“Vay bò trả bò” - Chuyện lớn từ một dự án nhỏ

“Vay bò trả bò” - Chuyện lớn từ một dự án nhỏ
“Vay bò trả bò” cũng gắn liền với trách nhiệm của cán bộ “xóa đói giảm nghèo” từ thôn, đến xã, lên huyện. Cty BAT thông qua đội ngũ cán bộ này còn mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò sinh sản “từ A đến Z”, cách phòng ngừa dịch bệnh cho bò...

Ở xã Bắc Sơn nghèo nhất nhì huyện Sóc Sơn này, nhà chị thuộc loại nghèo đầu bảng. Mình chị nuôi hai đứa con (lớn 10 tuổi, bé 7 tuổi) tất tật chi tiêu trông vào 2 sào ruộng làm 1 vụ lúa, 1 vụ màu, năm được mùa cũng thiếu ăn đến 6-7 tháng. Chưa bao giờ chị có trong tay đến 100 nghìn đồng. Cái xe đạp là ước mơ của 3 mẹ con chị. Nay bỗng dưng Cty BAT nào đó lại  cho chị vay 3 triệu đồng không lấy lãi để mua bò cái, nuôi trong 2 năm. Khi nào bò đẻ, bê lớn thì chị trả bằng tiền, hoặc bằng bò.

Gần năm sau, cữ áp Tết Ất Dậu 2005, tôi đến thăm nhà chị Hoành. Vẫn là ngôi nhà cũ lụp xụp, chẳng có đồ đạc gì đáng giá. Nhưng khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà 46 tuổi này đã tươi lắm khi chị dẫn tôi xuống “thăm” 2 “mẹ con” bò bê.

Chị Hoành khoe : “Tiền Cty BAT cho vay, chị mua được con bò đã chửa sẵn, về chăn được hơn tháng đẻ bê ngay. Cuối năm nay, chị sẽ bán bò mẹ lấy đủ 3 triệu trả Cty BAT, tiền dư chị sẽ mua 1 cái xe đạp để hàng ngày đạp xe xuống bãi rác Nam Sơn nhặt rác. Còn bò tơ chị giữ lại nuôi. Thế là chị đã có vài triệu đồng làm vốn.

Chị Hoành chỉ là một trong số 83 gia đình nông dân nghèo được hưởng lợi từ dự án “Hỗ trợ nông dân xóa đói giảm nghèo”, với tổng số tiền 305 triệu đồng của Cty BAT (British American Tobacco Vietnam) dành cho 3 xã nghèo ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Là huyện nghèo nhất của Hà Nội, đến nay, Sóc Sơn vẫn còn 548 hộ nghèo (thu nhập dưới 130 nghìn đồng/người/tháng), vẫn luôn luôn được nhận các dự án xóa đói giảm nghèo từ nhiều nguồn “đổ” về, nhưng dự án của Cty BAT (với sự trợ giúp của báo Hà Nội Mới) không chỉ được hộ nghèo hoan nghênh mà các cấp chính quyền cũng nhiệt tình ủng hộ bởi hiệu quả đem lại “nhãn tiền”.

Bởi trong thực tế, có không ít dự án rót tiền mặt vào tay người nghèo, có người loay hoay không biết sử dụng vào việc gì, hoặc đem tiêu vào việc khác “mất cả chì lẫn chài”, thậm chí có người đem ra… ăn uống, cờ bạc !? Đằng này, “vay bò trả bò” đã gắn rất chặt trách nhiệm người nghèo với đồng vốn vay thông qua một việc làm cụ thể.

Mặt khác, “vay bò trả bò” cũng gắn liền với trách nhiệm của cán bộ “xóa đói giảm nghèo” từ thôn, đến xã, lên huyện. Cty BAT thông qua đội ngũ cán bộ này còn mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò sinh sản “từ A đến Z”, cách phòng ngừa dịch bệnh cho bò.

Thấy được hiệu quả lớn từ một dự án “vay bò trả bò” ở huyện Sóc Sơn, mới đây Cty BAT đã đưa mô hình này đến xã Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Nằm cách thành phố Biên Hòa hơn 110 km, xã miền núi Tà Lài có 1.524 hộ thì có tới hơn 15% hộ đói nghèo. Người dân Tà Lài (bao gồm 11 dân tộc) sống bằng nguồn thu từ cây lúa là chính, lác đác vài ha cà phê, vài ha điều.

Biết được người dân Tà Lài cũng từng nuôi bò sinh sản, Cty BAT quyết định hỗ trợ bà con nông dân ở đây xóa đói giảm nghèo bằng dự án trị giá 330 triệu đồng “vay bò trả bò” trong 2 năm, bắt đầu từ tháng 2/2005.

Trò chuyện với tôi, bác Nguyễn Minh Thiệp, một trong số 60 hộ được Cty BAT cho “vay bò trả bỏ” phấn khởi lắm. Bác Thiệp cho biết : Đưa cả gia đình từ Trực Ninh, Nam Định vào đây lập nghiệp đã 15 năm rồi mà gia đình tôi (2 vợ chồng và 5 đứa con) chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng và 1 con heo nái.

Nhà rộng… 26 mét vuông, không ao, không vườn, không tivi, chỉ có “nhõn” một cái xe đạp cà tàng! Nay với hơn 5 triệu đồng được Cty BAT cho vay, bác đi tậu một con bò cái và một con bê giống lai Sind, giao hẳn cho hai đứa con nhỏ chăn.

“Chỉ ngày này sang năm, có dịp trở lại Tà Lài thăm tôi, anh sẽ thấy tôi trả xong nợ, còn dư 1 bò, 1 bê là cái chắc! Thế là tôi thoát nghèo rồi!”. Bác Thiệp nói “chắc như đinh đóng cột” trước lúc chia tay tôi.

Đầu tư hỗ trợ cho người nông dân xóa đói giảm nghèo bằng dự án “vay bò trả bò” chưa đủ, cty BAT còn hỗ trợ cho bà con nông dân nghèo ở xã Hòa Bình (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) vay hơn 322 triệu đồng trong 1 năm để chăn nuôi nhỏ (bò, lợn, dê, cá…). Cũng từ tháng 1/2005, Cty BAT lại cho người nghèo ở xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vay hơn 321 triệu đồng, cũng trong một năm để chăn nuôi nhỏ và trồng hoa màu.

Quả thật, những dự án hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Cty BAT chỉ là dự án nhỏ (vài trăm triệu đồng) nhưng lại tỏ ra rất hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.