Vào WTO, người tiêu dùng lợi 1.000 tỷ đồng/năm

Vào WTO, người tiêu dùng lợi 1.000 tỷ đồng/năm
TP - Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong vòng 5 năm sau khi vào WTO, do phải cắt giảm 3.800 dòng thuế nhập khẩu nên nguồn thu ngân sách từ nhập khẩu sẽ giảm 300 triệu USD. Tức trung bình mỗi năm giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Vào WTO, người tiêu dùng lợi 1.000 tỷ đồng/năm ảnh 1

Gia nhập WTO hàng điện tử, điện lạnh, ô tô, xe máy sẽ giảm giá

Điều này cũng có nghĩa là người tiêu dùng được hưởng lợi-từ những hàng hóa nhập khẩu do được giảm thuế nhập khẩu rẻ đi tương ứng-ít nhất là tương đương con số nêu trên.

Bởi vì giá hàng hóa nhập khẩu (với số lượng ước tính bình quân)  giảm trực tiếp tương đương với lượng thuế nhập khẩu cắt giảm; còn nếu số lượng hàng hóa nhập khẩu thực tế lớn hơn ước tính, cộng với giá hàng cùng loại trong nước giảm do cạnh tranh, thì người tiêu dùng được hưởng lợi lớn hơn con số nêu trên.

Bộ Tài chính nhận định: kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ngay sau khi gia nhập WTO sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhiều  so với mức tăng 20% trong năm 2006.  Nguyên nhân chủ yếu là do các mặt hàng công nghiệp, nông sản nhập khẩu tràn vào nhiều vì được cắt giảm thuế nhập khẩu.

Vào WTO, phần kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực tế của Việt Nam chịu ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế sẽ chiếm 1/5 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm (năm 2006 kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 45 tỷ USD)- đây là con số đánh giá tác động do giảm thuế của Bộ Tài chính sau khi khảo sát 87 nhóm mặt hàng.

Theo toàn bộ các cam kết về thuế quan của Việt Nam trong WTO, thì  sẽ cắt giảm khoảng 3.800 số dòng thuế nhập khẩu (chiếm 35,5% số dòng của Biểu thuế hiện hành).

Việt Nam cam kết, trong thời gian từ 5-7 năm, thuế suất cuối cùng có mức bình quân giảm đi 23% so với mức thuế bình quân hiện hành của biểu thuế (từ 17,4% xuống còn 13,4%). 

Như vậy, một số mặt hàng đang có thuế suất cao (từ trên 20%- 30%) phải cắt giảm thuế ngay khi gia nhập WTO.

Những nhóm mặt hàng có cam kết cắt giảm thuế nhiều nhất gồm: dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, máy móc thiết bị điện-điện tử...

Hàng điện tử, điện lạnh sẽ giảm giá

Với 3 nhóm hàng mà người tiêu dùng đang quan tâm là ti vi, điều hòa, máy giặt, sẽ phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 50% và 40% hiện hành xuống 40% và 38% ngay khi vào WTO và xuống còn 25% sau 3-5 năm.

Như vậy, tivi, điều hòa, máy giặt nhập khẩu trong vài tháng  tới sẽ rẻ đi đáng kể và rẻ đi nhiều sau 3 năm tới. Đối với hàng triệu người tiêu dùng thì đó là tin mừng, còn đối với các nhà sản xuất trong nước là tin dữ! 

Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam  cũng sẽ hưởng lợi khi các sản phẩm công nghệ thông tin sẽ phải giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0% trong vòng 3-5 năm kể từ khi gia nhập WTO (có khoảng 330 dòng thuế thuộc diện công nghệ thông tin sẽ phải có thuế suất 0%).

Như vậy, các sản phẩm như: máy vi tính, điện thoại di động; máy ghi hình, máy ảnh kỹ thuật số… sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hiện nay vì đều có thuế suất 0% sau 3-5 năm nữa. Hiện giá trị nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 10 tháng năm 2006 là gần  1,7 tỷ USD (trong đó nhập khẩu từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông chiếm hơn 70%).

Rượu, bia cũng sẽ giảm giá

Hai  mặt hàng nhạy cảm là rượu và bia, WTO cho Việt Nam thời gian 3 năm để điều chỉnh lại thuế tiêu thụ đặc biệt xuống tương xứng với mức chung của WTO (chúng ta đã bắt đầu thực hiện lộ trình kể từ 1/12006 theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi).

Song thuế suất thuế nhập khẩu bia cũng sẽ phải giảm từ mức 80% hiện hành xuống 65% ngay khi gia nhập WTO, và xuống còn 35% trong vòng 5 năm; thuế suất thuế nhập khẩu rượu từ mức 65% hiện hành xuống còn 45-50% trong 5-6 năm. Có nghĩa là bia, rượu nhập khẩu sẽ rẻ đi rất đáng kể.

Cơ hội mua xe máy, ô tô giá rẻ

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự (Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập WTO) thì Việt Nam sẽ phải cho nhập khẩu xe máy phân khối lớn từ 175cc trở lên từ ngày  1/6/2007 (hiện nay đang cấm) và theo lộ trình thì thuế suất nhập khẩu xe máy từ mức 90%  hiện hành phải được cắt giảm xuống còn 40% trong vòng 8 năm.

Tuy nhiên, Việt Nam được bảo lưu  quy định về tuổi được điều khiển xe phân khối lớn (ví dụ từ 30 tuổi trở lên) và có quyền quy định cụ thể về điều kiện thi và cấp giấy phép lái xe đặc biệt  cho người điều khiển loại xe này. Ô tô con nhập khẩu  thì tùy loại (tính theo dung tích xi lanh), mức thuế suất nhập khẩu sẽ phải cắt giảm xuống còn 52% hoặc 47% hoặc 50% (lộ trình thực hiện là 7-12 năm).

“Hiện nay, chúng ta áp mức thuế bảo hộ cho ngành ô-tô, xe máy khá cao, trên thực tế mức đó không phù hợp lắm, nếu chỉ bảo vệ cho người sản xuất, thì người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chịu mức giá ô tô cao nhất thế giới. Vì vậy, chúng ta phải giảm thuế, một mặt phải bảo vệ nhà sản xuất, mặt khác phải cân đối lại lợi ích của người tiêu dùng”- Ông Lương Văn Tự khẳng định.

Khi chúng ta mở cửa thị trường, các nhà sản xuất trong nước có sản phẩm rồi, thì muốn hay không họ phải giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển. 

MỚI - NÓNG