Vào WTO, tài chính ngân hàng là điểm nóng

Vào WTO, tài chính ngân hàng là điểm nóng
Theo Trưởng đoàn đàm phán WTO Lương Văn Tự, khi gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu, tài chính ngân hàng là một trong những lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm.

Đã có rất nhiều khuyến cáo về tính cạnh tranh khi mở cửa cho ngành dịch vụ, nhưng áp lực cụ thể ra sao thì còn hết sức mơ hồ. Ông cho rằng lĩnh vực nào sẽ cần phải "để ý" nhất?

VN có 12 lĩnh vực dịch vụ, nhưng tôi cho rằng lĩnh vực phải đặc biệt quan tâm là tài chính ngân hàng. Cái chính là kiểm soát được thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, không để cho các yếu tố đầu cơ tác động đến thị trường.

Khủng hoảng năm 97 của các nước ASEAN là do yếu tố đầu cơ tác động gây đổ vỡ thị trường. Cho nên làm sao phải nâng cao được khả năng quản lý của ngân hàng. Ta có thể học kinh nghiệm của Singapore hiện nay đang quản lý tiền tệ hàng ngày chứ không phải hàng tháng, để kịp thời biết và điều chỉnh theo động tĩnh thị trường. Thị trường tiền tệ có ổn định thì mới giữ vững được các hoạt động khác. 

Dịch vụ vận tải cũng quan trọng, chiếm 15-18% GDP tùy theo mỗi nước, nhưng đối với VN là một khái niệm mới. Cần phải hệ thống lại, tổ chức bài bản và tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.

Nông nghiệp luôn là vấn đề quan tâm không chỉ của VN. Ta đã có dự định gì khi đàm phán đến nội dung này trong phiên đa phương ngày 19/7?

VN đất chật người đông nhưng có nhiều sản phẩm xuất khẩu được xếp hạng trên thế giới như gạo, cà phê, điều, hạt tiêu, thủy sản... Đây là điều đặc biệt của nước ta. Mỗi hộ gia đình của Australia có đến 200 ha đất canh tác, trong khi một gia đình VN chỉ có hơn 0,2 ha. Do đó các đối tác coi VN là nước mà họ muốn tham gia vào nhóm xuất khẩu hàng nông sản thế giới.

Tất nhiên khi tham gia cuộc chơi chung, ta chấp nhận các nước mới gia nhập phải bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản. Phần trợ cấp trong nước, theo thỏa thuận, VN vẫn được giữ 10% trong khi như Trung Quốc trước đây chỉ có 8%. Ta sẽ dùng phần 10% này để trợ cấp trực tiếp cho người nông dân ở các khâu sản xuất, chế biến nhưng bỏ đi trợ cấp xuất khẩu. Thực tế, trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản chúng ta hiện có tỷ lệ rất nhỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng muốn phát triển bền vững thì phải công nghiệp hóa nông nghiệp và sản phẩm chế biến. Quan điểm của ông ra sao?

Phải tiến tới làm sao có nhà máy, quy hoạch tốt nguồn nguyên liệu, gắn kết nhà máy với nông dân sản xuất nguyên liệu. Hiện nay nông dân ta thường chỉ nhìn lợi ích trước mắt, khi được giá thì bán nơi khác, không thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký với các nhà máy. Tình trạng này phổ biến trong ngành mía đường và nhiều nhà máy đường đang kêu.

Chúng ta đang trong quá trình mở khi hội nhập. Do đó để tạo được sức mạnh buộc nhà máy và nông dân liên kết với nhau, nhìn lợi ích lâu dài chứ không phải trước mắt một vụ.

VN khác nền nông nghiệp các nước. Các nước có diện tích canh tác của trang trại lớn nên chủ động được nguồn nguyên liệu, còn VN thì phân nhỏ đất cho từng hộ nên phải liên kết. Liên kết 3 nhà (nông, khoa học, quản lý) không thì chưa đủ, mà cái chính là sự phối hợp giữa nhà máy và nông dân. Nông dân giúp duy trì nguyên liệu cho nhà máy lâu dài, còn nhà máy chia sẻ lợi ích của mình với nông dân.

Bộ đã nhiều lần hứa công bố nội dung các cam kết với 28 đối tác song phương nhưng cũng liên tiếp lỡ hẹn. Tại sao và đến bao giờ Bộ sẽ thực hiện?

Mỹ không công bố, mà chỉ nói tóm tắt nội dung các cam kết song phương với VN. Còn với nước ta, vấn đề này Bộ trưởng Tuyển đã giải thích rồi. Lý do là theo thông lệ đàm phán gia nhập WTO, các thỏa thuận song phương về tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ sẽ không được công bố riêng lẻ.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
Phát hiện một tiệm vàng vi phạm
TPO - Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp treo biển hiệu tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trang sức kim loại màu vàng (vàng nữ trang).