - ông Kiệt phân tích.

Đừng đợi "nước đến chân"

Lobby là việc cần phải làm thường xuyên và liên tục cả một quá trình, chứ không chỉ để xảy ra chuyện bán phá giá hay sự cố, doanh nghiệp mới tiến hành lobby thì chẳng khác gì nước đến chân mới nhảy.

"Lobby không phải theo từng vụ việc cụ thể mà phải làm thường xuyên và liên tục. Đó là cách hiểu và cách làm mới trong công việc lobby trong bối cảnh này". Ông Diệp Thành Kiệt nói, việc này nên được tiến hành thường xuyên, quan trọng hơn là cần có sự kết nối và thống nhất giữa doanh nghiệp, hiệp hội và Nhà nước.

Ví dụ, trong chiến lược phát triển ngành da giày, hay dệt may thì doanh nghiệp, hiệp hội và Nhà nước phải cùng thống nhất với nhau cùng một nội dung, lobby cùng một chủ đề, chứ không phải ông doanh nghiệp này nói khác ông kia, hoặc chủ trương của Nhà nước một đường, doanh nghiệp lại làm và nói một nẻo. Đó chính là tính không chuyên nghiệp của việc lobby.

Dĩ nhiên mỗi công việc đều phải cần nỗ lực tự thân của cá nhân doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để thực hiện tốt công việc quảng bá hình ảnh ra bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn cần đến những hỗ trợ từ nhà nước. Đơn cử, công tác lobby sẽ tốt hơn khi các cơ quan ngoại giao ở những quốc gia sở tại góp tiếng nói chung với doanh nghiệp.

Vai trò của báo chí cũng quan trọng, việc sử dụng các báo điện tử, website để quảng bá hình ảnh ngành nghề để bên ngoài hiểu và có cách nhìn khác về Việt Nam. Đây cũng là một kênh lobby hiệu quả.

Ông Kiệt nói thêm rằng, để thực hiện tốt công việc lobby cũng cần lưu ý  rằng, quảng bá một ngành nghề cụ thể cũng cần phải thống nhất về thông tin. Đơn cử, nếu quảng bá ngành dệt may, thời gian đầu nói chúng ta có khả năng xuất khẩu mạnh có tiềm lực và khả năng cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường tốt.

Cho đến khi, quốc gia nhập khẩu khởi kiện doanh nghiệp bán phá giá. Khi đó, các doanh nghiệp không thể nói rằng, năng lực của ngành có hạn, không có khả năng bán phá giá vào thị trường này.

"Chắc chắn khi đó việc lobby sẽ gặp khó khăn hơn nhiều, bởi thông tin không đồng nhất, không trước sau như một". Ông Kiệt nói, vì vậy những quan chức, các doanh nghiệp, thông tin báo đài phải cân nhắc liều lượng thông tin khi lobby ở giai đoạn quảng bá.

Thực hiện tốt việc lobby sẽ giúp doanh nghiệp ngừa những căn bệnh lớn, giúp "giảm đau" và "chóng hồi phục" khi bị "bệnh". Không còn cách nào khác, thực hiện được việc này, mỗi doanh nghiệp cần phải có một nền tảng "thể lực" tốt và đội ngũ "bác sĩ" lành nghề để cùng để vượt qua "bệnh tật".

Theo Kim Đào
Lao Động

MỚI - NÓNG